Nếu Công Phượng “diễn kịch”, mừng hay vui…
Lần đầu tiên Công Phượng mang về quả 11m cho đội bóng phố Núi và trong con mắt của HLV Lê Huỳnh Đức, Công Phượng hiện lên như một cầu thủ chơi xấu, khi đã “diễn kịch” khéo léo để kiếm quả phạt đền.
Công Phượng đã được “minh oan” sau đó, nhưng chưa có gì đảm bảo anh sẽ không “diễn kịch” trong những tình huống tương tự?
* Một phần của cuộc chơi
Trước khi mùa giải 2015 khởi tranh, bầu Đức đã có nhiều phát biểu đề nghị VFF cần có cơ chế “đặc biệt” nhằm bảo vệ cầu thủ của mình. Do các cầu thủ HAGL đều còn rất trẻ, tương lai rộng mở phía trước, nên họ nếu bị các đàn anh chơi xấu, “đá láo”, có thể sẽ bị chấn thương phải chia tay sự nghiệp.
Thực tế trong quá khứ, nhiều tài năng trẻ đã phải sớm nói lời chia tay sự nghiệp, khi không được bảo vệ ở những môi trường mang tính “độc hại” cao.
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng khẳng định VFF không chỉ bảo vệ cho cầu thủ trẻ HAGL, mà với tất cả những cầu thủ đá hay, đá đẹp ở V-League.
Ở V-League năm nay, Công Phượng nổi lên là một chân sút có lối chơi kỹ thuật hàng đầu. Cũng như những gì mà anh thể hiện ở màu áo U19 Việt Nam, Công Phượng luôn có những pha xử lý bóng theo phong cách Nam Mỹ, nhưng cũng không ít lần chơi quá cá nhân, và hay “vẽ vời”.
Chơi đột biến, nhưng cũng không ít lần Công Phượng thích "vẽ vời"
Cũng bởi lẽ đó, mà Công Phượng đang bị các đàn anh ở V.League “chăm sóc” đặc biệt. Hầu như trận nào Công Phượng cũng luôn bị 1-2 hậu vệ theo như hình với bóng và hầu hết các trận đấu từ đầu mùa giải thủ quân U19 Việt Nam đã bị kiểm soát. Việc Công Phượng được chăm sóc đặc biệt là điều dễ hiểu, bởi anh ảnh hưởng đến 50% sức mạnh của đội bóng phố núi.
Trong bóng đá, tiền đạo là người bị kèm cặp “sát sao” nhất, vì từ cự ly đó mới phát sinh ra bàn thắng. Đó là thách thức không nhỏ dành cho Công Phượng. Và cũng bởi sự đặc thù của vị trí tiền đạo, Công Phượng cần phải hoàn thiện kỹ năng chơi bóng, thậm chí là cả tiểu xảo, mánh khóe để vượt qua những đối thủ có ý chơi xấu với mình. Ở một góc độ nào đó, nếu Công Phượng “diễn kịch” trên sân, cũng không phải là quá xấu xí, bởi đó là một phần của cuộc chơi.
* Phải thích nghi với chiêu trò mới tồn tại ở V-League
Sau 5 trận đấu tại V-League 2015, Công Phượng có 2 bàn thắng, đem về 1 quả phạt đền. Đó là những đóng góp mang tính quyết định trong cả 2 chiến thắng của HAGL kể từ đầu mùa giải. Người xem cũng bắt đầu nhận ra Công Phượng ngày càng chơi khôn ngoan hơn, bởi anh thấy rằng ở sân chơi V-League buộc phải có sự thích nghi cao mới tồn tại được.
Điều đó được thể hiện rõ nhất trong tình huống Công Phượng “xộc thẳng” vào hàng thủ đối phương trong trận đấu với SHB Đà Nẵng. Bình thường ở pha xử lý này một tiền đạo có thể sẽ tung ra cú dứt điểm khi có góc sút và thủ môn đã băng ra, nhưng Công Phượng vẫn bình tĩnh đi bóng rất khó chịu, buộc thủ môn SHB Đà Nẵng phải phạm lỗi, dẫn đến quả phạt 11m.
Nếu xét trên phương diện tạo đột biến, những cầu thủ có kỹ thuật cá nhân tốt, sở hữu tốc độ và sự nhạy bén trong dứt diểm như Công Phượng sẽ luôn rất lợi hại khi có “đất diễn”. Ở HAGL, những tiền vệ như Tuấn Anh, Xuân Trường luôn biết cách kiến tạo bóng để giúp Công Phượng có vị trí thuận lợi nhất.
Với V-League, lối chơi hiệu quả tránh va chạm là điều cần thiết
Tình huống dẫn đến bàn thắng của HAGL cho thấy Công Phượng đã không còn chơi bóng đơn giản như trước. Trước đây, để phong tỏa một cầu thủ rất yếu về những trò tiểu xảo như Công Phượng, đối phương chỉ cần vào bóng quyết liệt là thành công. Đó là chưa nói đến việc các cựu binh dày dạn kinh nghiệm còn canh me trọng tài bị hút theo trận đấu để “ra đòn”...