Neymar có lý do chính đáng để ‘ăn vạ’?
Neymar đã bị chỉ trích vì thói ăn vạ trong thời gian gần đây.
Giờ thì từ những lời khen ngợi, thế giới đã xoay qua chỉ trích Neymar vì những tình huống ăn vạ liên tiếp thời gian gần đây. Ăn vạ tất nhiên là điều xấu, nhưng Neymar có thật sự chỉ là một kẻ chăm chăm ăn vạ?
Không dưới 3 HLV, là Jose Mourinho của Chelsea, Neil Lennon của Celtic và Juan Ignacio Martinez của Real Valladolid đã lên tiếng chỉ trích Neymar, om sòm tuyên bố rằng anh đã dành quá nhiều thời gian để đóng kịch và lừa dối trọng tài.
Đúng là khi ở Brazil, Neymar vốn nổi tiếng là một “chuyên gia” ăn vạ. Nhưng ở Brazil, anh cũng đã nổi tiếng là một tiền đạo ích kỷ và màu mè, vậy mà mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn kể từ khi Neymar đặt chân xuống Barca. Tiền đạo người Brazil không hẳn chỉ là một kẻ chuyên lừa dối.
Neymar luôn bị đeo bám quyết liệt
Nếu Neymar có ý định đánh lừa các trọng tài, thì chúng ta cũng cần xem xét đến động cơ tự bảo vệ mình. Thực tế là ở Liga từ đầu mùa đến giờ, anh là cầu thủ bị phạm lỗi nhiều nhất (32 lần), hơn một so với Diego Costa và 5 lần so với Mesut Oezil. Khi một cầu thủ bị phạm lỗi quá nhiều và các trọng tài không thể bảo vệ anh ta thật tốt, anh ta phải làm gì?
Kể từ khi đặt chân đến Camp Nou tới nay, mỗi khi bị phạm lỗi, Neymar chỉ lặng lẽ đứng dậy, không phàn nàn phản đối và chỉ tiếp tục chơi bóng. Anh chấp nhận chúng như một phần của cuộc chơi, làm theo những gì HLV Gerardo Martino chỉ đạo, không hề phản đối. Và ngay cả ở trận gặp Valladolid, thì Neymar còn bị trọng tài bỏ lỡ 2 quả penalty.
Neymar không phải là Ashley Young, người luôn cố gắng ăn vạ bất kỳ lúc nào có thể, thậm chí còn ‘đóng kịch’ một cách rất thô thiển. Chiếc thẻ đỏ dành cho Brown ở trận gặp Celtic có thể là hơi nặng, nhưng đó là một sự trừng phạt cần thiết dành cho lỗi hành vi của Brown.
Lối chơi của Neymar khiến anh trở thành ‘nam châm’ cho các lần phạm lỗi. Anh thường đột phá từ cánh vào trung lộ, và tốc độ ngoặt bóng rất cao của Neymar luôn khiến các hậu vệ bối rối. Anh cũng không phải một cầu thủ có trọng tâm thấp như Messi để có thăng bằng tốt hơn.
Các HLV chỉ trích Neymar, như Mourinho hay Neil Lennon, đều ưa thích lối chơi rắn và làm ức chế đối phương. Phóng viên Andy West của tờ Independent bình luận rằng ‘chuyện Mourinho chỉ trích Neymar chẳng khác nào Ben Johnson (một VĐV điền kinh bị tước Huy chương vì bị phanh phui chuyện doping) chỉ trích Lance Armstrong’.
Có bạo lực thì ắt có tự vệ
Tức là ‘môi trường’ của bóng đá bạo lực cũng là nguyên nhân đem đến những phản ứng tự vệ, mà ăn vạ là một phần trong đó. Thực tế là Neymar đã bị phạm lỗi nhiều hơn bất kỳ ai, trước khi anh trở thành trung tâm của sự chỉ trích vì vài lần ‘đóng kịch’ thời gian qua. Bản năng của người Brazil là sinh tồn, và để tồn tại ở một môi trường mà ai cũng muốn ‘xin chân’ anh, giải pháp dễ dàng nhất là ăn vạ.
Cần phải tự vệ?
Tất nhiên, không ai cổ súy cho ăn vạ, nhưng vào đúng trong khoảnh khắc mà cơ chế tự vệ chi phối, thì đôi khi ăn vạ là hành động bị dẫn dắt bởi bản năng. Chúng ta đòi hỏi sự trung thực, thì cũng phải đòi hỏi lối chơi đẹp.
Thực tế thì từ khi sang Barcelona, Neymar là một làn gió mới, và hiện thân của lối chơi đẹp. Những HLV chỉ trích anh đã bỏ qua hoàn toàn một mặt tích cực của cầu thủ này. 6 đường kiến tạo và 3 bàn thắng chưa nói hết màn trình diễn của anh. Cái cổ chân của người Brazil có một nghệ thuật làm chúng ta luôn phải khâm phục.
Bản chất của việc ăn vạ luôn luôn xấu, nhưng đôi khi chúng ta phải đặt ra câu hỏi là tại sao bóng đá nghệ thuật lại bị vùi dập và là một nguyên nhân dẫn đến ăn vạ? Cả Pele và Maradona đều đã từng có những giờ phút thiếu trung thực trong thi đấu, dù buổi đầu sự nghiệp, họ có thể bị ‘ăn’ xoạc tới tấp mà vẫn đứng lên thi đấu tiếp, thay vì đổ gục xuống và chờ tiếng còi?
Neymar sẽ còn phải đối mặt với sự giằng xé giữa việc chơi hồn nhiên rồi ‘ăn đòn’ và ăn vạ để bảo vệ đôi chân trong nhiều tình huống nữa, và sẽ có thời điểm anh lạm dụng việc đó. Nhưng đây chưa phải lúc để dành những lời cay nghiệt cho anh.