Nài ngựa và chuyện ở đội tuyển U19 Việt Nam
Thất vọng, tiếc nuối và bùng nổ… đáng lẽ ra đó là những cung bậc cảm xúc mà thầy trò HLV Guillaume Graechen nếm đủ tại VCK Giải bóng đá U.19 châu Á vừa qua. Tiếc rằng điều đó đã không xảy ra sau trận hòa đáng ra phải thắng trước U.19 Trung Quốc ở trận cuối vòng đấu bảng, để rồi giấc mơ lịch sử của bóng đá Việt Nam thêm một lần lỡ hẹn. Việc này khiến nhiều người nhớ đến câu chuyện ngựa-nài và nài ngựa trên mã trường.
Nài ngựa
Trong môn đua ngựa, người ta vẫn truyền tụng với nhau câu: “ngựa non cần phải có nài già”. “Già” ở đây ý nói già dặn về kinh nghiệm từng trải trên mã trường, để bổ khuyết cho những chú ngựa non. Lúc đó nài ngựa có thể biến những chú ngựa non thành ngựa ô, ngựa ô thành tuấn mã…
Trường hợp đội tuyển U.19 Việt Nam thì sao? Các cầu thủ vừa non về tuổi đời lẫn tuổi nghề đã đành, đằng này vị chuyên gia người Pháp cũng cần có thêm thời gian để trưởng thành.
Sinh năm 1977 (37 tuổi), Guillaume Graechen có một sự nghiệp cầu thủ khá bình lặng. Ông sinh ra tại Vernon và bắt đầu sự nghiệp bóng đá của mình vào năm 1993 tại CLB Cercle Dijon (một đội bóng thi đấu tại giải hạng Hai ở Pháp) và kết thúc sau 14 năm thi đấu tại một số đội bóng khác nhau như: Angers, Sedan, Romorantin, Imphy-Decize. Năm 2007, cầu thủ này giải nghệ, sau đó chuyển sang đầu quân cho Học viện bóng đá Arsenal JMG toàn cầu.
Bên cạnh HLV Guillaume Graechen luôn có các chuyên gia của Học viện Arsenal JMG toàn cầu làm cố vấn
Trong vai trò là một cầu thủ bóng đá, ông không mấy thành công. Và cái tên Guillaume Graechen chỉ thực sự nổi bật kể từ khi sang Việt Nam làm việc tại Học viện HA.GL-Arsenal JMG, từ giữa năm 2007 cho đến nay.
Nhờ có sự chống lưng mạnh mẽ và không tiếc tiền của bầu Đức, sự giúp đỡ hết mình từ Học viện Arsenal JMG toàn cầu, cộng với bản tính hay lam hay làm của Guillaume Graechen… các cầu thủ Học viện HA.GL-Arsenal JMG nhanh chóng trưởng thành. Đặc biệt, kể từ năm 2013 đến nay, thương hiệu U.19 Việt Nam mà nòng cốt là cầu thủ U.19 HA.GL-Arsenal JMG đã nhiều lần làm nức lòng người hâm mộ bóng đá nước nhà.
Nước xa, lửa gần
Tuy nhiên, cũng giống như tuổi đang lớn của lứa U.19, có những trận đấu thầy trò Guillaume Graechen chơi cực hay, nhưng cũng có những trận cầu họ không còn giữ được là chính mình, chẳng khác gì thời tiết lúc giao mùa.
Nếu giữ được là chính mình, lẽ nào U.19 Việt Nam thua đậm tới tỉ số 0-6 trước U.19 Hàn Quốc; đáng ra chúng ta có được 1 điểm trước U.19 Nhật Bản, tiếc rằng chỉ 2 phút bù giờ cuối cùng U.19 Việt Nam dễ dàng bị thủng lưới 2 bàn để rồi trắng tay theo kiểu “mời ông xơi”. Và trong trận đấu cuối vòng bảng, U.19 Việt Nam xứng đáng có 3 điểm trọn vẹn trước U.19 Trung Quốc, nhưng “vết xe đổ lặp lại”, chúng ta bị thủng lưới cuối trận một cách oái ăm, điên rồ…
Trưởng đoàn Đoàn Nguyên Đức tự nhận, thất bại của U.19 Việt Nam trên đất Myanmar ông nhận 50%, vậy 50% còn lại thuộc về ai? Dĩ nhiên Guillaume Graechen phải có phần.
Được biết, đằng sau Guillaume Graechen luôn luôn có từ 2-3 cố vấn từ Học viện Arsenal JMG toàn cầu tư vấn, giúp đỡ hàng ngày thông qua mạng internet. Tuy nhiên trong từng tình huống cụ thể đang diễn ra trên sân bóng, dĩ nhiên “nước xa không cứu được lửa gần”.
Có thể trong tương lai, Guillaume Graechen sẽ là một HLV “chiến trường” giỏi thực sự, nhưng hiện tại hãy cho vị chuyên gia này thêm thời gian. Kinh nghiệm không ai bán mà mua, không ai cho mà xin… Phải thông qua trải nghiệm thực tế mới có được.