MU và câu chuyện không hồi kết: "Quỷ đỏ" có còn là một đội bóng?
MU không hề bỏ lỡ cơ hội ghi bàn trong trận hòa Aston Villa 0-0. Lý do: họ làm gì có cơ hội mà bỏ lỡ! Chỉ số xG, tức “bàn thắng được chờ đợi” của tổng cộng 10 pha dứt điểm, chỉ là 0,4. Có nghĩa: bình quân mỗi lần bắn phá khung thành của cầu thủ MU chỉ có 4% hy vọng thành bàn – có cũng như không. Đấy không bao giờ là cơ hội.
Video MU hòa Aston Villa:
Vì sao MU chưa sa thải Ten Hag?
Bây giờ là đề tài tổng quát hơn: vì sao MU chưa sa thải HLV, sau cú khởi đầu tồi tệ đến mức xấu hổ trong mùa bóng này? Câu trả lời có lẽ vẫn vậy: Họ… có HLV đâu mà sa thải!
Thực tế, đấy chỉ là một cách nói. Cựu danh thủ MU, Paul Scholes từng nói như thế, sau trận MU thua Tottenham 0-3 cách đây không lâu. Cụ thể: “MU trông như một đội bóng không có HLV”. Bình luận của Scholes hẳn nhiên là có lý, dù đây là câu chuyện không nhất thiết phải rạch ròi đúng/sai. Suy cho cùng, bóng đá là môn thể thao của hàng trăm cách nhìn nhận khác nhau.
Ten Hag đang đối mặt tương lai bất ổn
Trên nguyên tắc, làm khách và thủ hòa với một đội bóng thuộc “top 5”, đang dự Champions League (chẳng những thế, Villa vừa thắng Bayern Munich 1-0 ở Champions League), là một thành tựu nhất định. Với MU, hòa 0-0 là kết quả không đến nỗi tồi. Nhưng, vấn đề ở đây là MU trông ngày càng… chán.
Đấy là đội bóng không có lối chơi, không đem lại hy vọng. “Tấn công đi. Tấn công đi. Tấn công đi”, những người hâm mộ theo chân MU đến sân Villa Park gào lên một cách tuyệt vọng khi thủ môn Andre Onana tỏ vẻ câu giờ bằng cách trì hoàn một quả giao bóng ở phút 85. Xin nhắc lại: đấy là thời điểm cuối trận, trong hoàn cảnh MU cần thận trọng, không thua tức là họ đã thắng. Giới hâm mộ MU tuyệt vọng ở chỗ: Thua cũng được, chẳng thà tấn công để còn có cái mà xem.
Không có cơ hội để bỏ lỡ? Không có HLV (coi như thế) để phải nghiêm túc bàn chuyện sa thải? Xin thưa, còn có một câu hỏi bao trùm hơn nữa! MU có còn thật sự là… một đội bóng? Cũng chẳng đến nỗi là chuyện điên rồ, nếu ai đó phán rằng MU bây giờ không còn là một đội bóng đích thực.
Vào năm 2005, sau nhiều lần gia tăng cổ phần, gia đình Glazer chính thức nắm quyền sở hữu CLB MU. Hàng ngàn cổ động viên biểu tình phản đối bên ngoài SVĐ Old Trafford. Họ tuyên bố đoạn tuyệt với CLB giàu truyền thống này, tự lập ra một “Manchester United” khác (vì vấn đề pháp lý, đội bóng này rốt cuộc phải hài lòng với tên gọi chính thức FC United of Manchester).
Đội này hiện vẫn đang hoạt động, chơi bóng ở một đẳng cấp tạm gọi là hạng Bảy trong cấu trúc của bóng đá Anh. Trong khi đó, gia đình Glazer (người Mỹ) không chút giấu giếm: họ… vay ngân hàng để mua lại CLB MU.
Ten Hag khiến BLĐ MU đau đầu trong việc đưa ra quyết định giữ lại, hay sa thải?
MU có tìm được HLV giỏi hơn nếu sa thải Ten Hag?
Vấn đề ở đây chẳng phải là nhà Glazer có bao nhiêu tiền. Đấy là câu chuyện kinh doanh thuần túy. MU được định giá 790 triệu bảng vào năm 2005. Bây giờ, theo Forbes (vào năm 2024) thì giá trị của MU là 5,2 tỷ bảng. Đấy dĩ nhiên là một đội bóng. Nhưng, quan trọng hơn, MU là… công cụ kinh doanh của nhà Glazer.
Mỗi lần MU thay HLV là một lần giá trị đội bóng biến động. Và hãy nhìn lại giá trị của “công cụ kinh doanh” khủng khiếp kia để tự trả lời: nhà Glazer muốn bình ổn giá trị của “món hàng” mà họ sở hữu, hay muốn MU chiến thắng trên sân cỏ. Đấy là chưa kể, các ông chủ MU biết “quả bóng có mấy múi” hay không!
Vẫn như mọi khi, giới thạo tin trưng ra vài con số (kể cũng hơi lớn), đại khái là MU phải tốn kém bao nhiêu để bồi thường hợp đồng cho Erik Ten Hag, thuê HLV mới, rồi lại phải chi tiền để HLV mới mua sắm cầu thủ ưng ý… Đúng, MU không muốn, hoặc chưa thể sa thải HLV Ten Hag vì chẳng ai muốn tốn tiền. Nhưng, quan trọng hơn, làm gì mà nhà Glazer phải đau đáu với chuyện thắng, thua của MU trên sân cỏ.
Đấy cũng là nguyên nhân quan trọng khiến MU dù có sa thải Ten Hag thì cũng chẳng dễ kiếm được HLV giỏi thay chỗ. Ai là người sẽ quyết định sa thải Ten Hag, hoặc chọn HLV mới? Tỷ phú Anh Jim Ratcliffe, sở hữu 27% cổ phần và xem ra là nhân vật mặn mà nhất với khía cạnh bóng đá trong hàng ngũ thượng tầng ở MU, gần đây tuyên bố chính ông không phải là người quyết định.
Trước đây, MU có Phó Chủ tịch điều hành Ed Woodward, quyết định toàn bộ vấn đề chuyên môn. Nhân vật ấy đã “cao chạy xa bay” sau bao nhiêu năm làm cho MU trì trệ.
Liệu sẽ có lời chia tay với Ten Hag?
Giới hâm mộ MU nhớ đến 2 bàn liên tiếp trong thời gian đá bù để thắng ngược Bayern Munich trong trận chung kết Champions League. Họ nhớ câu chuyện Ole Gunnar Solskjaer vào sân từ ghế dự bị và… ghi 4 bàn. Họ còn đọc hoặc nghe kể MU gượng dậy sau thảm họa hàng không Munich 1958, và trở thành CLB Anh đầu tiên đoạt cúp C1 châu Âu. Đấy là “phần hồn” của một CLB trứ danh, mà người ta không chỉ hâm mộ suốt đời mà còn hâm mộ qua nhiều thế hệ trong gia đình.
MU bây giờ ghi bàn chỉ bằng phân nửa so với đội chót bảng ở Premier League (Wolverhampton ghi 9 bàn, M.U ghi 5 bàn sau 7 vòng đấu). Họ đang đứng ở vị trí thấp nhất trong lịch sử tham dự Premier League, với số bàn thắng thấp nhất trong nửa thế kỷ ở giải VĐQG Anh.
Cứ đá 5 trận thì có 1 trận đội bóng do HLV Ten Hag dẫn dắt thủng lưới 3 bàn trở lên. Số trận thua 3 bàn trở lên của Ten Hag (23 lần trong 123 trận) tương đương số trận như thế của 4 “HLV thất bại” cộng lại (Jose Mourinho, Louis Van Gaal, David Moyes, Ralf Rangnick: 24 lần trong 327 trận).
Liệt kê tội vạ của Erik Ten Hag cũng chẳng để làm gì. Sa thải hay không thì MU cũng chẳng khá nổi, bởi MU đã thật sự tầm thường dưới tay Ten Hag suốt mùa trước rồi. Bao đời HLV khác, sau thời Alex Ferguson, cũng đều thất bại. Tất cả cũng vì MU bây giờ không còn là một đội bóng thực sự nữa. Đội bóng này đã bị bán đi cái phần hồn từ năm 2005. Giới chủ MU mà thật sự quan tâm bóng đá, họ đã phải thay Ten Hag từ mùa hè vừa qua rồi chứ!
Nguồn: [Link nguồn]
Đã 5 trận liên tiếp MU không thắng trên tất cả các đấu trường. Phần đông người hâm mộ “Quỷ đỏ” thực sự mong muốn một cuộc thay đổi trên băng ghế huấn...