Ngày Gareth Bale ra mắt ở… Emirates
Như vậy là Bale đã đạt được ước mơ của mình từ thưở niên thiếu. Anh đã được đến chơi cho CLB mà mình yêu thích là Real Madrid. Một ngày ra mắt trọn vẹn của Bale ở Bernabeu…
Bale đến Bernabeu, hay sân … Emirates? Câu hỏi đó nghe thì có vẻ kỳ cục, nhưng điều đó đã suýt trở thành sự thật. Đúng, sân Santiago Bernabeu của Real Madrid gần như trở thành Estadio Fly Emirates Bernabeu (SVĐ Hãng hàng không Emirates Bernabeu).
3 tháng trước, vào ngày thứ Năm cuối cùng của tháng 5, Real Madrid đạt được một thỏa thuận hợp tác chiến lược. Chủ tịch Florentino Perez tự hào tuyên bố Emirates chính thức trở thành nhà tài trợ của Real Madrid.
Không lâu sau đó đã dấy lên tin đồn rằng tên sân Bernabeu sẽ bị bán và đổi thành Emirates. Đó không phải tin đồn: đầu tháng 6/2013, Emirates và Real đã gặp nhau và phía hãng hàng không này tuyên bố họ sẽ bỏ ra mỗi năm 50 triệu euro, bằng hơn nửa số tiền mua tân binh người xứ Wales, cho Real nếu CLB Hoàng gia chấp nhận đổi tên sân.
Tuy nhiên, sự việc đã không có tiến triển gì và chìm vào quên lãng. Lý do là bởi các Madridista không chấp nhận bán tên sân (Real là tài sản chung của 9 vạn hội viên). Với người hâm mộ, tên SVĐ giống như một biểu tượng thần thánh.
Bán tên sân bóng đã trở thành một cách để duy trì tài chính của nhiều CLB châu Âu trong vài năm trở lại đây, Liverpool từng có ý định bán tên sân Anfield để trả nợ. Bolton đi vào vấn đề này từ năm 1997 khi đổi tên sân thành Reebok, nhưng thậm chí Bolton vẫn chưa phải CLB làm điều này sớm nhất ở Anh.
Sân Bernabeu chuẩn bị sân khấu hoành tráng cho màn ra mắt của Bale
4 năm sau Bolton, trào lưu nở rộ ở Đức khi Hamburg đổi tên Volksparkstadion thành AOL Arena để nhận 15 triệu euro trong vòng 5 năm (họ sau này còn bán tên sân thêm 2 lần nữa cho 2 tập đoàn khác nhau). Đến nay chỉ có 4 CLB ở Bundesliga còn thi đấu trong một sân vận động có cái tên phi thương mại, đó là Hertha Berlin, Eintracht Braunschweig, Werder Bremen và Monchengladbach. Ngay cả Bayern Munich cũng đã bán tên sân.
Việc bán tên sân dẫn tới nhiều sự kiện khá căng thẳng nhưng cũng đôi lúc khôi hài với các CĐV. Nurnberg thi đấu tại SVĐ Norisbank, cái tên thương mại của sân Frankenstadion. Đây là một cái tên hoàn hảo vì Norisbank là tên cũ của thành phố Nuremberg. Thế nhưng sau này ngân hàng Norisbank đổi tên thành Teambank và cho ra đời dòng tín dụng vay vốn có tên gọi “easyCredit”. SVĐ của Nurnberg bị đổi thành một cái tên nửa Anh nửa Đức, easyCredit-Stadion, hay dịch nôm na là “SVĐ Tín dụng dễ dàng”.
Ở Premier League, Arsenal đã đổi sang sân Emirates từ năm 2006 và Man City đang thi đấu ở sân Etihad. Cách đây 1 năm, M.U bước vào thị trường chứng khoán và cũng bày tỏ ý định bán tên sân Old Trafford huyền thoại. Đó là một thỏa thuận cực kỳ lời lãi: 1 tỷ bảng/20 năm, mỗi năm 50 triệu bảng.
Cho đến nay, nhà Glazer vẫn chưa dám đả động gì tới việc bán tên sân do lo ngại sự phản ứng của các CĐV trung thành. Với người Mỹ, việc bán tên sân đấu thể thao ở Hoa Kỳ là bình thường nhưng họ lại không ở vào vị trí bắt buộc phải bán do quy chế tài chính ngặt nghèo mà các Hiệp hội thể thao chuyên nghiệp ở Mỹ quy định.
Với bóng đá châu Âu nói chung và bóng đá Anh nói riêng, đó là một câu chuyện hoàn toàn khác. M.U cũng như các CLB không có hạn ngạch về quỹ lương, do đó mỗi năm hóa đơn tiền lương của họ mỗi lúc phình ra đi kèm với thuế thu nhập. Do luật tài chính mà UEFA ban hành, M.U trong vài năm tới sẽ phải đối phó với vấn đề tiền lương một cách quyết liệt hơn, và họ có thể phải xoay sở chỗ này chỗ kia để tránh thua lỗ. Bán tên sân là một trong những giải pháp cho vấn đề đó, dù giải pháp đó không được lòng người.