Nghi án trọng tài Barca - PSG: La Liga đá bóng kiêm thổi còi
Sau những tiếng còi thảm họa của trọng tài Deniz Aytekin trong trận Barca đại thắng PSG, không ít kẻ lại được dịp mỉa mai là "UEFA-lona". Nhưng thật ra phải là "UEFA-liga".
Những tiếng còi méo của UEFA
Ban đầu những sai phạm ở trận Barcelona 6-1 PSG sẽ khiến trọng tài Deniz Aytekin không được làm việc ở Champions League trong phần còn lại của mùa giải. Thế nhưng liền sau đó, đến lượt giới chóp bu UEFA “bẻ còi”. Chủ tịch Aleksander Ceferin tuyên bố, trừng phạt Aytekin chẳng khác nào “truất quyền thi đấu một cầu thủ vừa đá hỏng penalty”. Vì thế, sẽ chẳng có án phạt nghiêm khắc nào giáng xuống đầu "ông vua áo đen" người Đức.
Trọng tài Deniz Aytekin bất ngờ "trắng án" sau khi bị UEFA phạt
Nhưng nhìn lại cả vòng 1/8 Champions League, không chỉ Barcelona mà cả La Liga đều được hưởng lợi từ các quyết định của trọng tài. Sau cả hai lượt đấu đi và về, cả 4 đội bóng thuộc xứ sở bò tót đều không một lần bị thổi phạt đền trong 8 trận. Ngược lại, các đối thủ của họ phải chịu tới 5 quả.
Cặp đấu Leicester - Sevilla được xem là cân bằng nhất, hai đội đều thắng trên sân nhà. Nhưng có một điểm nhấn đáng chú ý, Sevilla được hưởng penalty ở cả hai loạt trận. Chỉ có điều, cả 2 lần họ đều không thắng được thủ thành Kasper Schmeichel. Giả sử nếu Correa và N’Zonzi đều thành công, thì Sevilla mới là đội đi tiếp.
Tương tự Sevilla, Atletico Madrid cũng 1 lần được hưởng penalty trước Bayer Leverkusen. Lâu nay, đội quân "chém đinh chặt sắt" của Diego Simeone luôn là những người chơi rắn nhất giải đấu. Họ đã nhận 14 thẻ vàng kể từ đầu chiến dịch Champions League năm nay, nhưng chưa 1 lần phải nhận thẻ đỏ. Trong khi đó, đối chiếu với Man City sẽ nhận thấy sự chênh lệch. Đội bóng của Pep Guardiola chỉ nhận nhiều hơn Atletico 2 thẻ vàng, nhưng đồng thời thêm 2 thẻ đỏ nữa.
Ở phút 57 trận lượt đi trước Leverkusen, khi tỷ số đang là 2-1 và Atletico chịu sức ép khủng khiếp từ đội chủ nhà, đại diện "xứ bò tót" bỗng được hưởng penalty. Kevin Gameiro đi bóng khéo léo, xâm nhập vòng cấm đối phương, điểm ngã nằm ở ngoài vòng cấm địa nhưng Leverkusen vẫn bị thổi penalty. Từ quyết định của trọng tài, Gameiro thực hiện thành công và đưa đội khách dẫn trước tới 3-1, mở ra chiến thắng 4-2.
Chân dung “Bố già” quyền lực
Cặp đấu Barcelona - PSG thì đã quá rõ ràng. Trong bức thư khiếu nại mà ban lãnh đạo PSG gửi lên UEFA, trọng tài Aytekin mắc 8 lỗi nghiêm trọng, trong đó có 2 quả penalty cho Barca nhưng lại bỏ qua 1 tình huống truy cản bằng tay mười mươi của Mascherano. Real Madrid là đội bóng Tây Ban Nha duy nhất không được hưởng penalty ở loạt knock-out đầu tiên, nhưng họ không cần lắm khi thắng Napoli với tổng tỷ số 6-2.
Đến đây hẳn nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi, nguồn cơn nào dẫn đến các quyết định có lợi mang tính hệ thống cho cả La Liga? Mối liên hệ giữa Chủ tịch Hội đồng trọng tài UEFA - ông Angel Maria Villar đối với các quyết định có lợi cho La Liga bỗng trở nên đáng chú ý. Ông Villar được bầu làm Chủ tịch LĐBĐ Tây Ban Nha từ năm 1988 và giữ chức vụ này từ đó đến nay.
Angel Maria Villar, vừa là chủ tịch LĐBĐ Tây Ban Nha, vừa là Chủ tịch Hội đồng trọng tài UEFA
Trong giai đoạn chiếc ghế Chủ tịch UEFA vô chủ sau khi scandal của cựu Chủ tịch Michel Platini bị phát giác, ông Angel Maria Villar nắm quyền trong gần 1 năm trước khi bàn giao lại cho Aleksander Ceferin. Ngoài ra, ông Maria Villar từng giữ chức Phó chủ tịch UEFA từ năm 1992 và Phó chủ tịch FIFA bắt đầu vào năm 2000.
Bên cạnh Chủ tịch Angel Maria Villar, Hội đồng trọng tài của UEFA còn có 12 người khác tham dự (trong đó có cựu trọng tài nổi tiếng Pierluigi Collina). Về cơ bản, các ủy viên còn lại không có nhiều quyền hạn, bao gồm cả Collina - người từng giữ cương vị Chủ tịch dưới thời Tổng thư ký Gianni Infantino (người nay là Chủ tịch FIFA).
Người nắm "quyền sinh sát" về công tác trọng tài tại Champions League cũng như Europa League là Angel Maria Villar, một người đến từ TBN. Đây phải chăng là trường hợp “một người làm quan, cả La Liga được nhờ”?
Có không ít scandal liên quan đến các trọng tài ở Champions League, và tựu chung lại La Liga được hưởng lợi nhiều hơn. Trọng tài Tom Henning Ovrebo bị coi là đã “bức tử” Chelsea trong trận bán kết lượt về Champions League 2008/09 với Barcelona, trận đấu mà cầu thủ Barca để bóng chạm tay nhiều lần trong vòng cấm đội nhà nhưng không có penalty. Vẫn là đội bóng xứ Catalan được hưởng lợi ở vụ Robin van Persie lĩnh thẻ đỏ, qua đó khiến Arsenal thất trận vòng 1/8 Champions League 2010/11. Trận lượt đi, Arsenal thắng 2-1 ở Emirates. Khi hai đội tái đấu ở Nou Camp, tỷ số đang là 1-1 ở phút 56 (Busquets phản lưới nhà 3 phút trước). Van Persie lĩnh thẻ vàng thứ hai quá nặng do cố tình dứt điểm ở tình huống đối mặt với thủ môn sau khi trọng tài đã cắt còi thổi phạt việt vị. Đến năm 2013, Nani lĩnh thẻ đỏ trực tiếp khi MU đụng đầu Real Madrid ở vòng 1/8. Nani không hề cố tình phạm lỗi với Arbeloa, mà hoàn toàn là nhận bóng trong thế quay lưng. Đây là vụ scandal nổi tiếng của trọng tài Cuneyt Cakir. Trước khi Nani bị đuổi, "Quỷ Đỏ" dẫn 1-0 (chính Nani kiến tạo), đến lúc tan trận đội bóng nước Anh thúc thủ 1-2, qua đó bị loại. |