NHA: Những “thần tượng ảo”
Tiếc nuối. Đó là cảm xúc chung của những người yêu bóng đá Anh sau 2 trận đấu của Man City và Arsenal.
Bấm đây xem tin HOT ngày 21/2 |
Man City vẫn kiểm soát được trận đấu cho tới quả phạt đền và thẻ đỏ cho Martin Demichelis. Arsenal thì đã có cơ hội dứt điểm “con mồi” nếu như Mesut Oezil nắn nót hơn trong cú đá 11m. Nhưng kết cục chung cho cả hai lại hết sức phũ phàng, thua 0-2 ngay sân nhà và gần như đã hết cơ hội.
Số phận, định mệnh, vận rủi, đen… Rất nhiều những khái niệm có thể được đem ra để lý giải cho những thất bại ấy.
Với Man City, chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ có Sergio Aguero; nếu Matija Nastasic đừng chấn thương và nếu Manuel Pellegrini tín nhiệm Joleon Lescott thay vì mạo hiểm với Demichelis…
Với Arsenal, chuyện gì sẽ xảy ra nếu người đá 11m không phải Oezil; nếu họ có Ramsey, Walcott; và cơ hội hẳn là vẫn rộng mở nếu Szczesny chỉ bị phạt thẻ vàng…
Xứ sở sương mù tiếc nuối. Đúng, Arsenal đã có thể trở thành đội đầu tiên sau chẵn một năm chơi sòng phẳng được với Bayern Munich sau khi chính họ, trong trận knock-out lượt về mùa trước, đã khiến sân Allianz Arena run rẩy. Đúng, Man City đã trao cho Barcelona quyền kiểm soát, nhưng những cơ hội nguy hiểm nhất vẫn là của họ cho tới khi Demichelis rời sân.
Nhưng người ta cũng có thể chất vấn ngược lại, rằng tại sao một đội bóng muốn vươn tới đẳng cấp cao nhất lại có thể tin vào một “món hàng hết đát”. Chúng ta đang nói tới Demichelis với một cú tắc bóng nghiệp dư. Người ta cũng có thể chất vấn tinh thần và thái độ thi đấu của Man City, như chính đội trưởng Kompany thú nhận đã “quá tôn trọng Barca”.
Cú tắc bóng nghiệp dư của Demichelis
Lọt tới vòng knock-out ở giải đấu lớn nhất thế giới là một kỳ tích của đội bóng mà 15 năm trước còn chơi ở hạng 3. Nhưng đội bóng hạng 3 ngày ấy chơi với một tinh thần mạnh mẽ và không ngán ngại đối thủ nào nhờ sự dẫn dắt của đội trưởng Andy Morrison, người có vóc dáng giống bảo vệ hộp đêm hơn là cầu thủ bóng đá. Man City đã trở lại Premier League bằng tinh thần thép nhưng thứ tinh thần ấy tiếc thay không được thể hiện trước Barca, còn cú tắc của Demichelis với Messi thì tệ hơn bất kỳ cú tắc nào của Morrison.
Với Arsenal, họ năm nào cũng dự Champions League và đi tới loạt knock-out, nhưng chỉ hai lần vượt qua được tứ kết bởi những chữ “nếu” và đủ mọi lý do. Đừng nói tới vô địch Champions League, Arsenal đã có 8 năm liên tiếp không có gì ngoài Emirates Cup. Lý do quan trọng nhất hẳn phải là họ chưa đủ mạnh mẽ và hoàn thiện để cạnh tranh ở đẳng cấp cao nhất.
Giờ thì người Anh còn lại Man United và Chelsea. Với MU, có thể chờ đợi gì ở thứ bóng đá nguyên sơ từ thời Thế chiến thứ nhất đem ra thi thố với những chiến thuật tinh túy nhất. Một võ sĩ “hạng lông” như David Moyes có đủ để tạo niềm tin ở sàn boxing đỉnh cao. Chỉ còn Chelsea và kinh nghiệm của Jose Mourinho là có thể trông cậy.
Arsenal cũng sụp đổ trước sức mạnh của Bayern
Sau giai đoạn bùng nổ 2004-2009 (nhưng cũng chỉ có 2 lần vô địch), người Anh lại trở nên yếu ớt ở Champions League. Hai năm liên tiếp sân chơi thuộc về người TBN và người Đức, trong khi chức vô địch 2012 của Chelsea đậm chất may mắn như Liverpool 2005 và MU 1999. Man City đã đi tới knock-out lần đầu tiên nhưng sẽ còn lâu để tiến xa hơn đặc biệt khi dẫn dắt họ là Pellegrini. Hãy chỉ ra xem có bao nhiêu HLV Nam Mỹ từng vô địch châu Âu!
MU và Arsenal đang cần đại phẫu cả về chiến thuật và chiến lược dài hạn nếu sắp tới họ muốn nâng Cúp bạc ở sân chơi hội đủ anh tài như Champions League. Chút niềm tin cuối cùng gửi gắm ở Chelsea của Mourinho. Nhưng với tính đồng bóng của Abramovich và thói quen nhảy việc của Mou, người ta nghi ngờ rằng “chuyện tình” của họ có thể sẽ không quá 3 năm.
Bóng đá Anh được ưa chuộng, đặc biệt với khán giả Á châu, là bởi tốc độ và tính giải trí cao, nhưng thường thiếu tính hiệu quả ở cả cấp CLB lẫn đội tuyển. Những cảm xúc nuối tiếc như của Arsenal và Man City bù lại sẽ in sâu trong lòng khán giả và khiến họ yêu mến giải Ngoại hạng hơn, đặc biệt những người trẻ.