Ngăn “tấn bi kịch” Ngọc Hải-Anh Khoa tái diễn từ 2016
Vụ việc lùm xùm liên quan đến sự cố đền bù chi phí chấn thương của cầu thủ Quế Ngọc Hải (SLNA) với Anh Khoa (SHB Đà Nẵng) sẽ được VFF xử lý để từ mùa giải 2016 không còn trường hợp nào tương tự.
Video Quế Ngọc Hải vào tận Đà Nẵng trao tiền cho Anh Khoa (Clip nguồn VTV):
Bài học gần tỷ đồng và nỗi đau của Ngọc Hải – Anh Khoa
Để chuẩn bị cho mùa giải mới, Hội thảo công tác tổ chức các giải bóng dá chuyên nghiệp quốc gia 2016 được tiến hành tại Hà Nội chiều nay, với sự tham dự của các quan chức VFF, VPF và các CLB bóng đá chuyên nghiệp.
Tại cuộc Hội thảo này, vấn đề sửa đổi các quy định kỷ luật VFF được các thành viên quan tâm đặc biệt, bởi thời gian qua vụ lùm xùm của Quế Ngọc Hải và Anh Khoa đã khiến báo chí tốn nhiều giấy mực, còn dư luận ngao ngán với án phạt không giống ai của Ban Kỷ luật VFF.
Quế Ngọc Hải bị treo giò 6 tháng, chịu chi phí hơn 800 triệu đồng chữa trị Anh Khoa
Theo đó, Ngọc Hải đã bị Ban Kỷ luật VFF phạt 15 triệu đồng, treo giò 6 tháng và phải chịu toàn bộ chi phí chữa trị cho cầu thủ Anh Khoa. Phải đến khi trung vệ CLN SLNA được bầu Đức giải cứu với “gói tài trợ” 400 triệu đồng, cùng với đó là sự giúp đỡ của nhà tài trợ SLNA, hội CĐV xứ Nghệ, cựu thủ quân U23 Việt Nam mới có đủ hơn 800 triệu đồng mang vào Đà Nẵng trả cho Anh Khoa và CLB SHB Đà Nẵng.
Dù vụ việc khép lại, nhưng hình ảnh Ngọc Hải thẫn thờ nhìn đại diện CLB SHB Đà Nẵng đếm tiền (840 triệu đồng), thực sự là “tấn bi hài kịch” với bóng đá Việt Nam.
Nỗi đau của Quế Ngọc Hải rất lớn
Sau khi lắng nghe báo chí, các chuyên gia và dư luận, Ban Kỷ luật VFF đã trình lên thường trực VFF về việc sửa đổi quy định kỷ luật, với mục đích không để có thêm bất cứ trường hợp nào tương tự như của Ngọc Hải.
Sửa điều 39 Quy định kỷ luật VFF
Theo đó, điều 39 sẽ được điều chỉnh lại như sau: “Phạt tiền 15 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể (quy định cũ là 10 triệu đồng). Ngoài ra, người vi phạm còn phải chịu các chi phí hợp lý cho việc chữa trị chấn thương do hành vi vi phạm gây ra, mức chi phí được quy định cụ thể:
1. Không vượt quá 15 tháng lương của người vi phạm theo hợp đồng lao động ký với CLB chủ quản. 2. Không vượt quá 50 triệu đồng đối với trường hợp người vi phạm là cầu thủ đào tạo, tập nghề. Trong trường hợp này, chi phí sẽ do CLB đang sử dụng, quản lý cầu thủ tại thời điểm vi phạm chi trả”.
Như vậy, nếu cầu thủ nào “lỡ” gây chấn thương cho đối phương, sẽ phải đền bù không quá 50 triệu đồng. Thành viên ban kỷ luật, ông Phạm Hải Đăng cho biết: “Người vi phạm trước đây phải chịu hoàn toàn chi phí. Quy định này tưởng như dễ nhưng lại rất khó. Chúng ta phải xem lại chi phí hợp lý. Việc đền bù 15 tháng lương là có cơ sở, được nhiều người đồng tình”.
Sửa điều 39 Quy định kỷ luật VFF
Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Thanh, Tổng giám đốc CLB SLNA đã bày tỏ ngay ở Hội thảo: “Chỉ 1 pha tranh cướp bóng đã phải đền tới hơn 800 triệu, án kỷ luật như thế với thực tiễn là không hợp lý. Trước đây CLB Đà Nẵng ra Nghệ An đến phút cuối thông báo có nhiều cầu thủ đau bụng. Vì tình người, chúng tôi chấp nhận huỷ trận đấu, dù đã bán vé, chuẩn bị các công tác khác.
Tình người lớn hơn cả việc xử sự án kỷ luật. Bởi cháu Hải là cầu thủ trẻ không có đồng nào, lương tháng hơn chục triệu. Xâm phạm thân thể rất trừu tượng, bóng đá phải có va chạm chứ không tránh khỏi được chấn thương.
Tôi từng nói với Ban kỷ luật đây là luật bóng đá chứ không phải là luật hình sự. Khi phân tích luật phải có sự thực tiễn. Chẳng hạn như trường hợp Đình Đồng đồng trước đây vào bóng khiến đối phương chấn thương bị kỷ luật 1 năm, nhưng cầu thủ Thanh Hào hoàn toàn cố tình lại không xử gì cả”.