NHA tụt hậu so với châu Âu: Đi tìm nguyên nhân (Kỳ 3)
Ngoại hạng Anh vẫn duy trì tính giải trí cao nhưng chất lượng của giải đấu đang đi xuống rõ rệt. Vậy đâu là những nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng báo động này?
NHA từ lâu vẫn được đánh giá là giải đấu hấp dẫn và có tính cạnh tranh bậc nhất châu Âu và thế giới. Tuy nhiên những năm gần đây vị thế và chất lượng của giải NHA nói chung và các đội bóng Anh nói riêng đang có chiều hướng đi xuống. Mới đây cựu danh thủ MU và hiện là chuyên gia của đài Sky Sports, Gary Neville đã đưa ra nhận định “Premier League hiện đang tụt hậu khá xa so với các giải đấu lớn khác của châu Âu”. Đây là nhận định có phần đúng đắn và hãy cùng đi tìm hiểu về thực trạng hiện nay của Premier League qua loạt bài của chúng tôi. |
Từ hơn 2 năm trước, chất lượng của Premier League đã bị nhiều chuyên gia đưa ra lời cảnh báo. Alan Shearer, một huyền thoại của giải đấu này, từng đăng một bài viết dài trên tờ The Sun với đầy ắp tâm tư trĩu nặng.
Thước đo duy nhất chính xác đánh giá sức mạnh của một giải đấu phải là sân chơi châu Âu. Theo đó, Premier League càng ngày càng đánh mất hình ảnh của mình. Thế nhưng vấn đề ở đây lại không nằm ở sự hấp dẫn của giải đấu mà là ở chất lượng thi đấu.
HLV Harry Redknapp từng phải thốt lên rằng: “Rất nhiều CLB đang chi quá nhiều tiền vượt xa so với khả năng của họ. Xa, rất rất xa”. Đây chính là một trong những vấn đề khiến giải đấu đi xuống.
Thi đấu ở một CLB đặt mục tiêu trụ hạng hoặc đứng ở vị trí an toàn nào khác nhưng bạn lại nhận mức lương 80.000 - 90.000 bảng/tuần, bạn có thể dễ dàng thỏa mãn. Vì mức lương quá hậu hĩnh ở một số CLB nên ảnh hưởng tới nhiều cầu thủ.
Nhiều cầu thủ đến Premier League vì tiền
Theo nghiên cứu độc lập của Sportmail mới đây, tiền lương trung bình của các cầu thủ Premier League cao nhất thế giới, vào khoảng 2,3 triệu bảng/năm. Đứng thứ 2 là Bundesliga, nhưng cũng kém tới 40%, vào khoảng 1,4 triệu bảng/năm.
Chưa hết, lần đầu tiên trong lịch sử, Premier League ném tới hơn… 1 tỷ euro vào thị trường chuyển nhượng mùa hè 2014, phá vỡ kỷ lục 800 triệu euro vừa xác lập tròn 1 năm trước. Tuy nhiên chi nhiều tiền không có nghĩa Premier League đưa ra được những ngôi sao sáng nhất.
Ở La Liga, Sanchez, Fabregas không được trọng dụng ở Barca. Di Maria cũng bị ruồng bỏ ở Real. Những Costa, Courtois thuộc hàng mới nổi. Trong khi cái tên làm nên thương hiệu Premier League như Ronaldo, Gareth Bale, Suarez… (trước đó còn rất nhiều như Beckham, Owen…) lại lần lượt ra đi. Cái này có lúc còn được coi là trào lưu chán Premier League: Chán về động lực, tham vọng.
Thất bại ở Champions League mấy năm qua khiến sức hút Premier League suy giảm có hệ thống. Nguyên nhân này dù được nhắc đến đầu tiên, nhưng lại là hệ lụy của cả một quá trình. Premier League đang cho thấy sự bất hợp lý về cơ cấu chuyển nhượng ở những năm trước, để rồi bây giờ muốn thay đổi lại phải chờ bán bớt.
Thực tế, nhiều cầu thủ như Di Maria, Sanchez cũng được cho là vì tiền nên mới tới Ngoại hạng Anh chơi bóng. Điều đó chưa thể khẳng định nhưng chắc chắn, tới bến đỗ mới, họ nhận những khoản thu nhập hẫu hĩnh hơn bến đỗ cũ.
Ở Premier League mùa này, hết Southampton đến West Ham “làm mưa làm gió”. Southampton từng cạnh tranh ngôi đầu với Chelsea và giờ West Ham còn đứng trên cả Arsenal, Liverpool, Tottenham.
Đúng là xét về mặt giải trí, người hâm mộ luôn hào hứng với thẳng lợi 4-3 hơn là 1-0. Vì lẽ ấy Premier League được ca ngợi là giải đấu số 1 thế giới. Nhưng xét về yếu tố chất lượng, e rằng mọi thứ trượt dốc quá mạnh.
Sir Alex giải nghệ khiến cho Premier League mất đi một thế lực khi ra trời Âu
Nhìn rộng tầm mắt, người ta cũng thấy chất lượng của các cầu thủ Anh giảm sút ghê gớm. Thời trước, những tiền đạo kiệt xuất đầy ắp như Robbie Fowler, Andy Cole, Teddy Sheringham, Les Ferdinand và Michael Owen…
Nhưng thử xem vài năm qua, người Anh có nổi chân sút nào tạo tiếng vang ngoại trừ Rooney. Carroll, Welbeck, Defoe, “lão tướng” Lambert…, tất cả đều quá tầm thường. Tương tự những tiền vệ giỏi, hậu vệ xuất sắc cũng “mất hút”.
Xét trên khía cạnh khác, Premier League được cho là đi xuống vì quá “già” so với châu Âu. Chỉ Liverpool mạnh tay trong công tác trẻ hóa nhưng khi thành tích bết bát, họ có lẽ cũng không thể duy trì điều này và hướng tới những bản hợp đồng mang tính thời vụ.
Tìm ra nguyên nhân là một chuyện nhưng giải quyết được hay không lại là chuyện khác. Premier League vẫn tạo lợi nhuận cho các nhà tổ chức, vậy thì tại sao họ lại thay đổi?
Mời các bạn đón đọc kì cuối của loạt bài “NHA tụt hậu so với châu Âu” với việc đưa ra cái nhìn về tương lai của các đội bóng nói riêng và Ngoại hạng Anh/Premier League nói chung, vào lúc 19h30 ngày 26/12.