Ngoại hạng Anh thống trị Cúp C1: MU - Man City chi nhiều vẫn thất bại, vì sao?
Hai trận chung kết Champions League và Europa League chứng kiến sự thống trị tuyệt đối của các đội bóng Ngoại hạng Anh. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử các giải đấu cúp châu Âu. Và nó thêm một lần là minh chứng cho sức mạnh kim tiền của xứ sương mù.
Ngoại hạng Anh chống lưng
Chung kết Champions League: Liverpool - Tottenham. Chung kết Europa League: Chelsea - Arsenal. Đây có lẽ là kịch bản mà các giải đấu hàng đầu châu Âu khác có nằm mơ cũng khó lòng đạt được. Real Madrid và Atletico đã 2 lần biến chung kết Champions League thành derby Madrid. Sevilla 3 lần đăng quang ở Europa League. Nhưng La Liga chưa bao giờ thống trị châu Âu theo cách người Anh đã làm ở mùa giải 2018/19 này.
Liverpool và Tottenham hẹn gặp nhau ở chung kết Champions League
Bí quyết là gì? Tiền, dĩ nhiên rồi. Muốn có một đội bóng mạnh, đội bóng ấy phải có rất nhiều tiền. Về điểm này, các đội bóng Anh phải cảm thấy mình may mắn hơn so với những đối thủ đến từ các nền bóng đá khác. Bởi lẽ, việc phân chia tiền thưởng công bằng là một trong những yếu tố giúp Ngoại hạng Anh trở thành giải đấu có sức cạnh tranh lớn nhất thế giới.
Theo tính toán của Daily Mail, Liverpool sẽ kiếm được gần 150 triệu bảng tiền thưởng các loại ngay cả khi chỉ về đích thứ hai, nhiều hơn Man City 1,4 triệu bảng. Mọi CLB tham gia Ngoại hạng Anh đều nhận được 12,5 triệu bảng tiền bản quyền truyền hình. Sau đó, họ sẽ nhận thêm khoản thưởng lên đến 1,2 triệu bảng cho mỗi trận khi vượt qua mốc 10 trận được trực tiếp. Và hơn hết, mỗi đội tham dự Ngoại hạng Anh mùa 2018/19 sẽ được chia đều tiền bản quyền truyền hình: 79,4 triệu bảng.
Trước đó, thống kê ở mùa giải 2017/18, ban tổ chức Ngoại hạng Anh đã chi ra 2,4 tỷ bảng để chi trả tiền thưởng cho 20 đội bóng tham dự. Đội nhận tiền thưởng nhiều nhất là MU với 149,7 triệu bảng, còn nhà vô địch Man City xếp thứ hai với 149,4 triệu bảng. Liverpool xếp thứ ba với 145,9 triệu bảng, theo sau lần lượt là Tottenham (144,4 triệu bảng), Arsenal (142 triệu bảng) và Chelsea (141 triệu bảng).
Tiêu nhiều vẫn thất bại vì sao?
Có giải Ngoại hạng Anh chống lưng là một chuyện, sử dụng những đồng tiền ấy ra sao lại là câu chuyện khác. Có thể thấy rằng hai đội bóng nhận được nhiều nhất - đồng thời cũng đầu tư mạnh nhất là MU và Man City lại sớm bị loại ở Champions League. Ngược lại, Tottenham không chi ra một đồng nào trong cả hai kỳ chuyển nhượng mùa hè và mùa đông, cũng như Liverpool mất đi ngôi sao Philippe Coutinho, lại gặt hái thành công.
MU thất bại ở Champions League
Do vậy, bên cạnh sức mạnh của đồng tiền thì cách sử dụng ra sao để đạt hiệu quả tối ưu mới là vấn đề then chốt. Trên thực tế, Tottenham và Liverpool có sự đầu tư một cách căn bản, xây dựng một hệ thống từ gốc rễ vấn đề. Bên cạnh đó, sở hữu những nhà cầm quân kiệt xuất cũng là lý do giúp Liverpool và Tottenham bay cao.
Sự thất bại của Man City ở Champions League trong mùa giải 2018/19 có thể xem là một "tai nạn". Công nghệ VAR khiến đoàn quân của HLV Pep Guardiola phải dừng chân ở tứ kết. Tuy nhiên, nhà vô địch Ngoại hạng Anh chắc chắn sẽ trở lại và hứa hẹn còn mạnh mẽ hơn ở mùa giải kế tiếp.
Tuy nhiên, vấn đề của MU thì thật trầm trọng. Đội bóng này trong giai đoạn Phó chủ tịch Ed Woodward nắm quyền điều hành, thiếu đi một sự nhất quán trong chiến lược xây dựng đội bóng. Họ đặt niềm tin vào một HLV bị đánh giá thấp về năng lực như David Moyes, sau đó lại hoài nghi về năng lực và chiến lược xây dựng bóng đá mang tính nền tảng của Louis van Gaal.
Rồi MU đắm mình trong những ảo mộng về thứ vinh quang tưởng chừng dễ dãi với Jose Mourinho. Vậy nhưng không, chiến lược ăn xổi cùng "Người đặc biệt" thất bại thê thảm. Và giờ đến Solskjaer, không ai biết nó là gì nữa. Chỉ biết rằng, rất nhiều tiền đã ném ra, nhưng thành công thu về như lá mùa thu, ít ỏi và không xứng đáng với tầm vóc của đội bóng này.
Cầu thủ đắt giá nhất thế giới năm 2013 Gareth Bale có thể rời Real như một kẻ bỏ đi.