MU - Van Gaal: Mua ngôi sao, bán bản sắc
Khi còn dẫn dắt MU, Sir Alex từng hùng hồn tuyên bố đội bóng của ông sẽ không bao giờ mua sắm một cách ngớ ngẩn và trả lương cầu thủ một cách điên rồ như người hàng xóm Man City. Chỉ vài năm sau, những hậu bối của ông ở Old Trafford đã đi đúng trên con đường mà các đội bóng lắm tiền nhiều của thường lựa chọn.
Vũ điệu của đồng tiền
Người ta nói: “Tiền bạc làm mục ruỗng tâm hồn”. Nhiều CĐV “Quỷ đỏ” đã bắt đầu nhận ra được sự thật phũ phàng đó khi MU trở thành kẻ bạo chi nhất mùa hè vừa rồi. Hơn 150 triệu bảng đã được những sếp lớn vốn nổi tiếng keo kiệt ở Old Trafford xuất két.
NHM đội bóng có thể vui mừng trước thái độ tích cực ấy từ giới chóp bu. Nhưng họ không biết rằng, kể từ lúc MU dốc cạn hầu bao mang về những ngôi sao để gỡ gạc lại một mùa giải thất bát trước cũng là thời điểm “Quỷ đỏ” đã chấp nhận bán đi linh hồn của mình.
Những bản hợp đồng đắt đỏ như Falcao, Di Maria, Rojo, Shaw, Herrera và Blind đã khiến MU trở thành đội bóng bạo chi thứ hai lịch sử chỉ ở một kỳ chuyển nhượng. Chỉ Real xếp trên họ khi “đốt” 195 triệu bảng trong mùa hè 2009 để mang về Ronaldo, Kaka, Alonso và Benzema. MU đã chuyển niềm tự hào về truyền thống đậm chất Anh của mình sang sự tôn sùng sức mạnh của đồng tiền.
MU liên tiếp thực hiện những "bom tấn" trong kỳ chuyển nhượng Hè vừa qua
Nền tảng mà Sir Alex từng dày công gây dựng nhiều năm qua giờ đang trên đà đổ vỡ. Rất nhiều cầu thủ trẻ vốn là sản phẩm cây nhà lá vườn của MU thậm chí đã phải ra đi mà chưa từng một lần ra mắt đội 1: Tom Lawrence đến Leicester, Michael Keane bị đẩy sang Burnley.
Ngoài ra, Danny Welbeck, một công dân Manchester chính hiệu bị bán tháo sang Arsenal. Tom Cleverley cũng về với Aston Villa và nhiều khả năng sẽ không bao giờ quay lại.
NHM “Quỷ đỏ” luôn tự hào khi nhắc đến kỷ nguyên của Sir Matt Busby hay Sir Alex, thời điểm mà MU đã cho ra lò những lứa cầu thủ “cây nhà lá vườn” xuất chúng nhất. “Những đứa trẻ của Matt Busby” hay “Thế hệ 1992” của Sir Alex bây giờ chỉ còn là những hoài niệm đẹp.
MU sẽ không còn sản sinh thêm được một lứa cầu thủ xuất chúng nào như thế nữa một khi họ đã chấp nhận đẩy đi những người trẻ để nhường đất cho các ngôi sao đắt giá.
Chất Anh ngày càng mai một
Trong 6 tân binh mà Van Gaal mang về Old Trafford mùa hè này, chỉ Luke Shaw là người Anh. Thời điểm này, đội bóng đang có nhiều trụ cột trong đội 1 là cầu thủ nước ngoài nhất trong lịch sử tồn tại của mình (tổng cộng 17 người). Trong chiến thắng 4-0 trước QPR cuối tuần trước, chỉ có vỏn vẹn 2 cầu thủ người Anh ra sân thi đấu trong đội hình của MU là Wayne Rooney và Tyler Blackett.
MU dưới thời Van Gaal đang mất đi bản sắc
Đó là con số đáng báo động nếu so với 6 cầu thủ Anh ra sân trong chiến thắng 3-0 trước Aston Villa vào tháng 4/2013, trận thắng mang về danh hiệu Premier League gần nhất cho MU. Thậm chí, đầu mùa giải 2012/13, trong chiến thắng 3-2 trước Man City đã có tới 8 cầu thủ người Anh ra sân thi đấu trong màu áo “Quỷ đỏ”.
Trước đây, việc sở hữu những tuyển thủ Anh và một triết lý trọng dụng người trẻ vốn là những biểu hiện làm nên bản sắc cho MU. Nhưng nay mọi thứ đã ngày càng hao mòn.
Van Gaal đang ứng dụng một chiến thuật đòi hỏi nhiều hơn hàm lượng kỹ thuật. Điều đó đồng nghĩa với việc cơ hội dành cho các cầu thủ Anh, lâu nay vốn không sở hữu nền tảng kỹ thuật tốt, sẽ ngày càng ít hơn. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ed Woodward thậm chí đã từng mạnh miệng tuyên bố: “Chúng tôi có thể mang về một cầu thủ như Luis Suarez mỗi mùa hè”.
MU đang bước vào thời kỳ chuyển giao mạnh mẽ. Những xung đột giữa cái cũ và cái mới là không tránh khỏi. Nhưng hơn lúc nào hết, đội bóng cần phải có một mỏ neo để giữ mọi thứ không đi chệch quỹ đạo quá xa.
Một ông thầy giỏi như Van Gaal, một dàn sao mới đã biết cách tỏa sáng (Di Maria, Herrera, Blind, Rojo) có thể mang về thêm nhiều chiến thắng mới cho MU. Nhưng phải chăng cái giá của nó là việc tự đánh mất bản sắc của mình, thứ mà Sir Alex mất gần 3 thập kỷ để giữ gìn?