Năm vị thường trực VFF ‘đấu nhau’
Năm vị đứng đầu trong Thường trực VFF lẽ ra là một êkíp mạnh nhưng tiếc là lại bị phân hóa.
Ông Lê Hùng Dũng làm chủ tịch VFF với nhiều thay đổi từ tư tưởng doanh nhân làm bóng đá. Ông hứa nếu làm chủ tịch sẽ tài trợ mỗi CLB 1 tỉ đồng và mỗi liên đoàn địa phương 500 triệu đồng cùng việc mỗi năm đem về cho bóng đá Việt Nam hơn 300 tỉ đồng. Gần hai năm qua thì ông hiểu việc kiếm tiền cho bóng đá không đơn giản như điều hành công ty dù cách ông làm bóng đá nhiều lúc cũng giống điều hành công ty.
Ở VFF có những chuyện của tập thể nhưng lại chỉ có hai người biết. Chẳng hạn như thuê thầy ngoại trả lương bao nhiêu mà ông phó chủ tịch tài chính và cả đối ngoại không biết. Ảnh: XUÂN HUY.
Bầu Đức khi ngồi ghế phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính khẳng định mình ngồi vào đấy vì nể bạn hiền Lê Hùng Dũng (Chủ tịch VFF) nhưng khi ngồi rồi thì bạn đi đằng bạn, việc đi đằng việc. Thậm chí là bầu Đức còn bất mãn không thèm dự họp và mắng bạn “lật kèo” vi phạm nghị quyết VFF.
Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Gụ phụ trách truyền thông ngay từ đầu đã bị “dị” vì đại hội sắp ghế cho người cũ Nguyễn Lân Trung. Thậm chí là khi ông Gụ thắng phiếu bầu thì chủ tịch đề nghị bầu lại với lý do nhiều người nhầm dấu (X) với dấu (V) nhưng chính ban chấp hành phủ quyết với lý do dấu (X) hay dấu (V) cũng là đánh dấu.
Và ở thường trực thì chỉ có bầu Đức với ông Gụ là lên tiếng những gì thường trực đi sai đường. Mới đây bị buộc phải báo cáo ngành thể thao, ông Gụ nói đúng tinh thần góp ý ở ban chấp hành thì bị cho là phá bóng đá (!?).
Ông Trần Quốc Tuấn thì làm phó chủ tịch chuyên môn nhưng được chủ tịch khoác thêm áo phó chủ tịch trực dù VFF không có chức danh này. Thế nên ông Tuấn ngoài việc ôm 17 ghế còn kiêm luôn nhiều việc mà chủ tịch bệnh và bận.
Ông Trần Anh Tú thì thuần túy là người làm Futsal và được Chủ tịch Lê Hùng Dũng bổ sung vào thường trực với suy nghĩ thêm một doanh nhân vào để nhà có năm người dễ bỏ phiếu. Và cũng cần biết là tại hội nghị ở Cần Thơ thì chính Ủy viên Nguyễn Hồng Thanh (SLNA) đã lên tiếng là nhà có năm nhà quản lý thì nên thêm người có chuyên môn hơn là doanh nhân rồi còn đặt ra câu hỏi “Doanh nhân ấy đã góp gì và bao nhiêu…”.
Bây giờ thì nhiều người lại nhìn vào ngôi nhà có năm quản gia đấy mà trách cứ và buồn vì có việc chỉ hai ông bàn với nhau rồi quyết với nhau. Buồn vì người nhà cứ tố nhau trên mặt báo rồi bêu xấu nhau, nói nhau là giết liên đoàn.
Chỉ có năm ông trong ngôi nhà mà như thế thì làm sao bảo được 11 cầu thủ trên sân và đòi có được một đội tuyển mạnh?