Nạn mua bán độ đe dọa giải trẻ
LĐBĐ Việt Nam không khỏi lo ngại sau sự kiện LĐBĐ châu Á cấm HLV người Campuchia Peas Sothy hoạt động bóng đá vĩnh viễn vì tình nghi thao túng kết quả ở Giải U19 Đông Nam Á 2016 diễn ra tại Hà Nội.
Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) vừa ra quyết định cấm mọi hoạt động bóng đá đối với HLV Peas Sothy, thuộc CLB Cảnh sát Hoàng gia Campuchia, vì liên quan đến bê bối bán độ tại Giải U19 Đông Nam Á 2016 được tổ chức ở Việt Nam.
Cụ thể, HLV này bị tình nghi đã thao túng tỉ số trận U19 Úc thắng U19 Lào 2-1 tại bảng B của giải. Trận đấu này, U19 Lào đã dẫn trước nhưng sau đó thua ngược 1-2 ở hiệp 2, trong đó có một bàn từ chấm phạt 11 m.
Trả lời tờ The Cambodia Daily, người phát ngôn LĐBĐ Campuchia (FFC) May Tola xác nhận vừa nhận được thư thông báo từ AFC nhưng trong thư không cho biết chi tiết. Trong khi đó, HLV Peas Sothy bác bỏ cáo buộc, đồng thời khẳng định với The Cambodia Daily rằng án phạt của AFC là không có căn cứ và sẽ kháng cáo. “Đó là trận đấu của Lào, trong khi tôi là người Campuchia và không biết bất cứ điều gì” - ông lý giải.
Trận U19 Lào (trắng) thua ngược U19 Úc 1-2 ở Giải U19 Đông Nam Á 2016 Ảnh: Mộc Nghênh
Đây không phải là lần đầu bóng đá Campuchia dính đến bê bối bán độ. Trong năm 2015, 7 cầu thủ và 4 quan chức CLB Phnom Penh Crow đã bị đình chỉ sau khi liên quan đến âm mưu thỏa thuận “bóp méo” kết quả nhằm khiến HLV bị sa thải. Mới đây, AFC đã ra quyết định treo giò vĩnh viễn 20 cầu thủ của đội tuyển Lào sau khi có những cáo buộc họ tham gia dàn xếp tỉ số tại AFF Cup 2014 và một số giải đấu khác.
Giải Vô địch U19 Đông Nam Á diễn ra tại Hà Nội vào tháng 9-2016 với 11 đội tuyển tranh tài. Đội chủ nhà U19 Việt Nam nằm tại bảng A, sau đó đoạt hạng 3 trong khi U19 Úc đăng quang với chiến thắng đậm 5-1 trước U19 Thái Lan ở chung kết.
Trả lời câu hỏi về nghi án mua bán độ tại giải U19 Đông Nam Á mà Việt Nam là đơn vị đăng cai, Tổng Thư ký LĐBĐ Việt Nam (VFF) Lê Hoài Anh cho rằng những văn bản của AFC khi được gửi đến các liên đoàn thành viên thì chắc chắn đã đủ chứng cứ.
“Các cuộc điều tra của AFC có sự tham gia của Sportradar - công ty điều tra, nghiên cứu những nghi vấn về tỉ lệ, lượng đặt cược nhắm vào các trận đấu - và một tiểu ban của FIFA nên chứng cứ đầy đủ, họ sẽ lập tức công bố. Điều này rất nguy hiểm vì như vậy có nghĩa “vòi bạch tuộc” mua - bán độ đã len lỏi đến những giải đấu trẻ bất chấp sự theo dõi sát sao của các đội bóng cũng như BTC. Sự phối hợp giữa VFF với LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) hay AFC dù chặt chẽ đến mấy thì bóng ma tiêu cực vẫn tìm cách vượt qua sự quản lý” - ông nhìn nhận.
Trước mắt, VFF sẽ tiếp tục theo dõi những bước đi tiếp theo của cuộc điều tra để có những biện pháp phòng ngừa tiêu cực, nhất là năm 2017 diễn ra một loạt hoạt động sôi nổi của bóng đá trẻ, tiêu biểu là World Cup U20 vào tháng 5 tại Hàn Quốc và SEA Games 2017 trong tháng 8 ở Malaysia.
“VFF chưa bao giờ để bị động, phụ thuộc vào AFC hay AFF. Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với cơ quan an ninh ở Việt Nam để tự ngăn ngừa tiêu cực. Các CLB cũng như ban huấn luyện các đội tuyển quốc gia cũng theo sát, phòng chống tiêu cực rất tích cực. Bài học từ những vụ tiêu cực, bán độ dẫn đến tiêu tan sự nghiệp của cầu thủ Đồng Nai, Ninh Bình là lời cảnh tỉnh cho các cầu thủ trẻ” - Tổng Thư ký VFF khẳng định.