MU sợ hãi trước đội yếu: Chỉ hợp vai cửa dưới, run rẩy khi sắm vai ông lớn
Bài toán MU bế tắc trước các đội yếu đặt ra câu hỏi là do họ lực lượng không tốt hay Ole Gunnar Solskjaer sai lầm.
Video MU thua Watford 0-2:
Sau trận thua Watford, dưới thời Ole Gunnar Solskjaer thì MU đã thắng 73% số trận đấu ở Premier League mà trong đó họ là đội nắm ít thời lượng kiểm soát bóng hơn (8/11 trận). Trong khi đó họ thắng chỉ 36% số trận mà họ kiểm soát bóng nhiều hơn đối thủ, tức 10/28 trận (bao gồm chỉ 1 chiến thắng ở 17 trận gần nhất).
MU bế tắc trong tấn công trước Watford cho tới khi Pogba vào sân, và sau đó họ cũng vẫn không ghi được bàn
Mùa này thành tích của MU trước các đội top 7 rất hoành tráng khi họ thắng cả Chelsea (2 lần), Leicester, Tottenham và Man City cũng như trở thành đội duy nhất tới lúc này khiến Liverpool mất điểm từ đầu mùa giải. Tuy nhiên họ không thắng nổi những đội có phong độ của nhóm xuống hạng như Southampton, Newcastle, Aston Villa hay Everton.
Giờ đang có hai luồng ý kiến về vấn đề này. MU phải chăng chỉ có lực lượng phù hợp để chơi thứ bóng đá phòng ngự phản công, còn khi đối phương tử thủ là họ bế tắc? Hay vấn đề nằm ở chiến thuật, mà đó là trách nhiệm của HLV Ole Gunnar Solskjaer?
Thực tế đúng là MU không có dàn cầu thủ để xuyên phá một cách đều đặn những hàng thủ số đông. Sự thiếu sáng tạo là một vấn đề lớn khi trong trận thua Watford vừa qua, họ thậm chí còn dùng Harry Maguire để đưa bóng lên giữa sân. Paul Pogba vào sân ở hiệp 2 sau thời gian dài chấn thương và đá tốt hơn bất cứ cầu thủ nào từ đầu trận xét trên khía cạnh chuyền bóng.
Tuy nhiên chẳng phải lực lượng này là do Solskjaer tự tay “quy hoạch”? Ông đã được bổ nhiệm chính thức từ hồi tháng 3 năm nay và đã có một kỳ chuyển nhượng để đưa về những cầu thủ ông muốn. Rốt cuộc trong các tân binh Solskjaer đưa về thì không một cầu thủ nào được đánh giá là kiểu cầu thủ hợp để phá các hàng thủ đông đảo, Daniel James nguy hiểm nhất khi có khoảng trống để bắt tốc độ trong khi Aaron Wan-Bissaka không có gì ấn tượng khi leo biên tấn công.
Solskjaer mua cầu thủ hợp cho phòng ngự phản công chứ không hợp cho ép sân
Solskjaer trước đây ở Molde từng áp dụng chiến thuật pressing tầm cao và khi có bóng các hậu vệ biên sẽ dâng lên để các cầu thủ chạy cánh đá bó vào trong. Đó quả thực là một chiến thuật để hạ các đối thủ chơi phòng ngự số đông, nhưng nếu vậy ông mua Wan-Bissaka làm gì khi đây là một hậu vệ giỏi trong phá bóng nhưng rất hạn chế khi dâng cao? Ông giữ Luke Shaw làm gì khi rõ ràng Shaw có vấn đề về việc giữ phong độ trong thời gian dài? Sao không mua thêm một tiền vệ sáng tạo nữa dù biết Pogba có khả năng ra đi?
Trừ khi Solskjaer không được tự quyết chuyển nhượng (mà điều đó là rất có thể khi nhìn vào tình hình MU những năm nay), thì thành tích của “Quỷ Đỏ” mùa này cho thấy sự không hợp lý trong xây dựng đội hình. Khi đã hỏng về mặt chiến lược thì chiến thuật cũng chỉ giúp MU được chừng đó, Solskjaer có thể tốt về mặt chiến thuật nhưng nếu hỏng về chiến lược thì vị trí của ông sẽ đến lúc bị xem xét.
Nguồn: [Link nguồn]
Man City và Chelsea thắng trong trận đấu lớn của họ ở cuộc đua vô địch & top 4.