Nên bỏ Quả bóng Vàng?
Cả HLV Arsene Wenger và HLV Jose Mourinho đều từng bảo rằng nên bỏ danh hiệu Quả bóng Vàng, bởi đây là một giải thưởng hoàn toàn vô nghĩa trong bóng đá. Nhưng danh hiệu này “vô nghĩa” đến mức nào?
Ông Wenger cho rằng một giải thưởng cá nhân luôn tạo ra sự bất công đối với một môn thể thao tập thể: “Danh hiệu này chỉ khiến cầu thủ trở nên ích kỷ hơn, đặt lợi ích của mình lên trên đội bóng, và điều này là không tốt cho lịch sử bóng đá.”
Chính HLV Jose Mourinho cũng từng nói về chuyện này: “Tôi không muốn phải nghĩ ngợi về Quả bóng Vàng nữa. Việc chọn ra ai đó là người xuất sắc nhất thế giới nên bị cấm.”
Đó có thể là một quan điểm cực đoan. Bóng đá là một môn chơi tập thể, nhưng nó đặc biệt cũng nhờ những dấu ấn cá nhân. Cầu thủ không phải là những cỗ máy, và một trận đấu có thể được định đoạt chỉ bằng khoảnh khắc khác biệt của một cá nhân. Những cá nhân kiệt xuất thậm chí còn có thể định hình lại bóng đá, bằng thiên tài của họ.
Sự thiên vị của bóng Vàng
Nhưng đúng là Quả bóng Vàng từ lâu đã trở thành một danh hiệu tạo ra tranh cãi, hơn là tôn vinh. Và thật ra về bản chất, đó không phải là danh hiệu có thể định đoạt rằng cầu thủ nào là hay nhất.
Trong danh sách đề cử bóng Vàng năm nay, Thiago Silva là hậu vệ duy nhất lọt vào danh sách đề cử, và ai cũng biết cơ hội chiến thắng của anh gần như bằng không. Năm ngoái, chỉ có 2 hậu vệ được vào danh sách 23 người. Năm 2011 là 3 người.
Trong 57 lần trao bóng Vàng đã qua, 52 lần nó thuộc về các tiền đạo và tiền vệ công. Có 3 giải được trao cho các libero, hai lần cho Franz Beckenbauer và 1 lần cho Matthias Sammer vào năm 1996. Fabio Cannavaro năm 2006 là hậu vệ thuần túy duy nhất chiến thắng, số phận tương tự vị trí thủ môn (Lev Yashin năm 1963).
Sẽ lại là những tranh cãi
Trong khi bóng đá được tạo ra bằng 2 “nguyên tố” cơ bản là tấn công và phòng ngự, thì bóng Vàng ngay từ khi ra đời đã chỉ “âu yếm” các cầu thủ tấn công. Một người chơi bass quan trọng không kém một ca sĩ (thậm chí còn hơn) trong một ban nhạc, nhưng anh ta lại không thường xuyên được ngó ngàng đến. Đó là thị hiếu chung của con người, nhưng không vì thế, mà người ta chỉ trao giải cho các ca sĩ, mà quên đi những nhạc công.
Vì sự thiên vị “bẩm sinh” của nó, Eusebio trở thành người chiến thắng vào năm 1965, chứ không phải Giacinto Facchetti. Oleg Blokhin chiến thắng vào năm 1975, chứ không phải Franz Beckenbauer. Karl-Heinz Rummenigger hai lần liên tiếp giành bóng Vàng các năm 1980 và 1981, trong khi hai tiền vệ đồng hương Bernd Schuster và Paul Breitner chỉ về nhì.
Nếu chúng ta thật sự muốn tìm ra người xuất sắc nhất, thì buộc phải tìm lại được sự công bằng dành cho các cầu thủ phòng ngự. Các khán giả có quyền làm theo cảm tính, nhưng một người bầu chọn thì luôn phải đảm bảo được sự khách quan (tất nhiên không thể là khách quan tuyệt đối): Một bàn thắng của tiền đạo có khó khăn hơn một trận giữ sạch lưới của thủ môn? Và một cú lừa bóng hay so với một pha tắc bóng cực khó thì pha bóng nào đáng được lưu tâm hơn?
Quả bóng Vàng, tâm điểm của tranh cãi
Thực tế thì hai cầu thủ được coi là xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá, Diego Maradona và Pele, chưa bao giờ có cơ hội giành bóng Vàng. Vào cái năm mà Diego vĩ đại làm thổn thức cả một thế hệ yêu bóng đá, thì người chiến thắng lại là Igor Belanov, tiền đạo của Liên Xô cũ, thời điểm ấy nếu so với Maradona thì chỉ là vịt so với thiên nga. Cho đến năm 1995, bóng Vàng mới được trao cho một cầu thủ ngoài châu Âu, và đến tận 2007 mới dành cho tất cả các cầu thủ trên Thế giới.
Nhưng từ đó đến nay, nó chỉ làm bùng lên những tranh cãi, và người được trao giải đôi khi lại trở thành tâm điểm của mũi dùi chỉ trích. Cristiano Ronaldo hay Lionel Messi, ai xứng đáng hơn? Tại sao Wesley Sneijder không được cho vào danh sách 3 ứng viên cuối cùng của năm 2010? Rồi Xavi và Iniesta sao luôn phải đứng sau Messi? Rồi năm nay thì là tranh cãi xem liệu Franck Ribery có xứng đáng được chen vào giữa bộ đôi Messi – Ronaldo hay không?
Nếu tất cả chúng ta không đánh đồng rằng người được trao giải bóng Vàng phải là cầu thủ xuất sắc nhất hành tinh trong năm đó, mà đơn thuần chỉ là một sự vinh danh tương đối, nếu chúng ta không vì quá yêu người này mà thành ghét bỏ người khác, nếu chúng ta hiểu rằng họ, dù là thắng hay không thắng bóng Vàng, đều đem lại cái đẹp cho bóng đá, thì Quả bóng Vàng sẽ không khiến tất cả trở nên chia rẽ và cực đoan đến vậy.
Ronaldo, Messi hay Ribery đều xứng đáng được thưởng thức, hơn là tranh cãi. Và nếu chúng ta không thể học được cách tôn trọng những người chiến thắng và hiểu rằng Quả bóng Vàng không thể làm hài lòng tất cả mọi người, thì tốt nhất, nên nghe theo lời khuyên cực đoan của ông Wenger, nên bỏ danh hiệu này đi.