Mười năm làm bóng đá của bầu Hiển
Nói ít làm nhiều, chạm tới đâu là ở đó ra thành tích. Có thể không thích, nhưng không thể không kính nể tài làm bóng đá của ông bầu họ Ðỗ.
Ba năm thăng 3 hạng, gom thu danh hiệu
Năm 2006, một cái tên mới mẻ xuất hiện trên bản đồ bóng đá Việt Nam, T&T Hà Nội. Không nhiều người có thể dự báo chỉ vài năm sau đấy, với cái tên mới đề cao tính địa phương hơn là Hà Nội T&T, đội bóng trên sẽ “làm mưa, làm gió” ở V.League.
Dưới sự dẫn dắt của HLV Triệu Quang Hà, một cựu danh thủ Thể Công, Hà Nội T&T chỉ trong vòng 3 năm đã liên tiếp thăng 3 hạng, từ hạng Ba “vù” lên V.League trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Cái tên Ðỗ Quang Hiển, Chủ tịch Tập đoàn T&T và Chủ tịch HÐQT ngân hàng SHB bắt đầu được biết đến từ đây.
Cũng chỉ mất 2 năm, Hà Nội T&T đoạt chức vô địch V.League đầu tiên dưới sự dẫn dắt của HLV Phan Thanh Hùng, đúng vào năm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Ðông Ðô-Hà Nội. Hà Nội T&T trước đó đã có một quá trình tập hợp và tăng cường lực lượng mạnh mẽ nhờ hầu bao dồi dào của ông Hiển. Lực lượng của đội bóng thủ đô có lúc được đánh giá là mạnh nhất, nhì ở V.League với hàng loạt ngoại binh chất lượng cao và các ngôi sao quốc nội trong đội hình, như Văn Quyết, Thành Lương, Gonzalo, Samson…
HLV Phan Thanh Hùng góp công xây dựng lối chơi đặc thù và mang lại nhiều thành công cho Hà Nội T&T. Ảnh: VSI
Giống như tất cả các doanh nghiệp đi trước trong bóng đá, Hà Nội T&T những ngày đầu cũng được đánh giá là lấy bóng đá để “đánh bóng” thương hiệu. Biểu hiện của chiến lược này là việc dùng tiền đưa các ngôi sao về đội bóng, lấy thành tích trong ngắn hạn. Về mặt này, ông Hiển không hề kém cạnh so với những người đi trước, như bầu Ðức của HA.GL hay bầu Thắng của Ðồng Tâm Long An.
Bản hợp đồng gây xôn xao đầu tiên của Hà Nội T&T là tiền đạo Lê Công Vinh. Mùa giải 2007, Công Vinh chia tay SLNA để đầu quân cho đội bóng của ông Hiển với số tiền “lót tay” được thông báo lên tới 7 tỉ đồng, con số gây sốc ở thời điểm trên.
Hợp đồng với Công Vinh mở đầu cho giai đoạn đầu tư mạnh mẽ về lực lượng của Hà Nội T&T. Chỉ đến thời điểm cách đây chừng 3, 4 năm, khi đã no nê danh hiệu và đi vào ổn định, đội bóng của bầu Hiển mới chuyển hướng đầu tư theo chiều sâu.
Trong suốt quá trình trên, ông Hiển gắn với Hà Nội T&T với hình ảnh như một ông bầu chịu chi, có thể “móc tiền” thưởng cho cầu thủ ngay trên sân sau mỗi trận đấu. Trên thực tế, Hà Nội T&T luôn biết cách chi tiền theo cách có thể đạt hiệu quả cao nhất.
Những người mới tiếp xúc với ông Hiển đặc biệt ấn tượng bởi khả năng kiểm soát trạng thái tâm lý tốt một cách kỳ lạ. Hoà nhã, lịch thiệp theo đúng khuôn phép xã giao, khó có thể tìm được điểm nào ở ông Hiển khiến người đối diện phải phật ý, ngay cả đối với những trường hợp lần đầu tiên gặp mặt. Ông Hiển có lẽ cũng là số hiếm người đứng đầu một tập đoàn, ngân hàng lớn được nói là có thể bỗ bã với anh em thân quen, chạm nhau dăm cốc bia bình dân.
Những CÐV ngoại quốc đặc biệt của Hà Nội T&T. Ảnh: VSI
Sẽ là thiếu sót khi nhắc đến bầu Hiển mà không nói tới câu chuyện “một ông chủ, hai đội bóng”, gắn liền với mối quan hệ giữa Hà Nội T&T và SHB Ðà Nẵng. Câu chuyện từng là vấn đề gây tranh cãi trong nhiều năm trời của bóng đá Việt Nam, với kết quả cuối cùng là năm 2012, ông Hiển tuyên bố thoái vốn khỏi cả 2 công ty cổ phần thể thao T&T và SHB Ðà Nẵng.
Câu chuyện của bầu Hiển chỉ ra một vấn đề khác của bóng đá Việt Nam, là những khiếm khuyết trong cơ cấu tổ chức vận hành. Chuyện ông Hiển trong quá khứ gây nghi kị vì liên quan đến 2 CLB cùng lúc, có lẽ cũng không khác mấy việc hiện nay, nhiều ông chủ các CLB lại đồng thời nắm giữ các vị trí trọng yếu trong LÐBÐVN (VFF) và cả Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF).
Trong nhiều năm trời, SHB Ðà Nẵng và Hà Nội T&T song hành thống trị V.League. Bầu Hiển bắt đầu từ năm 2010 đã gom thu các danh hiệu cao nhất của bóng đá quốc nội. Ðã có những ví von so sánh ông Hiển với vua Midas, với khả năng chạm tới đâu là ở đó biến thành vàng. Lẽ dĩ nhiên đã có không ít dị nghị về sự “liên thủ” của Hà Nội T&T với SHB Ðà Nẵng.