MU và bài toán hồi sinh nan giải: Ed Woodward không phải là "tội đồ" duy nhất
MU đã không còn là đội có khả năng tranh chức vô địch Anh từ khi Sir Alex nghỉ hưu.
Từ bỏ tư tưởng cũ
MU sẽ hồi sinh theo cách nào? HLV Ole Gunnar Solskjaer mùa này đang tích cực đôn các ngôi sao trẻ lên, và dùng sao trẻ được xem là một bản sắc đặc trưng của “Quỷ Đỏ”, nhưng thành tích của CLB vẫn chưa tiến triển. Và thực tế đó cũng không thể được xem là một chiến lược đúng đắn.
Trọng dụng sao trẻ không nên được xem là chiến lược duy nhất để hồi sinh của MU
Sự thay đổi chiến lược là điều quan trọng nhất vào lúc này cho MU và điều đó không thể đến với một HLV trưởng. MU là một trong số những CLB Anh đến lúc này vẫn chưa có giám đốc thể thao, họ vẫn giữ tư tưởng kiểu Anh rằng đội bóng nên thống nhất một đường lối theo ý của HLV trưởng và do đó vị trí giám đốc thể thao không cần thiết.
Họ coi thành công của những Sir Matt Busby và Sir Alex Ferguson là hình mẫu noi theo, khi mà quyền lực của đội bóng tập trung hoàn toàn vào tay HLV trưởng. Quả thực họ đã rất thành công, nhưng hãy nhìn vào lịch sử MU: 56 trên tổng số 66 danh hiệu của CLB được thâu tóm bởi chỉ 3 HLV trưởng (Busby, Ferguson và Ernest Mangnall giai đoạn 1903-1912), các HLV còn lại nhiều lắm chỉ đoạt 3 cúp. Ngoài 3 HLV đó thì không ai đoạt một chức vô địch Anh.
Đi theo quan điểm cũ có nghĩa MU sẽ phải đợi khá lâu để một HLV xây dựng đội bóng đúng như ý mình và sau đó mới thâu tóm danh hiệu, và ban lãnh đạo phải kiên nhẫn chờ đợi. Nhưng trong bối cảnh bóng đá hiện đại thì không thể, nhà Glazer đã sa thải 3 HLV kể từ khi Sir Alex giải nghệ khi sức ép thành tích ngày nay quá lớn bởi nó đi kèm những ràng buộc tài chính.
David Gill góp sức cho Sir Alex Ferguson trước khi cả hai cùng rời MU năm 2013
Nếu ban lãnh đạo MU tin vào mô hình cũ nhưng lại đi theo nó một cách nửa vời (điển hình qua việc sa thải HLV khá nhanh) thì đã đến lúc rào cản phải được phá bỏ để một giám đốc thể thao lên nắm quyền. Các CLB lớn tại châu Âu đã đi theo mô hình này từ tận giữa thế kỷ trước nên kể cả khi họ phải thay HLV thì đường lối vẫn không xáo trộn, thậm chí HLV chỉ được chọn nếu đồng ý đi theo con đường vị giám đốc thể thao vạch ra.
Nhập nhằng quyền lực
Barcelona, Real Madrid, Juventus, Bayern Munich đều rất thành công với sự ổn định trên ghế giám đốc thể thao, Inter Milan mùa này hồi sinh với sự hiện diện của Beppe Marotta, và một số không nhỏ trụ cột Liverpool được Michael Edwards đưa về trước cả khi Jurgen Klopp tới dẫn dắt (Roberto Firmino, James Milner, Jordan Henderson, v.v...). Vậy vì sao MU không chịu theo?
Phó chủ tịch Ed Woodward được xem là người phụ trách chuyển nhượng tại MU và do đó đã bị đổ lỗi rất nhiều cho sự sa sút của CLB. Nhưng có một cuộc phỏng vấn hồi cuối tháng 10/2019 của Woodward đã tiết lộ rằng cả ông, cả HLV trưởng và thậm chí cả trưởng nhóm tuyển trạch đều có quyền phủ quyết với bất cứ thương vụ mua bán nào.
Mâu thuẫn Mourinho - Woodward gây rất nhiều phiền toái tại MU
Đó là một thực trạng giật mình: Nhóm tuyển trạch phải là dưới quyền và phục vụ cho ý muốn của giám đốc thể thao. Nếu Mourinho muốn Pogba vì chuyên môn và Woodward gật đầu vì Pogba có sức hút thương mại, chẳng lẽ nhóm tuyển trạch bảo “Pogba phòng ngự kém” là thương vụ bị dập tắt? Vì sao họ lại có được quyền lực như vậy?
Cách giải thích duy nhất cho sự ngược đời này là bởi bản thân Ed Woodward không có kiến thức về bóng đá và cần đến đội tuyển trạch cung cấp thông tin cũng như tham vấn xem mua/bán ai. Và khi quyền lực được trao vào tay nhóm này thì cũng có nghĩa Woodward không hoàn toàn tin vào HLV trưởng.
Cấu trúc quyền lực của MU rất yếu kém và họ cần sửa đổi. Không chỉ đưa Ed Woodward sang tập trung hoàn toàn vào thương mại và thuê một giám đốc thể thao thực thụ, họ còn cần phải phá bỏ quyền phủ quyết của đội tuyển trạch và thậm chí thay đổi đội này nếu năng lực không đáp ứng yêu cầu. Khi tuyển quân tốt thì MU sẽ đá tốt lên không ít thì nhiều.
Nguồn: [Link nguồn]
Nỗi ám ảnh mang tên Pochettino ngày càng lớn, không chỉ với HLV Solskjaer.