Nghịch lý: Càng thua, MU càng được yêu
Phil Jones mới đây nói rằng rất nhiều người muốn Manchester United thất bại. Nói vậy chẳng sai, bởi trong môn thể thao nào, những người hay tập thể thành công nhất luôn bị ghét nhiều nhất.
Bản chất của khán giả
Chẳng khó khăn để tìm ra ví dụ. John McEnroe không bao giờ được coi là một nhà vô địch tennis lý tưởng, trong khi Michael Schumacher của đua xe F1 phải tới khi sự nghiệp chấm dứt mới thực sự nhận được sự tôn trọng tuyệt đối của người đời.
Tom Brady, Michael Jordan, Kobe Bryant, Michael Phelps, Mike Tyson, hay thậm chí là huyền thoại Muhammad Ali, tất cả những ngôi sao thể thao ấy đều bị ghét bởi một bộ phận khán giả trong môn thể thao của mình. Đội bóng rổ Blue Devils của đại học Duke (Mỹ), đội vô địch Mỹ nhiều lần nhất trong lịch sử, liên tục đứng đầu trong những cuộc trưng cầu ý kiến về đội bóng bị ghét nhất.
Đó là bản chất của khán giả. Họ sẽ có đội, cá nhân yêu thích và vì thế ghét đối thủ của thần tượng. Trong câu chuyện nào cũng có anh hùng và kẻ xấu, tùy theo định nghĩa của người đọc. Tuy nhiên, đối với bóng đá nói chung và trường hợp của Manchester United nói riêng, ranh giới ấy bị làm lu mờ. Nhiều CĐV ghét MU vì họ là người Liverpool, người London, hay ủng hộ Man City, nhưng còn những người còn lại?
MU bị nhiều ghét vì họ quá thành công
Khán giả ngày nay nhận diện kẻ thù của mình trong bóng đá còn nhanh hơn cả nhận diện người hùng của họ. Premier League (hạng Nhất Anh trước đây) là một giải đấu đặc biệt cũng vì thế, người ta bỏ tiền đến xem Leeds của Don Revie với mong muốn Leeds bị hạ tơi tả, hay chờ Nottingham Forest của Brian Clough bị “làm nhục” bởi một đội bóng yếu nào đó. Nay Manchester United cũng không thoát khỏi thực tế ấy khi nói chỉ trong lòng nước Anh.
“Tất cả mọi người ghét CLB mạnh nhất, đơn giản có thế”, Phil Jones nói. Hầu hết những ai ở Vương quốc Anh đã từng gia nhập một hội CĐV của một đội bóng thi đấu lâu năm ở Premier League đều biết đến “Hội chứng ABU” (Anyone But United).
Khán giả đã và đang tự định nghĩa vai trò của mình với bóng đá qua việc họ căm ghét đội bóng nào nhất, không phải đội bóng nào họ yêu mến nhất. MU đã trở thành một ví dụ mới kể từ thập niên 1990 cho đến nay, giống như những đội bóng đi trước.
Nhưng không chỉ có MU. Người London không phải ai cũng thích Chelsea, nhưng không phải vì họ là CLB mạnh nhất. Kỷ nguyên “Swinging London” những năm 1960 biến Chelsea thành một đội bóng hào nhoáng, rất thời thượng trong ăn mặc từ cầu thủ tới khán giả. Những tài tử điện ảnh như Michael Caine theo dõi trận đấu trong những trang phục bóng bẩy khiến người Liverpool trong giai đoạn “Beatlemania” ngứa mắt.
Nhưng rốt cuộc, Chelsea của thập niên 60 là vua về nhì. Cho tới khi lâm vào cảnh cơ hàn đến cùng cực và mua Ken Bates với giá 1 bảng, Chelsea đã không còn được những “antifan” ngó ngàng cho đến khi chính Bates đưa họ trở lại hạng Nhất, trở thành ông chủ CLB, và cách đây 10 năm bán Chelsea cho Roman Abramovich. Người ta lại ghét Chelsea, không chỉ vì Abramovich quá giàu, mà còn vì Jose Mourinho.
Có những đội bóng đã tránh được hội chứng ấy. Ít khán giả nào ghét Arsenal khi họ đăng quang trong mùa giải bất bại, và thứ bóng đá của họ càng khiến việc ghét họ trở nên khó khăn hơn, trừ CĐV Tottenham. Arsenal của kỷ nguyên Arsene Wenger miễn nhiễm với hội chứng ấy vì họ chơi bóng đá đẹp và vì thành công của họ không dài lâu.
Liverpool thập niên 1970 - 1980 lại không như vậy: Lối đá không quá đẹp mắt, nhưng thành công của họ là xứng đáng nhờ sự khổ luyện và tinh thần thi đấu. Trừ những người Everton, người Anh yêu mến Bill Shankly và Bob Paisley vì họ cũng bình dị như bao người bình dân khác. Nói cách khác, Liverpool là đội bóng bình dân.
Trớ trêu làm sao, Liverpool của thập niên 90 (những “Spice Boys”) lại trái ngược và không được ưa thích, mà tiêu biểu nhất là khi Robbie Fowler và Steve McManaman mặc áo vest Armani màu kem đắt tiền đi diễu quanh sân đấu trước khi bị MU đánh bại ở chung kết FA Cup 1996.
Đánh bại Arsenal, MU tiếp tục bị ghét?
Giống như xem một bộ phim
Xem bóng đá cũng giống như xem một bộ phim. Ta khó lòng bắt mạch cảm xúc với kẻ mạnh, nhưng lại dễ dàng có sự cảm thông cho những kẻ yếu thế.
Không ai chịu được sự thắng thế của kẻ mạnh quá lâu, và công chúng đòi một sự thay đổi, nhưng khi sự thay đổi ấy không đến thì họ chỉ càng cảm thấy thất vọng và bực bội với kẻ mạnh, nhất là khi kẻ mạnh ấy không có bất kỳ điều gì có thể khiến cảm xúc của người xem bị lay động.
Sylvester Stallone chưa từng miêu tả nhân vật Rocky Balboa của mình trong phim như một tay đấm bất khả chiến bại cả, bởi khán giả sẽ không yêu một nhân vật như vậy. Và sở dĩ Người Dơi trong “The Dark Knight” được yêu mến bởi anh ta không quá mạnh so với những kẻ phản diện và có lúc bị đánh bầm dập.
Nói thế để thấy rằng, một kỷ nguyên hoàng kim sẽ được người đời nhớ đến nhiều hơn một khi nó đã đi qua. Đại bộ phận khán giả nước Anh không ghét Manchester United, nhưng họ sẽ chỉ thừa nhận sự vinh dự của mình khi được chứng kiến những năm của Alex Ferguson một khi nó trở thành những lưu niệm trong bảo tang, hay những ký ức xa vời.
Khi MU sa sút ở giai đoạn đầu kỷ nguyên David Moyes, có cảm giác lượng “antifan” của họ sụt giảm. Ngược lại, họ tiếp tục bị ghét trở lại sau khi đánh bại Arsenal!