Nắn lại V-League để có con đường chuyên nghiệp
Bóng đá Việt Nam sau vụ làm độ của cầu thủ Đồng Nai lại đến chuyện HLV U17 Hà Nội T&T ẩu đả với tài xế taxi ở Huế. Tiếp theo là hình ảnh cầu thủ “múa võ” và trọng tài bị nhân viên ban tổ chức sân Long Xuyên đòi hành hung… Làm cách nào để nắn lại V-League?
Bóng đá Việt Nam, mà nổi cộm nhất là V-League, dồn dập hình ảnh xấu xí và sổ kỷ luật ngày một dày thêm mà vẫn chưa đủ để răn đe. Có ý kiến đề nghị xử thật nghiêm, thật nặng để làm gương từ vụ cầu thủ bán độ đến các CLB xem thường kỷ cương, nhưng đấy chỉ là một phần rất nhỏ của việc nắn lại con đường chuyên nghiệp.
Hỏng ngay từ khâu làm đường
Đã có lần những nhà phân tích thông cảm với bóng đá Việt Nam khi cho rằng bóng đá chỉ là một phần của xã hội. Và họ đưa ra dẫn chứng những con đường cao tốc được thi công với bề ngoài bóng bẩy, nhưng đến lúc nghiệm thu hay có sự cố thì mới lòi ra có những cọc giao thông được phù phép bê tông cốt thép thành toàn là cốt tre. Thậm chí là những phần rất cơ bản như những lớp đá, sỏi đủ chuẩn đăng ký đã được gian lận với chất lượng thấp hơn quy chuẩn rất nhiều. Đưa ra những con đường trên để so với con đường bóng đá chuyên nghiệp cũng được làm sơ sài để rồi đến lúc vỡ lở thì giật mình với những hậu quả và tác dụng ngược.
Những năm 2000, khi vận hành bóng đá Việt Nam tiến lên chuyên nghiệp, những nhà “làm đường” đã bỏ qua khâu bán chuyên để đi thẳng một bước lên chuyên nghiệp. Bước đi hồi đấy là gấp rút tìm các doanh nghiệp đỡ đầu, biến đội bóng thành công ty cổ phần và khoác áo chuyên nghiệp bằng chuyện mua bán, chuyển nhượng, bằng sự gắng gượng lẫn hợp thức hóa những công tác tài chính để cái vỏ chuyên nghiệp hình thành.
Vụ các cầu thủ Đồng Nai bán độ làm rúng động V-League
Thời điểm đấy, câu nói cửa miệng của nhiều nhà điều hành là “cứ đi rồi sẽ thành đường”. Điều này có nghĩa những người vẽ nên lộ trình bóng đá chuyên nghiệp chấp nhận việc biến lối mòn thành đường chính. Nó không khác gì với kiểu đường tự phát ở nông thôn và thành đường làng khi chưa có bê tông hóa, xi măng hóa…
14 năm qua, con đường làng đấy vẫn được gọi là đường phát triển chuyên nghiệp đến độ bây giờ ai thò tay vào nắn chỉnh một cách nghiêm túc cũng nghĩ ngay đến chuyện xây hẳn một con đường mới hơn là nâng cấp đường mòn thành đại lộ.
Nắn và chỉnh từ đâu để có con đường chuyên nghiệp thực thụ?
Tôi hết sức ngỡ ngàng khi những nhà điều hành bóng đá chuyên nghiệp vẫn cứ khăng khăng mùa giải mới (2015) phải có 14 đội chuyên nghiệp mà bỏ qua hẳn khâu kiểm định để có những đội chuyên nghiệp thực thụ.
Bài học từ những đội bóng gom tiền làm bóng đá theo mùa như Sài Gòn United, NaviBank SG, XMXT Sài Gòn, K. Kiên Giang… cho thấy đầu vào của một đội chuyên nghiệp quá dễ khiến đầu ra cũng quá đơn giản. Nó giống như khai tử một công ty thua lỗ, rồi phủi tay, thế là xong.
Bóng đá Việt Nam hiện tại bát nháo với những cảnh cầu thủ tranh thủ kiếm tiền bằng mọi giá kể cả chơi độ, làm độ; đội bóng sắp xuống hạng luôn lớn tiếng cho rằng mình bị o ép và không tin trọng tài dẫn đến việc sẵn sàng hành hung trọng tài. Rồi chuyện nhà tài trợ cũng là lãnh đạo đội bóng, thấy khó nhai với chuyện làm ăn từ đầu tư đội chuyên nghiệp thế là tìm mọi cách để phủi tay… Thậm chí là không ít trọng tài “đánh hơi” thấy được điều đấy và tranh thủ “phục vụ” các đội bóng biết điều khiến bây giờ nhìn V-League từ góc nào cũng thấy toàn “vi trùng”.
V-League không có lỗi nhưng chính việc hình thành nền tảng để có con đường V-League những nhà điều hành đã chấp nhận lồng vào “bê tông cốt tre”, hay ăn bớt các “quy chuẩn bê tong” đổ xuống lòng con đường V-League với suy nghĩ đơn giản là có đủ số đội bóng và bóng hàng năm vẫn lăn trên con đường kém chất lượng đó là đủ.
Tài xế taxi tố bị HLV U17 HN.T&T hành hung
Nếu xem bóng đá chuyên nghiệp là con đường cao tốc và thành phần các đội tham dự V-League là những chiếc xe lưu hành trên con đường đấy sau khi đóng đủ những lệ phí qua trạm, lệ phí bến bãi thì sẽ thấy có rất nhiều khoản rơi rớt dọc đường mà những chuyến xe đấy đi qua. Hãy bắt đầu từ phần kiểm định từng chiếc xe, rồi đến phần lưu thông có cả phóng nhanh, vượt ẩu và những phần làm luật, hay bị làm luật trên đường, rồi tai nạn ập đến…
V-League bây giờ rất loạn khi chính các CLB cũng không kiểm soát được cầu thủ mình, còn các đội thì mạnh ai nấy kiếm tiền để tồn tại theo cách riêng của mình, trong đó đa số là xài tiền của nhà tài trợ hơn làm chăm chút thương hiệu cho CLB mình lẫn cho nhà tài trợ. Các CLB Việt Nam vẫn chưa đội nào sống được từ bóng đá, hay có nghĩa vụ đúng nghĩa với nhà đầu tư, nhà tài trợ như cái cách mà bóng đá chuyên nghiệp vạch ra.
Việc nắn chỉnh lại con đường V-League rõ ràng ngoài kỷ cương còn là việc thay đổi cả cách nghĩ mà 14 năm chuyên nghiệp chỉ chăm chăm vào cứ đi rồi thành đường.