MU và nỗi đau chuyển nhượng: Giàu nhất nhưng chưa phải lý tưởng nhất
Từ bao giờ các manucian phải hài lòng với những danh hiệu hạng hai? Từ khi nào MU phải chờ đợi cầu thủ từ các đội khác thải loại để chiêu mộ? Và từ khi nào “Quỷ đỏ” đã không còn là điểm đến hấp dẫn nhất trong mắt các ngôi sao?
Kể từ sau khi Sir Alex giải nghệ, MU đã không còn là đội bóng có sức hút ở mỗi kỳ chuyển nhượng. Mặc dù Mourinho đã xuất hiện và BLĐ đội bóng không tiếc tiền chiêu mộ ngôi sao nhưng mọi chuyện vẫn còn nhiều khó khăn. Hãy cùng tìm hiểu về vấn đề này qua loạt bài "MU và nỗi đau chuyển nhượng" bắt đầu từ 4/7! |
Video đội hình tin đồn mùa chuyển nhượng của MU (nguồn VTV):
Mọi đội bóng lớn đều đã trải qua những giai đoạn thăng trầm. Và chuyển nhượng là bộ mặt phản ánh sự thăng trầm đó. Đã có thời kỳ Bayern Munich phải mua Javi Martinez, khi đó còn là sao hạng B, với giá trên 40 triệu euro. Real từng trải qua giai đoạn 5 năm liền không qua nổi vòng 1/16 Champions League, đành cắn răng ném tiền qua cửa sổ chuyển nhượng.
Barcelona sở hữu bộ ba nguyên tử Henry - Eto’o - Messi, chỉ bởi Real Madrid thải loại “Báo đen” cho Mallorca. Và bây giờ, MU đang ở trong giai đoạn đen tối đó…
Những đội bóng hùng mạnh nhất, từ Bayern đến Barca đều có lúc phải trải qua giai đoạn thăng trầm
Người giàu cũng khóc
Sir Alex từng chỉ trích cái cách Man City xây dựng thành công. Ở thời điểm mới trỗi dậy, nhờ nguồn lực tài chính tưởng chừng vô tận của các ông chủ Ả-rập, Man xanh ném vào thị trường chuyển nhượng những quả bom tiền. Trong mắt “Ông già gân”, Man City chỉ là “gã hàng xóm ồn ào”.
Thế rồi kể từ khi Sir Alex nghỉ hưu, MU đi vào vết xe đổ mà nhà cầm quân huyền thoại người Scotland khinh miệt. Năm đầu tiên với David Moyes, MU hoàn toàn tê liệt trên thị trường chuyển nhượng. Mùa hè 2014, Fellaini là tân binh duy nhất cho dù “Người được chọn” đã cố gắng mang về những Gareth Bale hay Toni Kroos.
Morata và James đều chỉ tìm đến MU sau khi không thể tìm thấy tương lai ở Real
Với Van Gaal, tình hình có biến chuyển đôi chút. Hai quả bom tấn trong năm đầu tiên là Falcao và Di Maria mang đến sự phấn khích cho các manucian. Song rốt cuộc đó lại là những mối nghiệt duyên tạo ra bi kịch. Dưới thời “Tulip thép”, MU chuyển nhượng có chọn lọc, phục vụ triết lý của nhà cầm quân người Hà Lan. Dù vậy, Ander Herrera, Shaw, Depay khi đó chỉ là những cầu thủ thuộc dạng tiềm năng, không phải siêu sao thứ thiệt.
Cho đến khi Jose Mourinho tiếp quản Old Trafford, nơi đây đã trở thành một đống đổ nát hoang tàn. MU chỉ có sức hút trở lại dựa trên danh tiếng của “Người đặc biệt”. Tuy nhiên, “Quỷ đỏ” trở nên yếu thế trên bàn đàm phán và luôn bị đối tác ép giá. Thương vụ Paul Pogba là một ví dụ.
Cho dù Real Madrid luôn sẵn sàng ném ra những khoản tiền điên rồ, nhưng với người Madrid, Pogba không xứng đáng với con số 89 triệu bảng. Bản thân HLV Allegri cũng nói rằng ông không níu giữ tiền vệ người Pháp dù chỉ một lời khi nghe thấy con số ấy.
Có thể trong tương lai gần, Pogba sẽ bật lên hàng siêu sao nhưng ở thời điểm hiện tại, anh chỉ thực sự là cầu thủ giỏi của MU mà thôi. Đừng nói chuyện Bóng vàng xa xỉ, Paul thậm chí còn không có tên trong đội hình tiêu biểu của Ngoại hạng Anh mùa trước.
Ánh hào quang đã tắt
Trong thời đại hoàng kim của Sir Alex, MU không bao giờ rơi vào thế bị động. Năm 2011, “Quỷ đỏ” chấp nhận để Samir Nasri - một ngôi sao sáng giá của Ngoại hạng Anh thời điểm đó, đến với kình địch Man City. Lý do chỉ đơn giản vì Sir Alex quyết không nhượng bộ người đại diện của tiền vệ người Pháp với yêu cầu lót tay 5 triệu bảng. Vậy mà giờ đây, Mino Raiola nhận được 20 triệu bảng (theo tiết lộ của Football Leak là hơn 40 triệu bảng).
MU giờ đây bị các đối tác ép giá trên bàn đàm phán
Vấn đề ở chỗ, mặc dù MU sẵn sàng chi ra hàng trăm triệu bảng cho một cầu thủ, những siêu sao hạng A lại không thực sự mặn mà với viễn cảnh độ bộ xuống Old Trafford. Ví dụ, khi Real chấp nhận để MU trao đổi cầu thủ trong thương vụ De Gea, HLV Mourinho muốn một trong ba cái tên: Kroos, Varane hoặc Bale. Tuy nhiên, những cái tên kể trên đều từ chối MU để ở lại Real.
Những quả bom tấn dự kiến sẽ kích hoạt gồm Alvaro Morata và James Rodriguez, trên thực tế chỉ chấp nhận rời Real do không thể cạnh tranh vị trí. Tóm lại, MU chỉ có thể chiêu mộ những siêu sao trên ghế dự bị của “Kền kền trắng”.
Mùa hè năm 2009 sau khi đưa về dàn Galacticos 2.0, Real thải loại Sneijder, Robben, Huntelaar, Van Nistelrooy, Canavaro, Negredo… Đó đều là những cầu thủ chất lượng song Sir Alex không mang về bất cứ cái tên nào. Sau này, khi Sneijder trở thành số 10 hàng đầu thế giới tại Inter Milan, “Máy sấy tóc” mới gia nhập cuộc đua (dù rằng thất bại).
Với Sir Alex, MU luôn phải giữ cho mình tâm thế đội bóng hàng đầu và Old Trafford không có chỗ cho những cầu thủ hạng hai. 5 năm là một khoảng thời gian đủ dài để nhiều truyền thống trở thành dĩ vãng và các manucian phải tập quen với điều đó, cho đến khi MU tìm lại ánh hào quang xưa cũ...
Top 10 hợp đồng chuyển nhượng (CN) đáng chú ý của MU |
|||
Sir Alex |
Thời hậu Sir Alex |
||
Cầu thủ |
Giá trị CN (triệu bảng) |
Cầu thủ |
Giá trị CN (triệu bảng) |
Dimitar Berbatov |
30,75 |
Paul Pogba |
89 |
Rio Ferdinand |
30 |
Angel di Maria |
59,7 |
Juan Veron |
28,1 |
Anthony Martial |
44 |
Wayne Rooney |
27 |
Juan Mata |
37 |
Van Persie |
24 |
Victor Lindelof |
32 |
Trong lịch sử chuyển nhượng của mình, MU đã từng không ít lần phải ngậm đắng nuốt cay chứng kiến những mục tiêu sáng giá từ bỏ đội bóng vì nhiều lý do. Hãy cùng đón đọc P2 vào lúc 0h ngày 5/7!
Đối diện tình trạng chuyển nhượng trì trệ của MU, Mourinho vô cùng điên tiết.