Ngẫm về một án phạt của VFF
LĐBĐVN (VFF) hôm 20/8 ra án kỷ luật đình chỉ làm nhiệm vụ 2 trận, phạt 10 triệu đồng đối với phiên dịch tiếng Hàn của CLB TP Hồ Chí Minh, Yang Yae-mo. Có khá nhiều vấn đề cần nói về án phạt này.
Trợ lý ngôn ngữ Yang Jae-mo (bên phải) trong một buổi tập của CLB TP Hồ Chí Minh ảnh: HỮU PHẠM
VFF cho biết, Yang Jae-mo nhận án phạt trên do có hành vi công kích, kích động ở trận đấu giữa CLB TP Hồ Chí Minh với Hà Nội, vòng 11 LS V-League 2020, diễn ra hôm 24/7 tại sân vận động Thống Nhất. Trao đổi với Tiền Phong, Chủ tịch CLB bóng đá TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Thắng cho biết, đội sẽ khiếu nại quyết định trên. Theo ông Thắng, vụ việc xảy ra đã lâu nhưng gần 1 tháng sau VFF mới ra án phạt, và lại thiếu các cơ sở, bằng chứng cụ thể.
Về vấn đề này, một quan chức VFF có trách nhiệm giải thích: Do sau trận đấu CLB bóng đá TP Hồ Chí Minh thông báo thanh lý hợp đồng với HLV Chung Hae Seong và cả ê-kip bao gồm phiên dịch Yang Jae-mo nên VFF không xem xét xử lý. Nhưng mới đây, đôi bên lại trở lại hợp tác với nhau, vì vậy Ban kỷ luật đã dựa trên báo cáo của BTC giải để xử lý.
Giải thích như vậy là chưa hợp lý bởi thời điểm vi phạm, ông Yang Jae-mo đang là thành viên CLB TP Hồ Chí Minh. VFF rõ ràng có quyền ra án phạt và buộc CLB TP Hồ Chí Minh phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, việc VFF kỷ luật phiên dịch của CLB TP Hồ Chí Minh là cần thiết (dù khá trễ), bởi hành vi của Yang Jae-mo phản cảm, vi phạm quy định.
Nhưng câu chuyện lớn hơn ở đây là gì, và vì sao CLB TP Hồ Chí Minh cũng như nhiều đội bóng khác lại phản ứng VFF như vậy? Xin thưa, lý do bởi các án phạt của VFF từ đầu giải tới nay rất bất nhất. Đơn cử một vụ việc như vòng 5 V-League trên sân Tam Kỳ, Chủ tịch CLB Quảng Nam Nguyễn Húp đã bị giám sát trận đấu, ông Nguyễn Trọng Lợi báo cáo xông vào phòng riêng của tổ trọng tài và có những hành vi, lời nói rất khó nghe. Phải sau một hồi rất lâu được can ngăn, ông Húp mới rời đi. Sau đó lực lượng an ninh ra về sớm nên lợi dụng cơ hội này, nhiều khán giả quá khích đã ném vỡ kính phòng trọng tài.
Sau khi vụ việc được phản ánh, VFF chỉ phạt BTC trận đấu 15 triệu đồng vì để khán giả ném chai nước và đập vỡ kính phòng trọng tài, còn ông Chủ tịch Nguyễn Húp thì không hề hấn gì với lý do…không có bằng chứng.
Nhân việc này lại phải nhắc một câu chuyện khác. Trước thềm Đại hội 8 VFF năm 2018, ông Nguyễn Húp trên một tờ báo đã công khai phát biểu “có ứng viên Phó chủ tịch tranh cử bằng cách mua phiếu”. Phát biểu như vậy khiến rất mất hình ảnh, uy tín của VFF nhưng thay vì yêu cầu ông Húp giải trình, cung cấp bằng chứng và điều tra làm rõ sự việc, VFF lại im lặng rồi sau đó tổ chức đại hội “kín” không cho báo chí tham dự. Kết quả vị trí Phó chủ tịch tài chính VFF, người trúng cử chỉ ngồi ghế hơn 6 tháng rồi xin rút, đến giờ VFF chưa tìm được người thay thế.
Ông Nguyễn Hữu Thắng hôm qua không nói cụ thể một trường hợp nào nhưng cho rằng, cùng là thành viên của VFF, liên đoàn cần đối xử với các CLB công bằng như nhau. Cách làm việc “nhất bên trọng, nhất bên khinh” của VFF khiến cho làng bóng đá lâu nay cứ bàn tán về chuyện lãnh đạo đội này, đội kia có quan hệ với lãnh đạo cấp cao nên VFF né, không dám mạnh tay xử lý khi vi phạm. Để những chuyện như vậy lan truyền trong làng bóng đá sẽ gây mất uy tín, hình ảnh cấp trên trong khi nhiều người tin đây chỉ là chuyện CLB “dựa” lãnh đạo để làm bậy. Chứ không lãnh đạo nào lại đi bao che cho cái sai.
Hành vi của trợ lý Yang Jae-mo theo băng hình là nhắm lên khán đài khu VIP nơi nhiều quan chức BTC, VFF ngồi, trong đó có cả Trưởng ban Trọng tài Dương Văn Hiền. Hai mùa giải qua công tác trọng tài để xảy ra sai sót liên tục nhưng ông Trưởng ban Dương Văn Hiền cũng không hề hấn gì. Ngay ở trận đấu giữa TP Hồ Chí Minh-CLB Hà Nội, trọng tài cũng sai sót nhiều lỗi nghiêm trọng. Giá VFF xử phạt cấp dưới nghiêm như xử phạt cầu thủ, HLV khi vi phạm thì nói ai dám không nghe?
Chuyên trang chuyển nhượng Transfermarkt vừa cập nhật định giá của Văn Hậu, Công Phượng và Quang Hải. Ai sẽ trở thành...
Nguồn: [Link nguồn]