MU thua đau phút cuối: Sự tương phản của "Fergie Time" và "Jose Time"
Chỉ trong 1 tuần MU đã thủng lưới 2 lần trước đối thủ yếu hơn ở các phút bù giờ, thậm chí thủng lưới khi đang đá hơn người.
Một tuần MU thủng lưới 2 lần ở phút bù giờ
MU chỉ trong một tuần đã 2 lần thủng lưới ở các phút bù giờ. Sau khi bị Korey Smith ghi bàn ở phút cuối cùng giúp Bristol City đá văng ra khỏi League Cup, MU lại để Harry Maguire đốt lưới ở phút 90+4. 2 trận MU đều bị thủng lưới trong thời gian đá bù giờ hiệp 2, và nếu tính cả mùa giải, đây là lần thứ ba họ lọt lưới trong khoảng từ phút 89 đổ lại, bao gồm trận thua Basel 0-1 ở vòng bảng Champions League.
MU lần thứ 2 trong tuần thủng lưới ở phút bù giờ
Khoảng thời gian đó hay được gọi là “Fergie Time” vì thói quen chiến thắng vào những phút chót của MU dưới thời Sir Alex Ferguson. Fergie Time là lúc MU ở vào giai đoạn phiêu lưu nhất của trận đấu: Cường độ tấn công tăng vọt, bóng liên tục dồn vào vòng cấm, các mũi nhọn ghi bàn đều đổ dồn vào cầu môn đối phương và tung ra tới tấp những cú dứt điểm.
Nhưng MU khi lọt lưới 2 bàn ở 2 trận đấu trong tuần là một MU mong manh nhất. Hòa 1-1 ở phút 90, MU đá chần chừ và thủ môn Sergio Romero còn định câu giờ trước đội hạng dưới Bristol City. Dẫn 2-1 và đã chơi hơn người so với Leicester, tiền đạo MU bỏ lỡ 3 pha 1-chọi-1 với Kasper Schmeichel trước khi hàng thủ đổ sụp ở pha bóng cuối cùng.
Người ta nói Jose Mourinho là một HLV lớn, một người đã chiến thắng ở bất cứ đâu ông đặt chân đến. Nhưng MU của Mourinho chỉ trong 1 tuần đã thể hiện bộ mặt nhút nhát trước 2 đối thủ dưới cơ (thậm chí có lúc có lợi thế quân số), và hậu quả là ăn đòn ở cuối trận. MU của Ferguson can đảm và quyết tâm bao nhiêu, thì MU của Mourinho lại run rẩy sợ hãi bấy nhiêu khi bước vào Fergie Time.
Rashford có thể kết liễu Leicester với một cú chọc khe, nhưng lại giữ bóng rồi chuyền về
Không có gì tồi tệ hơn bằng những trò câu giờ cũ rích. Thậm chí khi bước vào phút 90+3 của trận gặp Leicester, Marcus Rashford có bóng bên cánh trái và chỉ cần một cú chọc khe vừa lực là Romelu Lukaku sẽ đối mặt với thủ môn Schmeichel. Nhưng thực tế Rashford giữ bóng khoảng 1 giây, chuyền lại cho Pogba, rồi Matic, rồi MU mất bóng.
Không chỉ Rashford, Martial rồi Lingard bỏ lỡ trước khung thành rộng mở, Rashford quá chậm trong pha đối mặt, và Mkhitaryan lại quyết định không sút khi (lại) đối mặt thủ môn. MU có một tá cơ hội kết liễu trận đấu nhưng tự mở đường cho Leicester bật lại.
Giữ bóng liệu có quá khó cho các cầu thủ MU? Những phút cuối họ chỉ việc chơi bình tĩnh và đôi lúc câu giờ một chút là có thể an toàn cầm về 3 điểm. Rashford ở phút 90+3 cũng có thể đưa bóng đến gần cột phạt góc và giữ bóng ở đó chờ thời gian trôi hết.
Khoảng thời gian MU thủng lưới nhiều nhất tại Premier League | |||||
0-15 phút | 16-30 phút | 31-45 phút | 46-60 phút | 61-75 phút | 76-90 phút |
1 | 2 | 3 | 3 | 1 | 4 |
Nhà báo Simon Kuper đã từng tạo ra một thuật ngữ về bóng đá Anh có tên “Hội chứng Dunkirk”. Những ai xem bộ phim Dunkirk (về Thế chiến thứ Hai) ra rạp trong năm nay có lẽ biết, quân Anh rút về Dunkirk cố thủ trước quân Đức quốc xã đang tiến đánh ồ ạt, kết quả quân Anh thương vong 68.000 người trong khi quân Đức chỉ thiệt khoảng 2 vạn.
Kuper cho rằng nhiều đội bóng cũng rất thụ động rút về tử thủ kiểu Dunkirk, dựa vào số đông ở sân nhà lẫn sự dũng cảm để bảo vệ khung thành. Chiến thuật đó đã trở nên lỗi thời bên ngoài nước Anh từ những năm 1980 và Jose Mourinho chẳng khác gì một loài khủng long tuyệt chủng của bóng đá khi áp dụng lối chơi đó, nhất là trong thế hơn người và có đội hình mạnh hơn.
Từ chỗ Fergie Time là “đặc sản” của MU, nay người ta có “Jose Time” là lúc MU ăn đòn ở phút bù giờ. Sir Alex Ferguson chắc cũng phải lắc đầu ngán ngẩm vì sự đổi thay của đội nhà bây giờ.
Khán giả truyền hình chứng kiến hai cầu thủ MU cãi nhau trước khi thủng lưới.