Nghịch lý nghề trọng tài, giám sát
Nguyên Trưởng ban Trọng tài bóng đá Việt Nam Dương Vũ Lâm từng chia sẻ khác biệt nghề trọng tài của ta so với các nước là ta xem trọng tài là nghề chính với nguồn thu nhập chính, còn các nước thì trọng tài là nghề phụ.
Và chính từ nghề chính, thu nhập chính mà nhiều trọng tài Việt Nam chịu sức ép lẫn chịu chi phối bởi nhiều thứ.
Mà không riêng nghề trọng tài của ta, nghề giám sát bóng đá cũng thế. Nhiều giám sát làm giáo viên đã “bỏ dạy” để “đu” các sân bóng. Thậm chí có người làm hiệu trưởng cũng “bỏ trường” để ngồi ghế giám sát.
Trọng tài và giám sát trận đấu ở Việt Nam có nhiều nét đặc thù
Giới bóng đá ai cũng hiểu rằng không phải đơn giản mà được “mời” vào ghế giám sát. Nói như những giám sát từng chia tay với nghề thì nhiều lúc phải có dây, có cánh và thậm chí là phải biết làm vừa lòng ban tổ chức, vừa lòng những người “mời” và “ban phát” cho mình ngồi vào đấy.
Các sự cố của bóng đá Việt Nam trong thời gian gần đây cũng có trách nhiệm của giám sát nhưng chưa giám sát nào bị truy cứu. Ngay cả nhiệm vụ chính của giám sát, ở ta cũng đang hiểu sai. Giám sát là người thay mặt ban tổ chức giúp công tác tổ chức trận đấu tốt hơn và giúp các trọng tài, những người làm nhiệm vụ hoàn thành nhiệm vụ nhưng ngược lại, các giám sát thường bị gán là những người “ngồi mát ăn bát vàng”. Giám sát của ta đều tròn vo với câu thuộc nằm lòng là đừng làm khó ban tổ chức.
Thế nên trọng tài thì cứ xuống cấp, trận đấu thì thường xuyên có sự cố nhưng giám sát thì vẫn đủng đỉnh bỏ nghề chính chạy theo cái nghề phụ nhưng “ngồi mát ăn bát vàng”.