MU thay 5 HLV sau Sir Alex: Đập bỏ "chu kỳ" 3 năm, cần tin vào "độc tài" Rangnick
MU cần cắn răng mà xây lại và Rangnick cần nhiều thời gian hơn người ta tưởng.
Tướng mới lên đã gặp "bão tố"
Những ngày qua tin đồn lục đục nội bộ ở MU đang bay phấp phới khắp các mặt báo, rằng HLV Ralf Rangnick không được lòng một số cầu thủ, và thậm chí Luke Shaw lẫn Scott McTominay đã lên tiếng về tính gắn kết của đội. Đây là dấu hiệu đáng sợ với một tập thể, bởi có vẻ có ai đó trong đội hình MU đã tuồn những tin này ra ngoài theo phong cách Iker Casillas.
Đây không giống một tập thể hòa thuận với nhau
Sau mỗi kết quả không tốt các fan MU sẽ lại bày tỏ sự không hài lòng trên mạng xã hội và trận thua Wolverhampton vừa qua không ngoại lệ. Nhưng có luồng ý kiến cho rằng Ralf Rangnick không thực sự đủ năng lực để dẫn dắt đội bóng này, thậm chí nói ông như “Ole thứ hai”. Họ bực hơn khi Rangnick sau trận đã nói thẳng rằng rất khó để MU tranh được top 4 mùa giải này.
Fan MU hẳn là vẫn nghĩ đội bóng của họ đủ năng lực và đủ thời gian để vực dậy cơ hội đoạt vé dự Champions League mùa sau, rằng một đội bóng như MU phải được dự Cúp C1. Từ những ví dụ như Juventus 1998/99 hay Chelsea 2015/16, fan MU nên biết không có đại gia nào miễn nhiễm với những cú “đổ đèo” thảm hại, mà hai đội bóng vừa đề cập đều sa sút ngay sau chức vô địch quốc gia chứ không gần một thập kỷ như MU.
Juventus của Zidane mùa 1998/99, mùa trước vô địch và mùa sau tụt xuống tận thứ 7
Đổ lỗi cho HLV thì dễ nhưng Rangnick đã có bao nhiêu thời gian ở MU? Gần 40 ngày, không có đội bóng nào có thể tiến bộ với một HLV trưởng mới chỉ dẫn dắt có 40 ngày dù tài năng của HLV đó lớn tới cỡ nào. Đó là chưa nói Rangnick tiếp quản CLB ở giữa mùa giải, không lâu sau đó sân tập Carrington đóng cửa vì bùng phát dịch Covid-19 và mới tuần qua ông mới được có một buổi tập đầy đủ.
Sa thải HLV trưởng đã luôn được xem là giải pháp ngắn hạn để sửa chữa tình hình và MU đã làm điều đó quá nhiều kể từ khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu. Nhưng qua 5 đời HLV và vẫn chưa thấy thành tích đội đến gần một chức vô địch quốc gia hay Champions League, MU giờ phải nhìn thẳng vào chính cách điều hành của mình chứ đừng giáng lên đầu HLV chỉ vì sự phản ứng của fan trên mạng Internet.
Đập bỏ "chu kỳ"
Đến tận bây giờ fan MU vẫn hoài niệm về thời Ferguson, nhưng câu hỏi là bao nhiêu trong số họ hoài niệm về những tháng cuối năm 1989? MU mua một loạt tân binh đắt tiền nhưng rồi bị làm nhục 1-5 bởi Man City vừa mới thăng hạng, fan bỏ trận đấu ra về từ sớm và những băng rôn đòi sa thải HLV xuất hiện. Nếu MU sa thải Fergie ngay lúc đó, ông đã chẳng bao giờ được gọi là “Sir” và lịch sử bóng đá sẽ rất, rất khác.
"3 năm đủ mọi lý do và vẫn như.. tạm biệt Fergie" - Man City đánh bại MU 5-1 tháng 9/1989. Ferguson được trao cho những cơ hội làm lại mà Solskjaer không có được
Có điều gì đó khá giống với sự tồi tệ của MU trong những trận cuối thời Ole Gunnar Solskjaer, thua muối mặt trước hai kình địch Liverpool & Man City sau một mùa giải về nhì và có một hè “bom tấn”. Nhưng nếu như Sir Alex thoát khỏi trát sa thải dù MU về đích thứ 11 mùa 1987/88 (mùa 1986/87 về nhì nhưng gần như cả mùa bị Liverpool bỏ xa không dưới 10 điểm), Solskjaer không có được cái may mắn đó.
Sẽ có những sự so sánh về năng lực của Fergie với Solskjaer, nhưng hoàn cảnh của họ khá giống nhau khi dẫn dắt MU những năm đầu trong lúc bóng đá Anh sở hữu những cỗ máy chiến thắng hùng mạnh. Thập niên 1980 là Liverpool, và bây giờ không những có Liverpool mà còn cả Man City. Solskjaer đã không được cho thời gian để thành công như Ferguson thì Rangnick hay bất cứ HLV nào khác sẽ thành “Sir Alex 2.0” kiểu gì nếu MU vẫn chưa thoát khỏi tư duy ăn xổi hiện nay?
Hơn bao giờ hết MU cần ổn định quyền lực vào tay một người có tầm nhìn, và cho thời gian đủ dài. Rangnick đã được chọn, vậy MU hãy tin tưởng ông, họ có chuyển sang HLV trưởng mới sau mùa này thì vẫn hãy kiên định đi con đường Rangnick vạch ra. MU cần Rangnick trở thành một người như Monchi, Michael Edwards, Beppe Marotta hay Txiki Begiristain.
Nếu phải cần, MU hãy để Rangnick được chuyên quyền
Và nếu vậy thì hãy sẵn sàng để Rangnick quét khỏi CLB những thành phần không còn năng lực hay động lực thi đấu cho MU. Ai muốn đi thì xin mời đi, ai thiếu nhiệt huyết nên trả áo cho CLB, kẻ nào tuồn tin cho báo chí phải bị tìm ra để đuổi, và những ngôi sao tầm cỡ nhưng làm cản trở sự tiến bộ của tập thể cũng phải được chấn chỉnh. Kể cả Cristiano Ronaldo.
MU mùa này kể cả có vào top 4 cũng chỉ là niềm vui ngắn hạn, và họ đã lâm vào "chu kỳ 3 năm" khi sa thải Mourinho và Solskjaer sau 3 mùa trong khi Sir Alex mất tới khoảng 6 năm để đưa MU lên đỉnh bóng đá Anh. MU đã quên bài học đó, giờ cần phải cắn răng mà chịu làm lại một cách kiên trì với Rangnick là người dẫn đầu. Không phải 3 năm, mà phải 5 năm hoặc thậm chí lâu hơn nữa.
MU - Chelsea lao đao vì những scandal nội bộ, Real Madrid lên kế hoạch "cuỗm" Mbappe ngay tháng 1.
Nguồn: [Link nguồn]