MU thảm hại: Nghịch lý “rùa” nhưng thích “chấp”
Không ít lần MU có những chiến thắng vỡ òa đúng kiểu “rùa thắng thỏ”. Nhưng nay, văn hóa chiến thắng ấy không còn nữa, “rùa” lại thích chấp đối thủ chạy trước.
Video trận hòa đáng tiếc của MU trước West Ham ở vòng 13 giải Ngoại hạng Anh:
Ngày xửa ngày xưa, trong một cuộc chạy thi không cân sức, chú rùa đã tận dụng sự chủ quan khinh địch của thỏ và bằng sự tập trung, quyết tâm nỗ lực của mình mà giành chiến thắng ngoạn mục.
Ngày nay, rùa nhờ luyện tập chăm chỉ không ngừng nên đã cải thiện rất rõ rệt cả về hình thể, sức mạnh lẫn tốc độ. Rùa mạnh hơn, nhanh hơn nhưng lại bắt đầu chủ quan, mất tập trung trong các cuộc đua, giống như loài thỏ năm nào.
“Rùa” nhưng ưa xuất phát sau
Manchester United, tập thể từng có những trận “thắng rùa” là một ví dụ tiêu biểu. Trong lịch sử, không ít lần MU có những thắng lợi kinh thiên động địa đúng kiểu “rùa thắng thỏ” mà điển hình là chiến thắng ngược trong 2 phút bù giờ trước Bayern Munich ở chung kết Champions League năm 1999.
Cú đánh đầu thành bàn của Ibrahimovic không đủ giúp MU đánh bại West Ham cuối tuần qua
Nỗ lực, quyết tâm không ngừng và luôn giữ tập trung là chìa khóa chiến thắng. Thống kê chỉ ra rằng MU ghi được nhiều bàn ở những phút bù giờ (gọi là “Fergie Time”) hơn bất kỳ đội bóng Anh nào khác. Đáng buồn thay, văn hóa chiến thắng ấy không còn nữa. Bây giờ “rùa” lại thích chấp đối thủ chạy trước.
Bàn thắng mà Diafra Sakho của West Ham đã ghi ngay phút thứ 2 là một khoảnh khắc chủ quan, mất tập trung nữa của hàng thủ MU và nó dường như đã trở thành một thói quen rất xấu của họ.
Bắt đầu từ trận đấu ở vòng 4 giải Ngoại hạng Anh, De Bruyne mở tỷ số cho Man City ngay phút thứ 15. Vòng đấu ngay sau đó gặp Watford, Etienne Capoue mở điểm sau 34 phút. Pedro mở điểm chỉ sau vài chục giây trong trận MU thua thảm Chelsea. Ở Europa League, MU cũng bị Moussa Sow của Fenerbahce đục thủng lưới sau hơn một phút.
Điểm chung trong tất cả các trận ấy là MU đều bất lực trong việc tìm kiếm bàn gỡ hòa. Thế nên hòa được West Ham ở thế bị dẫn bàn sớm đã là... một sự tiến bộ của họ.
Và nếu như không để lọt lưới sớm, MU lại phải đối mặt với sắc thái khác của sự thất vọng: Họ phải khó khăn lắm mới mở được tỷ số nhưng lại bị gỡ hòa khá dễ dàng bởi sự mất tập trung trong những phút cuối. Gặp MU, Joe Allen của Stoke và Giroud của Arsenal đều ấn định tỷ số hòa 1-1 trong 10 phút cuối trận.
Đã có những trận đấu mà MU kiểm soát toàn diện thế trận nhưng họ vẫn gây thất vọng ở 2 đầu sân. Họ để thua quá đơn giản nhưng lại quá khó để chuyển hóa những pha tấn công của mình thành bàn thắng.
“Thuyết âm mưu” của Mourinho lại bùng phát
Trong vòng 13 tháng, Jose Mourinho đã 3 lần bị các trọng tài ở Anh mời lên khán đài ngồi vì lỗi phản ứng. Đáng lưu ý là trong 13 tháng đó HLV người Bồ Đào Nha có 8 tháng không làm việc sau khi bị Chelsea sa thải. Trong vòng 20 trận đấu tại Premier League, "Người đặc biệt" bị đuổi tới 3 lần.
Mourinho có lý do để phàn nàn về những quyết định của trọng tài và thuyết âm mưu lại nổi lên. Trong 3 lần ông bị đuổi thì có tới 2 lần “thủ phạm” là ông Jonathan Moss. Mà Mourinho bị mời lên khán đài chỉ vì ông trót đá chai nước bên đường piste - hành động mà không ít HLV từng làm, trong đó có cả Arsene Wenger, nhưng rất ít người bị phạt.
Hành động đá văng chai nước thiếu kiềm chế của Mourinho lại khiến ông dính "phốt" án phạt
Điều trùng hợp là tháng 9 năm ngoái, Mourinho cũng bị trọng tài Moss đuổi khi đội của ông (Chelsea) đá với West Ham. 4 tuần trước, Mourinho bị trọng tài Mark Clattenburg phạt trong trận MU hòa Burnley ở Old Trafford.
3 lần Mourinho bị trục xuất gần nhất là 3 lần ông đối đầu với các đội có màu áo truyền thống là cánh tay màu xanh, thân áo màu mận. Trùng hợp ngẫu nhiên, hay có âm mưu nào đó?
Một điều trùng hợp nữa là 2 lần gần nhất Mourinho bị đuổi là do lỗi phản ứng sau khi trọng tài từ chối cho cầu thủ MU được hưởng đá phạt. Tháng trước, ông đòi penalty sau khi Darmian ngã trong vòng cấm Burnley. Đêm Chủ nhật, ông phản ứng với tình huống Paul Pogba ngã, nhưng bị phạt thẻ vàng. Cả hai lần ấy, "Người đặc biệt" đều có lý.
Nói về trọng tài Moss, đó là người bị Mourinho quát thẳng vào mặt là “gã ốm yếu chết tiệt”. Ông Moss đã 53 tuổi, độ tuổi “xưa nay hiếm” cầm còi ở Premier League. Chi tiết này gợi nhớ đến lần HLV Alex Ferguson bị treo quyền chỉ đạo 4 trận (cùng 2 trận án treo) vì chỉ trích ông Alan Wiley, 49 tuổi, không đủ thể lực để điều khiển trận đấu.