Người được bầu Đức tiến cử làm sếp VPF có phản ứng bất ngờ
Ông Phạm Ngọc Viễn khẳng định mình không biết tới thông tin bầu Đức tiến cử vào VPF và cũng không quan tâm tới việc này.
Vì sao nhiều đội bóng đòi Đại hội cổ đông bất thường VPF?
Ngày 30/8, CLB HAGL gửi công văn tới VFF, VPF đề nghị triệu tập Đại hội cổ đông bất thường Công ty VPF.
Ông Phạm Ngọc Viễn từng giữ chức Tổng Giám đốc VPF
Lý do đội bóng phố Núi đưa ra là VPF thời gian qua đưa ra nhiều quyết định không hợp lý, chưa sâu sát các đội bóng và kém hiệu quả trong công tác vận động tài trợ.
Đáng chú ý, HAGL của bầu Đức không phải đội bóng duy nhất đưa ra động thái này. SLNA, Bình Dương, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Nam cũng có quan điểm tương tự.
Nguyên nhân chính dẫn tới làn sóng phản đối VPF được cho là xuất phát từ việc Hội đồng quản trị công ty này đề xuất phương án lùi V-League 2021 tới tháng 2/2022, dù còn nhiều CLB phản đối.
Thực tế, trong nhóm đội bóng yêu cầu tổ chức Đại hội cổ đông VFF, có tới 3 cái tên không đồng thuận lùi V-League 2021 sang đầu năm sau (Nam Định, Bình Dương, Hải Phòng).
Phản đối quyết liệt một số CLB khiến BCH VFF phải hủy Nghị quyết thông qua đề xuất của VPF, đồng thời quyết định hủy các giải đấu chuyên nghiệp năm 2021.
Tuy nhiên, việc yêu cầu Đại hội cổ đông bất thường VPF để cải tổ bộ máy lãnh đạo công ty này cho thấy bóng đá Việt Nam thực sự đang có vấn đề.
Thứ nhất, ở Đại hội thường niên năm 2020, các thành viên Hội đồng quản trị VPF đều trúng cử với số phiếu cao. Đặc biệt, ông Trần Anh Tú trúng cử vị trí Chủ tịch cùng 100% phiếu bầu.
Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 9 tháng, nhiều đội bóng lại đòi kiện toàn bộ máy lãnh đạo VPF.
Thứ hai, theo lãnh đạo một đội bóng ở V-League, đúng là trước bối cảnh dịch bệnh phức tạp, cách điều hành của VPF có một số điểm chưa ổn nhưng chỉ dựa vào đây để phủ nhận nỗ lực, đóng góp của VPF nói chung, ông Trần Anh Tú nói riêng là thiếu khách quan.
Quả đúng như vậy, không nói đâu xa, năm 2020 dịch bệnh Covid-19 cũng hoành hành nhưng VPF vẫn chèo lái các giải đấu về đích an toàn, gây ấn tượng mạnh với bạn bè quốc tế.
Ngoài ra, VPF còn tạo được niềm tin với nhiều nhà tài trợ, khiến họ gắn bó lâu dài. Tiêu biểu như Tập đoàn LS (Hàn Quốc), Bamboo Airways hay Bảo hiểm PTI.
Ông Trần Anh Tú có nhiều đóng góp cho bóng đá Việt Nam
Ứng viên không quan tâm tới đề cử của bầu Đức
Song song việc gửi công văn tới VFF, VPF, bầu Đức còn tiến cử hai ông Trần Duy Ly và Phạm Ngọc Viễn để bầu vào Hội đồng quản trị VPF.
Cả hai vị chuyên gia này đều có kinh nghiệm nhưng đã luống tuổi, từ lâu không tham dự vào đời sống bóng đá nước nhà.
Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, cả hai nhân vật được bầu Đức tiến cử đều không quan tâm tới việc này.
“Tôi không biết thông tin đó và nếu có cũng không quan tâm”, ông Viễn nói.
Liên quan tới Đại hội cổ đông bất thường VPF, theo Luật doanh nghiệp, nếu một cổ đông hay nhóm cổ đông sở hữu từ 5% cổ phần trở nên có quyền yêu cầu triệu tập Đại hội.
Theo một thành viên Hội đồng quản trị VPF, các đội bóng V-League mỗi đội nắm 3,9% cổ phần, hạng Nhất là 1%.
Với việc có tới 6 đội bóng (5 V-League, 1 hạng Nhất) yêu cầu tổ chức Đại hội cổ đông bất thường, việc này chắc chắn phải diễn ra trong thời gian tới.
Về phía VFF, tổ chức năm 35% cổ phần VPF, một lãnh đạo tổ chức này cho hay sẽ có tổng hợp tình hình để báo cáo lên Thường trực VFF xin ý kiến chỉ đạo.
Trường hợp tổ chức Đại hội cổ đông bất thường, chắc chắn sẽ có những biến động tại VPF.
Theo nguồn tin của Báo Giao thông, hiện có một số CLB, cá nhân đang vận động để ngồi vào ghế lãnh đạo VPF.
Tuy nhiên, nếu để lãnh đạo đội bóng nắm quyền, việc tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp sẽ thiếu tính khách quan bởi rơi vào tình trạng vừa “đá bóng vừa thỏi còi”.
Theo điều lệ của VPF, có thể mời các cá nhân bên ngoài tham gia Hội đồng quản trị nhưng việc này cũng không đơn giản bởi người đủ khả năng đều ngại việc đấu đá ngầm đã và đang diễn ra ở VPF.
Bầu Đức đang gây sốt làng bóng đá với tuyên bố sẵn sàng bỏ ra 100 triệu đồng/tháng để trả lương cho Chủ tịch VPF.
Nguồn: [Link nguồn]