Ngoại binh Brazil mất vị thế
Có một thời, những cái tên Kesley Alves, Antonio Carlos, Fabio Santos hay Leandro vang danh V-League. Thế nhưng, khi làn sóng cầu thủ châu Phi xuất hiện, những “vũ công samba” cũng mất dần đất diễn...
Trong trận mở màn bảng B Giải Bóng đá Truyền hình Bình Dương (BTV Cup) - Cúp Number One 2015 diễn ra chiều 7-11 giữa ĐTLA và Sinh viên Nhật Bản, đội bóng của ông bầu Võ Quốc Thắng đã gây ngạc nhiên thực sự khi cho đến 5 cầu thủ Brazil thử việc. Lạ là bởi cũng đã 2-3 năm gần đây mới có một đội bóng ở V-League thử việc cùng lúc với nhiều cầu thủ Brazil đến vậy.
Cách đây 5-10 năm, từ V-League đến Giải Hạng nhất đều tràn ngập cầu thủ Brazil. Hàng loạt cầu thủ Brazil làm mưa làm gió trên sân cỏ Việt Nam trong một thời gian dài, như Kesley Alves, Antonio Carlos, Leandro, Fabio Santos, Almeida hay Evaldo... Có những lúc các đội bóng V-League mặc định muốn trụ hạng thì ít nhất phải có 1 cầu thủ Brazil trong đội hình, còn nếu nuôi mộng vô địch thì phải có 3 “vũ công samba” trở lên. Chính điều đó mà một số đội bóng mạnh tiềm lực luôn tìm cách nhập tịch cầu thủ Brazil của họ để lách quy định hạn chế số lượng ngoại binh ra sân của VFF.
Tiền vệ William Borger (8) chưa tạo được nhiều ấn tượng khi thử việc ở ĐTLA. Ảnh: Anh Tuấn
Tuy nhiên, những năm gần đây, với sự xuất hiện ồ ạt của làn sóng cầu thủ châu Phi, V-League bắt đầu thay đổi quan niệm tuyển ngoại binh. Ban đầu, họ vẫn trọng dụng những cầu thủ Brazil đã có danh tiếng như Kesley, Evaldo hay Almeida... nhưng khi các cầu thủ này có dấu hiệu bước sang bên kia sườn dốc sự nghiệp, tất cả phải nhường chỗ cho những đàn em trẻ, khỏe đến từ châu Phi. Trong khi những ngôi sao mới nổi như Samson, Timothy, Moses, Nsi... liên tục tỏa sáng, giúp các nhà tuyển trạch có cái nhìn đầy thiện cảm dành cho nguồn cầu thủ gốc Phi thì ngược lại, nguồn cầu thủ Brazil không trình làng nổi người nào ấn tượng cho giải đấu ngày càng khắc nghiệt như V-League.
Đến cuối mùa giải 2015, cả V-League chỉ có đúng 3 cầu thủ Brazil nhưng 2 trong số này là Bernardo và Henrique đã bị sa thải ngay sau lượt đi. Cầu thủ Brazil duy nhất còn trụ lại đến cuối mùa là Dos Santos của Sanna Khánh Hòa nhưng lại là 1 trung vệ. Ngược lại, ở giai đoạn 2 của V-League 2015, có 17/28 cầu thủ ngoại là người châu Phi. Trong đó, Nigeria chiếm quân số đông nhất với 9 cầu thủ, tiếp đó là Uganda có 4 cầu thủ.
Chưa ai lý giải nổi tại sao nguồn cầu thủ Brazil lại giảm cả về lượng và chất. Tuy nhiên, có một thực tế dễ thấy nhất là bóng đá Việt Nam đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ những thay đổi về nguồn cầu thủ. Những trận đấu ngày một khô khan hơn, các cầu thủ mạnh về thể lực nhưng hạn chế về kỹ năng xử lý bóng vẫn luôn được ưu ái nhiều hơn, thậm chí nhiều trận đấu còn nhuốm màu bạo lực.
Theo dõi trận đấu của ĐTLA trên sân Bình Dương chiều 8-11, một số tuyển trạch viên tỏ ra chán chường với màn trình diễn của các cầu thủ Brazil như trung vệ Filipe, tiền vệ Borger hay tiền đạo Franca Coelho. “Nếu cứ tình trạng này, cầu thủ Brazil chắc chắn không thể nào cạnh tranh được với các đồng nghiệp châu Phi, những người vừa trẻ khỏe, có năng lực, thậm chí từng đá ở các đội tuyển trẻ và tuyển quốc gia. Chưa kể giá cầu thủ châu Phi vẫn rẻ hơn Brazil” - một nhà môi giới chia sẻ.