Ngoại hạng Anh trở lại nóng rực, vì sao vẫn "thèm" được như V-League?
Làm mọi cách để tái hiện bầu không khí sôi động như trước Covid-19, nhưng những trận đấu đánh dấu sự trở lại của Ngoại hạng Anh vẫn bị chính người hâm mộ Anh chê bai, trong đó có đại chiến Man City - Arsenal.
Nhóm CĐV xem trận Aston Villa - Sheffield qua phần mềm chat nhóm (Bản quyền K+)
Ngoại hạng Anh trở lại: Bất ngờ bị chê cười vì khán giả "ảo"
Sau 3 tháng mòn mỏi chờ đợi, Ngoại hạng Anh - giải VĐQG hấp dẫn nhất châu Âu đã chính thức trở lại với 2 trận đá bù vòng 28, trong có có đại chiến giữa Man City và Arsenal (Man City thắng 3-0). Nhìn chung, những trận đấu này đều đạt chất lượng chuyên môn cao với vô số diễn biến hấp dẫn.
Ngoại hạng Anh trở lại hấp dẫn nhưng vẫn bị người hâm mộ chê bai vì không khí buồn tẻ
Đáng chú ý, do quy định nghiêm ngặt về giãn cách xã hội, ban tổ chức buộc phải "cấm cửa" người hâm mộ vào sân. Chính vì vậy, ban tổ chức sân Villa Park và Etihad quyết định lắp đặt giàn âm thanh giả lập tiếng cổ vũ, cùng nhiều màn hình lớn ở các góc sân ghi lại hình ảnh người hâm mộ cổ vũ... tại nhà. Đây có thể là trào lưu mới của bóng đá Anh thời gian tới, nếu tiếp tục "cấm cửa" khán giả vào sân tới hết năm 2020.
Tuy nhiên, nỗ lực của ban tổ chức không đủ để thỏa mãn người hâm mộ. Trên mạng xã hội, người hâm mộ lên tiếng mỉa mai bầu không khí buồn tẻ từ các trận đấu, trong đó đại chiến Man City - Arsenal bị "ném đá" vô cùng dữ dội. Không chỉ đọc lái từ Etihad - sân nhà Man City thành "Emptyhad" (empty tiếng Anh là trống rỗng), nhiều người còn buông lời chê bai thậm tệ:
"Etihad có vẻ bận rộn và sôi động hơn ngày thường thì phải".
"Dù sao đây cũng là bầu không khí tuyệt vời nhất của Etihad thời gian qua rồi".
"Thật tốt khi thấy Etihad duy trì được lượng CĐV tới sân như trước Covid-19".
Đây là những chia sẻ mới của fan bóng đá Anh sau 2 trận đá bù vòng 28 giải ngoại hạng Anh.
Ngoại hạng Anh vẫn "ghen tị" với V-League
Chứng kiến một trận cầu lớn như Man City - Arsenal bị chính người hâm mộ nước nhà quay lưng, ban tổ chức Ngoại hạng Anh càng có lí do để "ghen tị" với bóng đá Việt Nam. Lần lượt từ ngày 23/5 và 5/6, V-League và cúp QG - hai đấu trường hàng đầu Việt Nam đã chính thức diễn ra, đây cũng là khoảng thời gian các CLB Anh mới bắt đầu tập luyện và loay hoay chốt phương án thi đấu trở lại.
Không khí sôi động trên khán đài là sự khác biệt giữa V-League và Ngoại hạng Anh ngày trở lại
Không chỉ vậy, Việt Nam cũng trở thành nền bóng đá đầu tiên trên thế giới mở cửa đón khán giả vào sân do tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt.
Những trận cầu như Nam Định - HAGL (vòng loại cúp QG) hay Nam Định Viettel (vòng 3 V-League) thu hút từ 10.000 tới 30.000 CĐV vào sân cổ vũ, khiến nhiều hãng truyền thông lớn như Reuters hay Daily Mail (một trang báo của Anh) đưa tin rầm rộ. Tất cả đều tỏ ra sửng sốt, thích thú trước tình yêu bóng đá của người hâm mộ dải đất hình chữ S.
Như đã nói trên, ngay cả khi chính thức trở lại, các trận đấu ở Ngoại hạng Anh có thể phải "cấm cửa" khán giả vào sân tới hết năm 2020 để đảm bảo an toàn. Điều này đồng nghĩa, fan của bóng đá "xứ sở sương mù" vẫn nhìn vào bóng đá Việt Nam với ánh mắt "ghen tị".
Không thể so sánh trình độ chuyên môn của bóng đá Việt Nam với Ngoại hạng Anh, cũng như các giải hàng khác ở châu Âu. Nhưng ít nhất, người hâm mộ vẫn có thể tự hào vì sự khác biệt giữa bầu không khí sôi động của các trận đấu ở V-League. Đây cũng là dịp để bóng đá Việt Nam cải thiện hình ảnh, chuyên môn, lấy lại vị thế một trong những giải đấu hàng đầu khu vực Đông Nam Á và vươn lên ở châu Á.
Man City đã giành chiến thắng đậm 3-0 trước Arsenal nhờ công lao không nhỏ của dự bị David Luiz bên phía... Arsenal.
Nguồn: [Link nguồn]