Mua Lee Nguyễn để PR hay để vô địch?
Nhiều người tỏ vẻ nghi ngờ khi CLB TP.HCM kéo Lee Nguyễn rời giải nhà nghề Mỹ về đá cho đội bóng từng đổ rất nhiều tiền để săn nhiều cầu thủ vừa giỏi vừa nổi đình nổi đám…
Ngày 25-12, CLB TP.HCM chính thức công bố chiêu mộ thành công tiền vệ Việt kiều Lee Nguyễn và trước mắt cầu thủ này sẽ chơi cho TP.HCM một năm.
Nếu không có gì thay đổi vào giờ chót, ngày 1-1-2021, Lee Nguyễn từ Mỹ về đến Việt Nam và cách ly 14 ngày trước khi tập trung cùng đội TP.HCM thi đấu mùa V-League 2021.
Lee Nguyễn là thương vụ lớn của CLB TP.HCM. Với những gì tiền vệ gốc Việt 34 tuổi đã thể hiện trong màu áo Inter Miami thuộc sở hữu của cựu tuyển thủ Anh David Beckham thì cái giá để Lee Nguyễn chịu xỏ giày thi đấu cho TP.HCM có thể nói là đứng đầu danh sách cầu thủ V-League.
Lee Nguyễn từng được kỳ vọng rất nhiều (trái) nhưng rồi chính anh cũng thất vọng với chính mình (phải) vì không hòa nhập được ở V-League. Hy vọng lần này sẽ khác. Ảnh: XUÂN HUY
Đã từng có những cái giá áng chừng hoặc “nghe ngóng” Lee Nguyễn sẽ nhận gần 12 tỉ đồng cho mùa bóng 2021 nhưng chắc chắn đó không phải là con số thật khi phi vụ Lee Nguyễn đã chuyển sang thương vụ với nhiều điều khoản cùng với sự phức tạp ở kênh môi giới.
Lee Nguyễn từng là kỳ vọng của bầu Đức khi lần đầu về Việt Nam chơi V-League nhưng thất bại ê chề bởi phải “xách xe không” mà thiếu sự cộng hưởng của các đồng đội ở HA Gia Lai, mà đặc biệt là các cầu thủ Thái Lan. Sau đó về B. Bình Dương, Lee Nguyễn cũng không hơn những cầu thủ ngoại hạng trung, hay nói đúng hơn là không phát huy được ở môi trường bóng đá mà Lee Nguyễn không thể thích nghi.
Cũng từng có những phân tích việc Lee Nguyễn tự đánh mất mình khi chọn bãi đáp V-League, mà cụ thể là anh tự giảm tính chuyên nghiệp của mình xuống để “sánh ngang” nhiều đồng đội của anh.
Nói như chuyên gia Nguyễn Văn Vinh, người từng chứng kiến Lee Nguyễn từ khi thử việc ở HA Gia Lai đến lúc trượt dài và thất bại tại V-League thì Lee Nguyễn khó khăn ở chỗ nhiều lúc phải chiến đấu một mình trong một môn chơi tập thể nên không thể phát huy hết.
Thậm chí là nhiều lúc một mình rồi Lee Nguyễn còn tự đánh mất mình khi tham gia vào nhiều thứ ngoài bóng đá mà ở giải nhà nghề Mỹ thì Lee Nguyễn không bao giờ dám.
Lần thứ hai trở lại với V-League, liệu Lee Nguyễn có tránh được vết xe đổ mà hơn 10 năm trước anh rơi vào?
Lương cao hay lót tay cao và thậm chí là những phi vụ quanh việc Lee Nguyễn về cũng rất cao sẽ là một gánh nặng vô hình cho cầu thủ này.
Sau 14 ngày cách ly đối với Lee Nguyễn thì cũng là lúc V-League khai mạc và như thế có thể nói Lee Nguyễn sẽ mất đi ít nhất là 2-3 vòng đầu để làm quen và thích nghi với đồng đội, với môi trường và với cả V-League.
Cũng từng có ý kiến đặt ra là Lee Nguyễn dễ rơi vào tình trạng kiểu cầu thủ PR như mùa trước CLB TP.HCM từng đưa nhiều “ngôi sao của truyền thông” về để tạo sức hút từ phía dư luận như Bùi Tiến Dũng, Công Phượng… Cá nhân tôi không tin vào điều đấy, vì cỡ một cầu thủ nhà nghề từng đá cho đội tuyển Mỹ như Lee Nguyễn mà rơi vào dạng đấy thì anh sẽ mất rất nhiều sau một khoản lớn về tài chính nhận được.
Còn nếu có Lee Nguyễn để đạt mục tiêu vô địch thì điều quan trọng lại chính là bộ máy của CLB TP.HCM phải thay đổi theo chiều hướng tích cực của bóng đá chuyên nghiệp.
Có Lee Nguyễn, sân cỏ Việt Nam và V-League sẽ đáng xem hơn nhưng không có nghĩa là đáng giá hơn nếu Lee Nguyễn không thoát được cảnh “đá bóng một mình” như đã từng vướng phải ở HA Gia Lai và cả B. Bình Dương.
Hy vọng Lee Nguyễn sẽ có sự cộng hưởng tích cực từ một môi trường mới hơn là sự hào nhoáng của một cầu thủ được chú ý.
Cuộc tái đấu giữa ĐT Việt Nam và U22 Việt Nam vào chiều 27/12 nhận được sự quan tâm đặc biệt của người hâm mộ Phú...
Nguồn: [Link nguồn]