Neymar - PSG và góc khuất “băng đảng”: Quyền lực đại ca khét tiếng (P2)
Có nhà cầm quân từng nói, chiếc ghế HLV 4 chân thì 3 chân do các cầu thủ nắm giữ. Chỉ cần thầy trò không đồng lòng, đội bóng ấy tất bại. Còn nếu để xảy ra tình trạng quyền lực đen trong phòng thay đồ, thì đó là khởi nguồn cho những thảm họa.
Câu chuyện mâu thuẫn nội bộ giữa Neymar và Cavani ở PSG đang khiến dư luận chú ý. Hiện tượng phe phái đấu đá ngầm trong lòng đội bóng không còn là chuyện hiếm trong bóng đá ngày nay. Hãy cùng tìm hiểu thêm về vấn đề này qua loạt bài Neymar – PSG và góc khuất “băng đảng” bắt đầu từ ngày 26/9! |
Video Neymar và Cavani tranh nhau đá penalty trong trận PSG - Lyon:
Mourinho - nạn nhân của những băng đảng
PSG đang phải trả giá cho thói tiêu tiền vô lối sau một mùa hè điên rồ, lũng đoạn cả châu Âu. Vụ Neymar tranh giành penalty với Cavani chỉ là bề nổi của một cuộc đấu đá quyền lực, tranh giành phe phái nơi phòng thay đồ đội bóng thành Paris. Vì vụ Neymar - Cavani, giới chuyên môn đồn đoán rằng sớm thôi cuộc chiến ấy sẽ thổi bùng ngọn lửa thiêu đốt cả Parc des Princes, phá hủy chiếc ghế của HLV Unai Emery.
Vụ Neymar - Cavani là điển hình cho cuộc chiến của các "băng đảng"
Thực tế, những gì đã diễn ra với PSG hôm nay, người Anh đã trải qua nhiều năm về trước. Một trong những đội bóng Anh thành công nhất trong vòng 15 năm qua - Chelsea, trở thành tấm gương muôn đời cho cả giải đấu xứ sương mù. Nó đã kéo sập cả đế chế mà một trong những nhà cầm quân tài danh bậc nhất lịch sử bóng đá - Jose Mourinho, vừa dựng lên.
Đó là mùa hè năm 2005. Chelsea sau chiến tích vô địch Ngoại hạng Anh lần đầu tiên lịch sử CLB, bổ nhiệm Frank Arnesen vào chiếc ghế Giám đốc thể thao. 5 triệu bảng là cột mốc lịch sử dành cho một vị quan chức, ông chủ Abramovich đã phải móc hầu bao để đưa Arnesen về Stamford Bridge từ Tottenham, theo lời khuyên của trợ thủ đắc lực Piet de Visser.
Sau đó, Arnesen và De Viesser hình thành nên mối quan hệ hợp tác chiến lược nhờ những năm tháng làm việc tại PSV Eindhoven, với mục tiêu… “đào mỏ” khối tài sản khổng lồ của Abramovich. Bộ đôi này làm mưa làm gió trên thị trường chuyển nhượng để kiếm về những khoản lót tay kếch xù.
Vì thế, khi Mourinho yêu cầu chiêu mộ Samuel Eto’o, Arnesen mang về Shevchenko với mức phí kỷ lục 30 triệu bảng. Mourinho muốn có Micah Richards, Arnesen dúi vào tay “Người đặc biệt”’ một gã Khalid Boulahrouz chỉ biết ngửa tay nhận lương rồi ngồi chết dí trên ghế dự bị. Đó là lúc Jose Mourinho biết rằng triều đại của ông bắt đầu sụp đổ, không phải vì kẻ địch bên ngoài mà là bởi “thù trong”.
Shevchenko có mối quan hệ mật thiết với ông chủ Abramovich. Quả bóng vàng năm 2005 khệnh khạng như một ông hoàng ở Stamford Bridge. “Linh dương” Ukraine đánh bạn với thủ quân John Terry, đòi biến Drogba thành kép phụ phục vụ mình. Quyền lực của Shevchenko năm xưa, chỉ có hơn chứ chẳng kém Neymar hôm nay.
Mourinho từng là nạn nhân của các băng đảng khi còn dẫn dắt Chelsea
Mourinho mất uy, ngay cả John Terry cũng dám “bật”. Ngày 28/9/2007, thủ quân Chelsea ngồi lì trong phòng thay đồ, bất chấp trận đấu đã cận kề còn các đồng đội đã ra sân khởi động chuẩn bị cho trận đấu với Rosenborg. Chưa đầy 24 giờ, sau cuộc gặp chớp nhoáng giữa ông chủ Roman Abramovich và thủ quân John Terry, “Người đặc biệt” bị sa thải.
Casillas, Ramos, Messi và “đại ca” của những băng đảng
Sau sự kiện Mourinho bị sa thải, bóng đá Anh nhận ra rằng quyền lực của HLV phải đủ lớn để họ luôn tạo dựng được vị thế kẻ thống trị phòng thay đồ. Với những nhà cầm quân huyền thoại như Sir Alex Ferguson hay Arsene Wenger, họ không chỉ mang nhiệm vụ chuyên môn của một HLV đơn thuần (Coach), mà thực tế giống như một nhà quản lý chung (Manager). Họ nắm giữ trực tiếp vận mệnh của đám cầu thủ và bất cứ kẻ “kiêu binh” nào cũng đều bị trảm để đảm bảo phòng thay đồ luôn yên ổn.
Nhưng ở Barcelona và Real, tình hình không dễ kiểm soát như thế. Hai gã khổng lồ này hiếm khi nào trao toàn quyền cho các huấn luyện viên, thay vào đó, Chủ tịch đội bóng là người nắm quyền tối thượng. Như thừa nhận của HLV Zidane hồi mùa hè, ông không có quyền quyết định ai sẽ ở lại, ai sẽ ra đi. Tất cả nằm trong tay Chủ tịch Florentino Perez.
Ramos được mô tả như một vị "đại ca" tại Real
Khi quyền lực của HLV không đủ lớn, thì đó là lúc xuất hiện những “băng đảng” trong phòng thay đồ. Ở chính Real Madrid là một ví dụ. Từng có thời phe cầu thủ bản địa Tây Ban Nha luôn kình địch với phe các cầu thủ ngoại, khiến bầu không khí trong phòng thay đồ tại Bernabeu hiếm khi nào yên ấm. Lâu nay, truyền thông xứ đấu bò mô tả Sergio Ramos như một vị “đại ca”, người có thể tác động trực tiếp đến chiếc ghế của HLV. Trước đây, những vị đại ca ấy là Iker Casillas, trước nữa là “Chúa nhẫn” Raul Gonzalez…
Ở Barcelona, Lionel Messi là một tượng đài. Anh nắm trong tay quyền lực lớn chẳng kém gì một HLV (thậm chí còn có phần hơn). Đài phát thanh COPE từng tiết lộ rằng, hai đời Chủ tịch gần nhất của Barca là Sandro Rosell và Joseph Bartomeu đều phải hỏi ý kiến Messi trước khi đưa ra quyết định lớn như chuyển nhượng hay bổ nhiệm huấn luyện viên. Từng có lúc người ta cho rằng sở dĩ HLV Pep Guardiola ra đi là bởi ông cảm thấy mình không còn kiểm soát Messi được nữa.
Không chỉ ở bóng đá quốc tế mới diễn ra tình trạng bè phái, mà ở Việt Nam cũng diễn ra tình trạng tương tự. Hãy cùng đón đọc P3 vào lúc 0h ngày 30/9!
Thời kim tiền, ngôi sao nào đắt giá hơn sẽ thắng trong cuộc chiến quyền lực.