Ngoại binh V.League gây thất vọng
Chất lượng các “ông Tây” của nhiều đội bóng ở mùa giải này bị đánh giá là quá thấp. Thay vì là điểm tựa, nhiều người trở thành gánh nặng cho đồng đội và CLB.
Bước vào V.League 2015, SLNA chịu tổn thất lớn khi không đáp ứng được yêu cầu tài chính cho Công Vinh, khiến tiền đạo này dứt áo ra đi. Điểm đến của Công Vinh là B.Bình Dương, đội bóng nổi tiếng có tiềm lực tài chính mạnh, bạo chi.
Để bổ sung hàng công, SLNA ký hợp đồng với 2 ngoại binh, tiền đạo Bosman Koen (Hà Lan) và Abubakar, quốc tịch Canada, gốc Ghana. Trong đó, Bosman Koen được giới thiệu là đến từ CLB Ajax, thi đấu ở giải hạng Nhì Hà Lan.
Khổ cho đội bóng xứ Nghệ khi cả 2 nhanh chóng bị đánh giá là không đáp ứng được trình độ chuyên môn. Koen chỉ thi đấu được đúng 1 trận với SHB Đà Nẵng, bị chấn thương và sau đó nghỉ dài. Abubakar dù được thi đấu nhiều hơn nhưng trình độ không khá là bao. SLNA đã có lúc tính tới việc mượn lại Công Vinh để “chữa cháy”.
Sự yếu kém của tiền đạo Gomez (số 20) là một trong những nguyên nhân khiến SHB Đà Nẵng mới có được 1 chiến thắng sau 7 vòng đấu - Ảnh: VSI
Nhưng B.Bình Dương không đồng ý. Trao đổi với Tiền Phong hôm qua, TGĐ Cty Cổ phần Bóng đá SLNA Nguyễn Hồng Thanh cho biết, đội sẽ chờ qua giai đoạn 1 để thay cả 2 ngoại binh trên. Theo ông Thanh, Koen được ký hợp đồng cả năm, trả lương theo tháng nhưng do chấn thương, CLB sẽ đàm phán lại để thanh lý sớm. Abubakar là cầu thủ tự do, SLNA chỉ ký hợp đồng hết giai đoạn 1 nên việc thanh lý dễ dàng hơn.
“Với Abubakar, chúng tôi ký hợp đồng khi đã cận ngày quá nên cũng không kiểm tra kỹ được. Anh ta lại có thời gian tập luyện ngắn nên không hòa nhập được lối chơi chung. Bosman thì mùa trước ghi 16 bàn ở giải hạng Nhì Hà Lan, nhưng lại gặp chấn thương”, ông Thanh cho biết.
Không chỉ SLNA, nhiều đội bóng khác ở V.League mùa này ra sân cũng thấp thỏm với các “ông Tây”. Ngoại trừ Abbas, Oseni hay Moses của B.Bình Dương, Gonzalo, Samson (nhập tịch) của Hà Nội T&T hay tiền đạo Stevens của Hải Phòng là có thể yên tâm được, đa số còn lại chất lượng chỉ ở mức trung bình.
Một ví dụ khác được nhắc nhiều nhất là đội bóng của bầu Đức, HA.GL. Ông Đức ban đầu tính không sử dụng ngoại binh, dựa hoàn toàn vào lứa cầu thủ U19 của Học viện. Có vẻ chính việc này đã khiến HA.GL bị động trong việc lựa chọn ngoại binh. Thay đi đổi lại 2 lần, cả 2 cầu thủ ngoại hiện nay của HA.GL đều bị đánh giá không đủ chuyên môn làm điểm tựa cho các cầu thủ trẻ.
Trung vệ Cosmin Goia trong trận đấu với Than Quảng Ninh đã có 2 lần mắc lỗi, khiến đội nhà 2 lần thủng lưới. Thế mà số tiền HA.GL phải chi cho 2 cầu thủ này cũng lên đến vài tỷ bạc, trong khi bầu Đức tính toán chi phí cả mùa giải của toàn đội chỉ khoảng 15 tỷ đồng. Theo Trưởng đoàn bóng đá HA.GL Nguyễn Tấn Anh, đội đang cân nhắc thay ngoại binh trong giai đoạn 2.
Tương tự HA.GL, ngoại binh của SHB Đà Nẵng cũng gây khổ cho đội nhà. Qua 7 trận, SHB Đà Nẵng hiện mới chỉ được 5 điểm, đứng thứ 12/14 đội. Ngoại binh yếu, không hòa nhập được với lối chơi chung được xác định là một trong những nguyên nhân khiến thành tích của SHB Đà Nẵng kém như trên. Tiền đạo Gomez ở trận làm khách trên sân HA.GL đã bỏ lỡ vô số cơ hội, khiến SHB Đà Nẵng thua 0-1 chung cuộc.
Trở về sân nhà tiếp Hải Phòng, Gomez có pha phạm lỗi cực mạnh khiến Văn Nhiên gãy xương quai xanh, phải nghỉ thi đấu dài hạn. Với lỗi này, Gomez bị Ban kỷ luật VFF áp dụng án phạt nguội 10 triệu đồng, đình chỉ thi đấu 3 trận. Nhiều HLV hiện chung quan điểm, chất lượng ngoại binh ở V.League mùa giải năm nay kém so với nhiều năm trước. Lý do một phần bởi việc ký hợp đồng vội vàng, đánh giá không đầy đủ mà chỉ thông qua hồ sơ giới thiệu.
“Với Abubakar, chúng tôi ký hợp đồng khi đã cận ngày quá nên cũng không kiểm tra kỹ được. Anh ta lại có thời gian tập luyện ngắn nên không hòa nhập được lối chơi chung. Ông Nguyễn Hồng Thanh, TGĐ Cty Cổ phần Bóng đá SLNA |