MU: Với Mourinho, sống là không chờ đợi
Người ta biết gọi Mourinho là gì khi xung quanh ông có quá nhiều câu chuyện “hot”? Một kẻ xấu tính? Một kẻ nghiện việc? Hay một người sống gấp?...
Video MU và trận hòa West Brom (Tổng hợp từ VTV)
Gì cũng được. Chỉ cần biết rằng Mourinho là một người không biết bằng lòng, không bao giờ biết chờ đợi mà luôn luôn tiến về phía trước.
MU lại vừa hòa đáng tiếc trước West Brom
1. Trong một mùa bóng tệ hại với thành tích thi đấu thê thảm cùng tương lai bất định của HLV trưởng và các trụ cột, Arsenal lại vừa phải đón những lời lẽ không mấy lịch sự từ một người cũ - hậu vệ Ashley Cole.
Ashley Cole là công thần của Arsenal trong mùa giải bất bại 2003-04 nhưng cũng được xem là tên Judas phản Chúa sau vụ đào tẩu sang Chelsea mùa Hè 2006. Sau hơn 11 năm, Cole vẫn không hề hối hận về quyết định chuyển tới Stamford Bridge. Hậu vệ trái tài năng này phát biểu trên kênh ITV: “Tôi sẽ không bao giờ ngoái nhìn lại, không bao giờ tôi ân hận. Tôi đã có quãng thời gian tươi đẹp ở đó nhưng khi chuyển tới Chelsea, tôi đã giành tất thảy mọi danh hiệu”.
Cùng với Chelsea, Ashley Cole đã vô địch Premier League, đã đoạt cả Cúp bạc Champions League lẫn Europa League… Trong thời gian đó, Arsenal chỉ giành được 2 FA Cup. Sẽ có rất nhiều cựu danh thủ Arsenal tán đồng với lựa chọn của Cole, trong đó có Van Persie, Cesc Fabregas…
Vì vụ chuyển nhượng tai tiếng ấy mà Ashley Cole bị CĐV Arsenal căm ghét. Họ gọi anh là “Cashley” Cole (Cash = tiền). Họ ghép mặt anh lên tờ 20 bảng khi anh lần đầu tiên gặp lại đội bóng cũ. Nhưng có hề gì, Cole vẫn thành công cả về nghề nghiệp lẫn tài chính. Arsenal khiến anh tức tối với mức lương đề nghị khiếm nhã 55.000 bảng/tuần trong khi Chelsea sẵn sàng trả 90.000 bảng.
2. Sở dĩ Ashley Cole bị CĐV căm ghét là bởi anh đã lén cấu kết với Jose Mourinho để “đi đêm” sau lưng đội bóng. Tháng 1/2005, khi vẫn còn là một trụ cột của Arsenal, Cole cùng người đại diện Jonathan Barnett đã âm thầm đến gặp phái đoàn Chelsea gồm HLV Jose Mourinho, GĐ điều hành Peter Kenyon và người đại diện Zahavi ở khách sạn Royal Park.
Vì vụ tiếp xúc trái phép tai tiếng ấy mà Cole bị FA phạt 100.000 bảng (sau giảm xuống còn 75.000 bảng). Chelsea bị phạt 300.000 bảng và HLV Mourinho bị phạt 200.000 bảng (giảm xuống còn 75.000 bảng). Người đại diện của Cole cũng bị phạt 100.000 bảng và cấm hành nghề 18 tháng.
Mourinho là chủ mưu trong vụ đi đêm tai tiếng ấy và nó xảy ra chỉ sau 6 tháng ông chuyển đến Anh. Tại sao HLV người Bồ Đào Nha không chờ đến khi mùa giải kết thúc để xúc tiến vụ chuyển nhượng? Tại sao ông không tiếp xúc với Cole qua con đường “chính ngạch” mà các đội hay làm: cử đại diện của CLB tiếp cận đại diện của Cole, thống nhất các điều khoản cá nhân trước khi gửi đề nghị chính thức đến Arsenal?
Đó là bởi vì… ông là Jose Mourinho, một người có tư tưởng sống là không chờ đợi. Mourinho ghét sự chờ đợi. Mourinho muốn thành công ngay lập tức và sau 12 năm, tư tưởng ấy vẫn không thay đổi. Ông muốn mua Paul Pogba thì Manchester United phải mua Pogba, kể cả phải phá kỷ lục chuyển nhượng.
3. Tháng 4 đã tới - một tháng nhiều giông bão của MU. Trang facebook Manchester United vừa đăng tải lịch thi đấu của CLB trong tháng 4 với 9 trận đấu trong 30 ngày và gọi đó là “tháng Tư bận rộn” (busy April). Nhưng cách đó rất lâu, Mourinho đã “càm ràm” về lịch thi đấu đó.
Mourinho và MU sẽ có một tháng Tư giông bão
30 ngày phải đá 9 trận, những con số ấy có vẻ “ấn tượng” với nhiều người nhưng với các fan lâu năm của giải Ngoại hạng thì không. Từ khi nào nhịp độ 2 trận/7 ngày trong chặng nước rút lại là vấn đề lớn với một đội bóng tầm cỡ Manchester United vậy?
Dưới triều đại Sir Alex Ferguson, nếu “được” đá ít hơn 9 trận trong tháng 4 thì có nghĩa là MU đã có một mùa bóng thất bại (không tin bạn hãy kiểm tra lại những mùa mà MU lọt vào tứ kết Champions League). Vậy thì tại sao Mourinho lại liên tục ca thán về một sự việc vốn chẳng có gì mới mẻ?
Mourinho lo lắng ư? Hay là thiếu tự tin? Hoàn toàn không! Một con người đã dẫn dắt những đội Top đầu châu lục, gồm Chelsea, Inter và Real Madrid sẽ không bao giờ ngán việc phải đá với tần suất 2 trận mỗi tuần.
Vậy vì sao mà Mourinho cứ liên tiếp ca cẩm như thế? Đừng mắc bẫy tâm lý chiến của “Người đặc biệt”! Mourinho sẽ không kêu khó nếu đó là khó khăn chung. Đằng này, chỉ còn MU đá Cúp châu Âu trong lúc 5 đội còn lại của Top 6 nay đang thảnh thơi cho cuộc đua ở Premier League.
Cảm thấy việc MU phải đá 9 trận trong tháng khi mà các đối thủ chỉ chơi 6-7 trận là bất công, Mourinho không thể ngồi yên chờ đợi. Ông phải làm gì đó, phải nói điều gì đó. Và thế là ông ca thán về lịch thi đấu (nhiệm kỳ đầu ở Chelsea, Mourinho từng săm soi lịch thi đấu và quả quyết “có một âm mưu chống lại chúng tôi”).
Những lời kêu ca ấy cùng tuyên bố “còn lâu MU mới trở lại thời đỉnh cao” cũng là thông điệp mà Mourinho tế nhị gửi đến các ông chủ của mình. MU chưa đủ mạnh. Đội hình thiếu chiều sâu. Thiếu cầu thủ chất lượng ở nhiều vị trí… Tóm lại, MU phải chi đậm để tăng cường lực lượng cho mùa bóng tới.
Trước trận đấu với West Brom, như có một dự cảm không hay, Mourinho đã mở lời kêu ca về việc MU có quá nhiều cầu thủ phải về làm nghĩa vụ quốc gia, trong khi đối thủ chỉ có 1 người. Báo chí Anh nhanh chóng kiểm định thông tin này và chỉ ra rằng West Brom có tới… 10 cầu thủ về chơi cho ĐTQG, chỉ kém MU chút ít (13 người). Đòn tâm lý ấy không có tác dụng và MU bị cầm chân 0-0 đầy thất vọng.
Mourinho đích thị là một người ưa sống gấp!
Mourinho mới đây đã bóng gió chỉ trích cách mua sắm của những người tiền nhiệm, đặc biệt là “sư phụ” Louis van Gaal. HLV người Bồ Đào Nha bảo rằng nếu được chọn, ông sẽ không bao giờ bán những cầu thủ như Chicharito, Di Maria hay Welbeck và sẽ không mua một số cầu thủ trong đội hình MU mùa này. Phát biểu ấy cũng thể hiện quan điểm của ông: đội hình của MU vẫn thiếu chất lượng và cần phải tăng cường lực lượng cho nhiều vị trí. |
Jose Mourinho bỗng dưng quá đỗi tầm thường ở trận đấu MU cần phải thắng.