NHA 2012/13: Những điểm nhấn chiến thuật
Sự phổ biến của 4-2-3-1, lối chơi pressing, sự biến mất của các tiền đạo lùi và sơ đồ kim cương thoái trào.v.v là những điểm nhấn chiến thuật của Premier League mùa giải vừa qua.
Sự thoái trào của sơ đồ kim cương
Thực tế là trong lịch sử bóng đá Anh, hiếm có một CLB nào thành công với sơ đồ kim cương. Mùa này, M.U đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi áp dụng hệ thống kim cương (4-1-2-1-2) trong một thời gian ngắn, với một cầu thủ chơi sâu ở hàng tiền vệ để giữ nhịp, một hộ công và hai tiền đạo, cộng thêm hai tiền vệ trung tâm chơi dạt biên. Cho đến trận hòa 5-5 trước West Brom ở vòng cuối, thử nghiệm này đã không được Sir Alex ngó ngàng trong một thời gian dài, sau giai đoạn đầu khá thích thú với ý tưởng này. Ngoài M.U, mùa này, chỉ có Aston Villa cố sử dụng sơ đồ kim cương, nhưng chỉ ở giai đoạn lượt đi.
Cầu thủ chơi “trái kèo” lên ngôi
Đây không phải là một xu thế mới (từ buổi sơ khai của bóng đá, những cầu thủ trái kèo đã xuất hiện rồi), nhưng sự bùng nổ của 4-2-3-1 đã khiến xu thế này bùng nổ ở Premier League. Do các tiền đạo cánh chơi gần khung thành và “nhu cầu” dứt điểm ngày một gia tăng, họ buộc phải tìm ra một giải pháp: Đi bóng từ cánh trái vào trung lộ, trước khi dứt điểm bằng chân thuận là chân phải, hoặc ngược lại.
Chúng ta có thể kể ra rất nhiều cầu thủ dạng ‘trái kèo’ này: Weimann hoặc Agbonlahor của Aston Villa, Rodriguez (Southampton), Steven Pienaar (Everton), Eden Hazard (Chelsea), Matt Jarvis (West Ham), Gylfi Sigurdsson (Tottenham), Samir Nasri (Man City). Trong số các cầu thủ dạng này, thì những người chơi chân trái ở vị trí tiền đạo phải, như Adam Johnson (Sunderland) hay Stewart Downing (Liverpool) là ‘của hiếm’.
Thầy trò HLV Roberto Martinez là một ngoại lệ
Ngoại lệ của Premier League: Roberto Martinez
Wigan trong tay ông là một trường hợp kỳ lạ, không chỉ vì họ giành FA Cup trong bối cảnh phải... xuống hạng ở giải VĐQG. Trong khi hầu hết các đội bóng Anh đều sử dụng hệ thống phòng thủ 4 người theo tuyến nghiêng, thì Roberto Martinez bắt đầu áp dụng sơ đồ 3 hậu vệ đã 3 năm, từ tháng 11/2011. Mùa này, việc hàng phòng ngự khủng hoảng hóa ra lại là động lực cho sáng tạo: Ở trận thắng West Brom, Martinez đã áp dụng một hệ thống ‘không giống ai’: 2-5-2-1.
Các thử nghiệm
Mùa bóng này, các HLV có xu hướng thử nghiệm liên tục, ngay cả một người khá “ổn định” như Sir Alex Ferguson: HLV người Scotland đã từng thử nghiệm ý tưởng sơ đồ kim cương, rồi quay lại 4-4-2, trước khi nhận ra 4-3-2-1 vẫn là ưu việt nhất. Roberto Mancini, cũng giống như Roberto Martinez tại Wigan, nhiều lần cố sử dụng hệ thống 3 trung vệ. Brendan Rogers của Liverpool cũng đã cho Liverpool chơi 3-5-2 ở trận derby Merseyside tháng Mười năm ngoái. Paul Lambert, trong nỗ lực cứu vớt Aston Villa khỏi xuống hạng, đã thay đổi xoành xoạch các hệ thống, từ 4-2-3-1, 4-3-3 và thậm chí là 4-1-3-2.
Xu hướng pressing
Người TBN là những nhà tiên phong của lối chơi này một thập kỷ qua. Người Đức đang nối gót. Và người Anh học tập. Sự xuất hiện của Manuel Pellegrini tại Man City, hiện đang cố học theo mô hình Barcelona, có thể bắt đầu cho một cuộc cách mạng về pressing tại đội bóng này. Mauricio Pochettino, một HLV khác đến từ Liga, đã áp dụng một lối chơi gây áp lực cực đoan bậc nhất khi ‘cầm’ Southampton, và đó là lý do tại sao Morgan Schneiderlin, tiền vệ trung tâm được giao nhiệm vụ áp sát (closing down) đối phương lại sở hữu tỉ lệ đánh chặn cao nhất giải.
Brendan Rodgers của Liverpool và Andre Villas-Boas cũng là những “tín đồ” pressing, và họ còn thực hiện nó với nhịp độ rất cao, và gây áp lực một cách liên tục.
Tóm lại, xu hướng chiến thuật của đội bóng nào cũng phụ thuộc vào con người mà HLV các đội có trong tay. Suốt cả cuộc đua đường trường, MU đã tận dụng tốt nhất các cơ hội của họ để vượt qua các đối thủ thống trị giải NHA. Nhưng giờ tất cả đã khép lại để chờ những cuộc đua mới, đặc biệt với các “đại gia” của NHA, với những câu chuyện mới của bóng đá xứ sở sương mù.