Ngoại hạng Anh hấp dẫn hay quá kém chuyên môn?
MU lại ngã ngựa, vòng đấu nào ở Premier League, người Anh cũng chứng kiến ít nhất một ông lớn mất điểm.
Video các bàn thắng "dễ như ăn kẹo" từ đầu mùa Premier League:
Sau 9 vòng đấu, khoảng cách giữa đội dẫn đầu Premier League (Man City) với đội xếp thứ tư (Chelsea) chỉ vỏn vẹn 1 điểm. Giải Ngoại hạng được xem là chưa bao giờ hấp dẫn đến thế với 5-6 đội cùng cạnh tranh ngôi vô địch.
Một trong những yếu tố khiến giải đấu của người Anh trở nên đặc biệt lôi cuốn là bất kỳ một “ông lớn” nào cũng có khả năng bị một đối thủ tí hon đánh bại, điều ngày càng hiếm gặp ở những giải đấu như La Liga, Bundesliga, hay Serie A.
MU của Mourinho bất lực trong việc ghi bàn vào lưới Burnley
Xấu đều hơn tốt lỏi?
Khán giả thích thú với những câu chuyện cổ tích kiểu đó, chẳng hạn một đội như Leicester có thể vượt qua hàng loạt đại gia để giành vô địch. Nhưng khi mà các ông lớn thay nhau ngã ngựa, người ta lại bắt đầu đặt dấu hỏi về chất lượng chuyên môn của Premier League.
Arsenal là đội gây thất vọng đầu tiên, chỉ giành được một điểm trong 2 vòng đầu. Dù sau đó có một chuỗi trận tương đối ấn tượng thì trận hòa nhạt nhẽo với Middlesbrough chỉ ra rằng “Pháo thủ” chẳng thay đổi nhiều so với bộ mặt thường thấy suốt những năm qua.
Liverpool trở lại cuộc đua tranh vô địch sau nhiều năm và trình diễn lối chơi giàu cảm hứng, nhưng vẫn sẵn sàng “biếu” điểm cho những đội yếu cỡ Burnley. Chelsea có chuỗi 3 trận toàn hòa và thua. Nhưng thất vọng nhất phải là Man United, đội hình đắt giá của “Quỷ đỏ” chỉ để lại ấn tượng duy nhất: Nhạt.
Vậy chẳng phải Premier League hấp dẫn là bởi họ “xấu đều”, thay vì có 1-2 đội “tốt lỏi” để đưa giải đấu về thế độc tôn hoặc song mã như Serie A, Bundesliga, La Liga và Ligue 1 những năm qua?
Và nếu lấy thể hiện ở Champions League làm thước đo cho chất lượng các giải đấu, Premier League rõ ràng đang tụt hậu khi mà từ năm 2013 đến nay, không có một đại diện xứ sương mù nào lọt vào chung kết.
Thực trạng ấy hoàn toàn khác xa giai đoạn 2005-2011, khi mà 7 trận chung kết có tới 7 lượt CLB Anh góp mặt, trong đó cá biệt có năm 2008 khi 3/4 đại diện Anh lọt vào bán kết và trận chung kết là câu chuyện nội bộ giữa họ.
Lý do nào giải thích cho sự đổi thay ấy?
Phong độ của Arsenal mùa này liệu có tiếp diễn truyền thống "đầu voi, đuôi chuột" của chính họ trong quá khứ?
Một giải đấu thụt lùi
Người ta giải thích rằng đó là bởi vì Premier League ngày càng “cạnh tranh” hơn, những đội bóng nhỏ đốt cháy hết năng lượng của các đại gia, khiến họ không còn sức mà đá Cúp. Phải nhìn nhận rằng các đội bóng nhỏ đang ngày càng mạnh lên nhờ được chia khá đều gói bản quyền truyền hình khổng lồ. Nhưng nhìn dưới một góc khác, bản thân các đội hàng đại gia cũng đang đi thụt lùi.
Man United là cánh chim đầu đàn của bóng đá Anh trong giai đoạn thống trị châu Âu. Đội bóng của Sir Alex Ferguson lọt vào 3/4 trận chung kết Champions League giai đoạn 2008-2011 và đó cũng là 4 năm họ thống trị nước Anh với 3 chức vô địch. Ngày ấy “Quỷ đỏ” luôn có những chiến thắng “dễ dàng” ở giải quốc nội để rồi dồn sức cho sân chơi lớn nhất.
Mỗi khi MU của Sir Alex gặp West Ham hay Wigan, họ gần như kiểm soát trận đấu từ đầu đến cuối và thắng hết sức thoải mái. Các đối thủ run sợ khi đứng trước “Quỷ đỏ”, đôi khi chủ động tung ra đội hình B, đôi khi mắc sai lầm và tự thua. Bây giờ, MU thậm chí còn để những đội như Stoke City dồn ép.
Đó là sự khiếm khuyết chung của các ông lớn nước Anh: khả năng áp đặt lối chơi và kiểm soát thế trận trước các đối thủ nhỏ.
Man City là đội duy nhất thể hiện được cái đẳng cấp ấy trong giai đoạn đầu mùa. Nhưng chuỗi 6 trận liên tiếp không thắng cho thấy HLV Pep Guardiola vẫn còn rất nhiều bối rối. Trận thắng West Brom 4-0 mới đây là tương đối ấn tượng nhờ sự xuất sắc của Gundogan nhưng vẫn cần thêm thời gian để khẳng định sức mạnh của đội bóng này.
Chất lượng cầu thủ sa sút là một vấn đề của Premier League. MU từng kiểm soát trận đấu dễ dàng bởi họ có Scholes, Tevez, Ronaldo... giỏi giữ bóng và chơi ở đẳng cấp cao nhất. Những cầu thủ như thế không còn hiện diện ở Old Trafford. Hay như Liverpool và Chelsea không còn Gerrard và Lampard, những cầu thủ đẳng cấp thế giới và là hình ảnh biểu tượng của CLB...
Mất đi Scholes, Gerrard, Lampard - những chuyên gia giữ nhịp, MU, Liverpool và Chelsea không còn khả năng tạo ra những trận đấu một chiều mà bóng hầu như chỉ lăn trên phần sân đối phương.
Để bù đắp cho sự khiếm khuyết ấy, các đội đại gia chọn kiểu chơi trực diện hơn, thể lực hơn nhưng cũng mạo hiểm hơn. Họ bị cuốn vào lối chơi giàu cơ bắp mà ít đầu óc cùng đối thủ với rất nhiều những cú tắc, những pha vào bóng 50/50, những đường chuyền dài. Khán giả thích thú với điều đó, họ reo hò cổ vũ, khích lệ các cầu thủ chơi rát. Trọng tài cũng thường bỏ qua nhiều pha phạm lỗi bởi nếu cắt còi, họ sẽ bị khán giả la ó.
Đó là mặt trái của sự hấp dẫn từ giải Ngoại hạng. Tuyệt đại đa số khán giả thích thú với tốc độ chóng mặt và những pha bóng quyết liệt của Premier League nhưng các nhà chuyên môn thì không đánh giá cao. Và thành tích của các đại diện Anh khi ra sân chơi châu Âu thì ngày càng thụt lùi, lẹt đẹt.
Có một thời, những MU, Chelsea, Liverpool có thể đập tan những đội bóng mạnh nhất bên ngoài châu lục như là Barcelona, Real Madrid... Bây giờ họ gần như không còn cơ hội ấy. Hãy xem cái cách Barca đè bẹp Man City, hay những màn trình diễn nghèo nàn gần đây của Arsenal trước Bayern Munich như một minh chứng rõ nét. |