Ngày Pedro lấn át cả Messi
Vậy là trong ngày Lionel Messi chơi trận thứ 250 của mình cho Barcelona, Pedro lại chiếm lĩnh trang nhất các báo bởi một cú hat-trick để đánh bại Vallecano. Nhưng nhân vật chính của trận đấu phải là HLV Gerardo Martino.
Sau 317 trận đấu chính thức, cuối cùng Barcelona cũng đã để cho đối thủ hơn mình về tỷ lệ ép sân với con số 45% so với 55% của Rayo Vallecano. Lần cuối cùng họ ép sân ít hơn đội bạn đã là từ tháng 5/2008 trước Real Madrid, trong trận thua 1-4 của Frank Rijkaard.
Tuy ép sân ít hơn thường lệ nhưng bù lại Barcelona giành chiến thắng đậm và Pedro trở thành nhân vật trung tâm bất chấp không xuất phát thường xuyên trong hệ thống xoay vòng của Tata. Phải chăng chiến thuật của Tata sẽ là hướng đi mới của Barca trong tương lai?
Có thể lắm. Trận đấu này đã cho thấy rằng dù không xác lập sự áp đảo lên đối thủ, Barcelona lại có được một thế trận mà trong đó bộ ba Neymar – Messi – Pedro chơi cực kỳ hiệu quả, đặc biệt là Pedro ở khâu kết thúc. Trong tình huống mở tỷ số, Lionel Messi từ đầu trận cho tới thời điểm đó rất im ắng và chưa có động tĩnh gì đáng kể, nhưng anh bất ngờ bứt xuống với pha căng ngang để Pedro đệm bóng khiến hàng thủ Vallecano không kịp trở tay. Hai bàn còn lại đến từ khả năng chuyền bóng của Fabregas và một pha thoát người kèm rồi căng vào của Neymar để Pedro chỉ việc đá trúng khung thành.
Việc không đá tiki-taka ép sân như mọi khi giúp Barcelona có nhiều không gian hơn khi phản công, và dù nó hạn chế số lần chạm bóng của các cầu thủ tấn công (Messi chạm chỉ 44 lần trong trận đấu, ít hơn tần suất trung bình là 66 lần/trận ở các trận trước đó), các cầu thủ thoải mái hơn trong việc xuyên phá những lỗ hổng phòng ngự mà Vallecano để lộ. Và tất nhiên không thể không khen tặng Pedro, trong trận này anh giống như một Paolo Rossi mới, có mặt đúng lúc ở đúng thời điểm và dứt điểm đúng mục tiêu.
Trận đấu của Pedro
Tata hiển nhiên hiểu rằng tiki-taka mang lại cho Barca những thế trận an toàn hơn, ổn định hơn và có thể giúp họ vô địch các danh hiệu thường xuyên. Tuy nhiên trong bối cảnh trận đấu này diễn ra, 4 sự thay đổi nhân sự đã được thực hiện sau khi Barca đánh bại Ajax và lối chơi cũng vì thế cần được điều chỉnh sao cho số cơ hội ăn bàn được giữ nguyên. Đổi cầu thủ cũng phải đi song song với đổi chiến thuật, nếu Sergio Busquets không có trên sân thì Barca làm sao có thể đá tiki-taka hiệu quả được?
Trên thực tế, một khi anh đã có những cầu thủ có thể chơi trực diện với tốc độ nhanh như Messi, Neymar, Fabregas và Pedro, hà cớ gì anh lúc nào cũng phải đá tiki-taka? Để đối thủ có bóng một chút nhưng bù lại là cơ hội để hạ gục đội bạn bằng phản công, Barcelona sẽ tự thêm một cách chiến thắng mới vào hệ thống chiến thuật của mình hơn là liên tục buộc đối thủ vào thế phải “dựng xe bus”, điều khiến họ thậm chí khó ghi bàn hơn.
Tất nhiên chiến thuật này cũng sẽ có mặt dở của nó. Hàng thủ Barca vẫn chưa ổn, ít nhất có khoảng 4 lần Vallecano có cầu thủ đứng trong vòng cấm Barca chỉ cách cầu môn của Victor Valdes khoảng 10 bước chân và không bị ai kèm. Vallecano có thể không tận dụng được những cơ hội như thế nhưng Borussia Dortmund, Napoli hay Juventus sẽ không thể để lỡ.
Và thứ hai, trong một lối chơi phản công như thế này, Lionel Messi và các cầu thủ tấn công khác của Barca sẽ rất dễ bị phạm lỗi bởi những pha xô đẩy, xoạc sau hay thậm chí đá nguội mà có khi trọng tài không phát hiện ra. Dù sao thì Messi cũng đã thường xuyên bị như thế ngay cả khi đá tiki-taka rồi, nhưng tần suất sẽ không cao bằng đá phản công, khi Messi phải thường xuyên đua tốc độ để lấy bóng hơn là đối đầu cầu thủ đội bạn 1-chọi-1.