NHA: Ai phải tiếc nuối khi Bale ra đi?
Gareth Bale, một trong những ngôi sao lớn nhất của Premier League hiện tại, đã ra đi. Nhưng bóng đá Anh có cần phải nuối tiếc cầu thủ người xứ Wales hay không?
Giá chuyển nhượng của Bale là 100 triệu euro (85 triệu bảng), chính thức biến anh thành cầu thủ đắt giá nhất mọi thời đại, phá vỡ kỷ lục cũ của Cristiano Ronaldo (cũng sang Real Madrid) cách đây 5 năm, 5 triệu bảng. Sau Neymar (sang Barcelona), Liga đón thêm một vì tinh tú khác.
Bóng đá Anh dường như không còn là thiên đường. Mario Goetze đã chọn ở lại Đức (chuyển từ Dortmund sang Bayern), hơn là sang Man United. Edinson Cavani phớt lờ cả Man City và Chelsea để sang Pháp chơi cho PSG. Radamel Falcao bất ngờ chọn Monaco, thay vì nước Anh. Ngay cả khi Arsenal đã giành được Mesut Oezil, thì Premier League đã không còn là điểm đến của những siêu sao.
Lý do? Bóng đá Anh căng thẳng hơn, một cuộc đua mà các ngôi sao đôi khi cảm thấy ngần ngại, vì cơ hội dự Champions League có thể không được đảm bảo. Ngoài ra, mùa Đông tại Anh là hết sức khắc nghiệt.
Nhưng đó vẫn được mệnh danh là giải đấu đáng xem và hấp dẫn nhất vào thời điểm này, và những gì đang diễn ra giống như một sự xúc phạm đối với danh xưng ấy. Điều đó tương tự như việc bạn tuyên bố rằng một cầu thủ bóng rổ hàng đầu thế giới có thể chơi ở bất cứ đâu trừ giải… NBA.
Nhưng cũng có một cách giải thích khác: “Đứng từ ngoài nhìn vào, có vẻ như Premier League không còn hấp dẫn các cầu thủ hàng đầu như trước” – Phillippe Auclair, một ký giả đã viết rất nhiều cuốn sách bóng đá làm việc tại London, bình luận trên tờ New York Times. “Nhưng nếu bạn để ý kỹ hơn, sức mạnh và chiều sâu của các đội bóng là không thể tin được. Các CLB không ký hợp đồng với nhiều ngôi sao, nhưng giải đấu không cần họ”.
NHA mất Bale nhưng không vì thế mà sức hút bị giảm đi
Không Bale, không sao
Tiền bán Gareth Bale đã được sử dụng từ… trước đó để tăng cường một loạt cầu thủ chất lượng như Roberto Soldado, Erik Lamela và Paulinho. Man City đã mua thêm Jesus Navas và Stevan Jovetic để làm dày thêm hàng công thượng thừa vốn có với David Silva và Edin Dzeko. Họ không có siêu sao, nhưng cũng không thiếu những ngôi sao.
Một ngôi sao ra đi không có nghĩa là đội bóng sẽ “chết”. Ngược lại là đằng khác. Một mảnh ghép quan trọng đã rời ra, nhưng thay thế vào đó là nhiều mảnh ghép khác. Không có Bale, Tottenham đã là một đội bóng rất mạnh rồi.
Premier League thì ngày càng lớn mạnh hơn. Bản quyền truyền hình của giải đấu mùa này là 5,5 tỷ bảng. Đài BBC mới đây chấp nhận trả 180 triệu bảng chỉ để được phép đưa các đoạn clip ngắn về trận đấu trên chương trình “Match of the Day” (Trận đấu trong ngày) của họ. Các hãng tin và tờ báo lớn, bao gồm cả The Sun và The Times, trả 20 triệu bảng để được phép tường thuật lại các diễn biến của giải trên trang chủ.
Tại châu Á, châu Úc và thậm chí là châu Mỹ, sức hấp dẫn của Premier League không giảm xuống. Đài NBC của Mỹ đã trả 54 triệu bảng để mua bản quyền giải Ngoại hạng, bằng với tổng số tiền mà 3 hãng lớn NBC, ESPN và Univision cùng trả để phát sóng giải VĐQG Mỹ (MLS).
Mặc kệ các ngôi sao đến và đi, tiền chưa bao giờ ngừng chảy vào Premier League. 10 năm trước, David Beckham đã rời Man United đến Real Madrid. 4 năm trước, Ronaldo đưa ra lựa chọn tương tự. Và bây giờ, đến lượt Bale. Premier League đã quá quen với những cuộc chia ly, nhưng đó đều là những cuộc chia ly không nước mắt, đối với bóng đá Anh.
Giải đấu này làm nên các ngôi sao, chứ không phải lớn mạnh nhờ các ngôi sao. Các đội bóng tên tuổi của nó, cách đánh bóng của truyền thông, những góc máy đẹp và tinh thần chơi bóng tuyệt vời mới là cái hồn thật sự của Premier League.
Thế nên, các CĐV Tottenham có lẽ cảm thấy rất buồn, nhưng với bóng đá Anh, đây không phải một mất mát. Show diễn lớn vẫn tiếp tục, và những ngôi sao mới đã chờ sẵn sau cánh gà.