MU và truyền thống nuôi “gà nhà”: Tái tạo thế hệ 92 chỉ là ảo mộng?
MU có lẽ sẽ lại quay về với chính sách tin dùng cầu thủ trẻ sau những "bom tấn" thất bại thảm hại?
Trở lại truyền thống?
Tương lai của MU có vẻ rất ảm đạm sau thất bại trong mùa giải 2018/19. Không danh hiệu, thay HLV trưởng giữa chừng, không vé Champions League, đối phó với một dàn cầu thủ đắt tiền lương cao nhưng thi đấu tệ hại. Người ta tất nhiên thắc mắc liệu MU sẽ đi theo con đường nào sau những biến cố vừa qua.
MU tốn quá nhiều tiền cho Sanchez và Lukaku nhưng chỉ thu lại sự thất vọng
Tiếp tục chính sách “bom tấn”, đón về những cầu thủ đắt giá, có lẽ không còn là điều MU muốn làm sau khi thấy những Alexis Sanchez hay Romelu Lukaku khiến họ phiền toái thế nào. Nhưng phải chăng tin dùng những cầu thủ trẻ, nhất là những người được CLB đào tạo, sẽ là chìa khóa để khởi đầu cho công cuộc tái thiết?
MU là một CLB có lịch sử trọng dụng nhân tài do đội bóng nuôi dưỡng, kéo dài từ tận thời Sir Matt Busby ở giữa thế kỷ XX. Sir Alex Ferguson tiếp nối truyền thống đó với “thế hệ 92” lừng danh của những Beckham, Scholes, Giggs và Neville. Đến nay CLB vẫn đang tiếp tục có những cầu thủ “gà nhà” trong đội hình như Marcus Rashford, Jesse Lingard, Andreas Pereira hay Scott McTominay.
Truyền thống đó đã trải dài suốt lịch sử CLB và đưa “Quỷ Đỏ” tới những kỷ nguyên thành công nhất, vậy hẳn đây sẽ là phương pháp khả dĩ nhất để MU dựa vào nhằm hồi sinh sau những năm bĩ cực thời hậu Sir Alex?
Rashford và McTominay
Thực tế không đơn giản vậy, trong lịch sử bóng đá không chỉ MU mà Barcelona, Ajax và một số đội bóng khác cũng có những học viện bóng đá hết sức thành công trong việc đào tạo trẻ, và có những CLB đã chiến thắng nhờ tin dùng lứa cầu thủ mình đào tạo. Nhưng không phải cứ đào tạo là sẽ có kết quả.
“Thế hệ vàng” của Barcelona với những Messi, Xavi, Iniesta, Busquets, Pique, Puyol đều được CLB nuôi dưỡng căn cứ vào một triết lý bóng đá đã được gây dựng từ rất lâu và thấm nhuần bởi tất cả các học viên. Ajax, CLB đã góp phần “xuất khẩu” triết lý đó sang Barcelona, đã từng tạo ra một thế hệ 1995 rất nổi tiếng và nay họ lại có đội hình trẻ mùa này vào bán kết Champions League.
Con đường mập mờ
Nhưng không có CLB nào có thể dựa hoàn toàn vào “gà nhà” nếu không có đường lối rõ ràng. Barca đã có sẵn những cầu thủ còn trẻ nhưng rất chất lượng, lại phù hợp với phong cách bóng đá của CLB. Việc của họ là lấp vào các vị trí còn trống bằng những cầu thủ đi mua bên ngoài phù hợp triết lý đó hoặc phục vụ những nhu cầu khác của HLV, những người có trình độ hơn hẳn các học viên của họ.
Thế hệ vàng của Barca cũng có những cầu thủ được mua như David Villa
Không chỉ Barca thế hệ Xavi & Messi, Real Madrid nửa cuối những năm 1980 đã có một thế hệ “Kền kền” gồm nhiều cầu thủ trưởng thành từ đội trẻ của CLB. Họ đoạt 5 chức vô địch La Liga liên tiếp, không chỉ nhờ những cầu thủ này mà còn vì bỏ tiền mua ngoài mà tiêu biểu là trung phong Hugo Sanchez.
Hiện tại định hướng của MU là như thế nào? Họ muốn một thứ bóng đá thực dụng hay tấn công đẹp mắt? Chơi kỹ thuật hay nặng về thể lực? Phối hợp bóng sệt hay tạt cánh đánh đầu? Một khi đã làm rõ tư tưởng lối chơi thì việc tin dùng các cầu thủ trẻ mới hiệu quả hơn. MU đã khá loạn về chiến thuật trong những mùa giải qua và các cầu thủ trẻ được đưa lên chẳng ai thể hiện được một phong độ đủ ổn định để được đánh giá là hàng đầu ở Premier League.
Các CLB lớn trên thế giới không xem học viện là trách nhiệm mà họ phải dựa dẫm vào, Bayern Munich nổi tiếng về đào tạo cầu thủ trẻ nhưng bây giờ cũng không cho họ có cơ hội dễ dàng lọt vào đội hình 1. Thi đấu trong bóng đá cũng như chiến tranh vậy, kẻ thắng trước nhất là nhờ những binh lính/cầu thủ giỏi. Nếu những sao trẻ MU không phải là những người giỏi, MU không bắt buộc phải cố tạo ra một “thế hệ 92” tiếp theo.
MU đang thiếu đi một thủ lĩnh hàng phòng ngự và Solskjaer cần biết phải làm gì.