MU: “Ô dù” của Jose Mourinho
“Hãy mang theo một chiếc ô” là lời khuyên mà Sir Alex Ferguson dành cho Jose Mourinho trước ngày nhận việc, theo tiết lộ của HLV người Bồ. Có thể là Sir Alex chỉ đùa vậy thôi, nhưng cũng có thể nó ẩn giấu một lời khuyên dạy: cuộc phiêu lưu mới sẽ đầy rẫy phong ba bão tố mà mưa bão ở Trung Quốc chỉ là trận bão đầu tiên.
Chiếc ô nào cho Mourinho?
Chiếc ô của Mourinho sẽ không phải là một thứ đồ vật cầm tay như kiểu Steve McClaren, càng không phải là “ô dù” theo nghĩa tiếng Việt. Mourinho, người bị sa thải 3 lần trong vòng 10 năm qua, sẽ phải trang bị cho mình một chiếc ô trừu tượng: năng lực quản trị con người. Đã bắt đầu có những dị nghị khi Mourinho ép học trò ra sân tập lúc 6h30 sáng ngay sau một chuyến bay dài từ Bắc Kinh.
Mourinho có thể "học" Sir Alex
Ferguson là bậc thầy về quản trị. Ở lĩnh vực này, ông được mời đến thỉnh giảng tại Đại học Harvard. Năm ngoái, HLV huyền thoại Scotland xuất bản cuốn sách “Leading” (Lãnh đạo), tổng kết lại những bài học của bản thân về quản trị trong 26 năm rưỡi ở Old Trafford.
Cuốn sách “Leading” gồm 13 chương mà ngay ở chương đầu tiên - “Becoming Yourself”, Sir Alex ưu tiên dành để viết về 3 kỹ năng cần phải có: Lắng nghe, Quan sát và Đọc, trong đó “Lắng nghe” được đặt ở vị trí đầu tiên. “Nói” - kỹ năng mà Mourinho giỏi nhất, được đưa xuống chương 8.
Sir Alex đề cập đến sự thiết yếu của biết lắng nghe. Năm 1992, ông tắm chung với các cầu thủ sau trận đấu với Leeds United và nghe họ nói về trận đấu. Đội trưởng Steve Bruce và Gary Pallister say sưa bàn tán về tài năng của đối thủ Cantona. Ferguson đưa cái tên này vào bộ nhớ. Ông gọi cho đồng nghiệp Gérard Houllier, cho Platini và nhà báo Erik Bielderman để hỏi về Cantona trước khi thực hiện vụ chuyển nhượng lịch sử.
Không chỉ Ferguson nói về sự cần thiết của việc gần gũi và lắng nghe cầu thủ của mình. Ancelotti từng để cầu thủ Chelsea tự lên chiến thuật cho trận chung kết FA Cup. “60 trận mùa này là 60 lần tôi chọn chiến thuật, giờ đến lượt các anh”, Ancelotti nói với cầu thủ. Quan điểm của Ancelotti: “Cầu thủ thi đấu theo chiến thuật nên chính họ phải tạo ra chiến thuật”.
Mourinho từng có lịch sử mâu thuẫn với các cầu thủ, đặc biệt là những ngôi sao lớn. MU hiện cũng có những ngôi sao và sẽ còn tuyển mộ những ngôi sao mới. Bài học quản trị con người và kỹ năng lắng nghe là những điều ông phải nhớ nằm lòng nếu không muốn bị chính học trò “phản bội” như ở Chelsea.
“Lãnh đạo mà không Quản lý”
“Leading not Managing” là tiêu đề một chương trong cuốn sách mới nhất của Sir Alex Ferguson. Vị HLV huyền thoại giải thích tại sao ông “sống sót” qua 26 năm rưỡi ở Old Trafford và luôn được toàn quyền quyết định bất kể dưới thời Chủ tịch Martin Edwards hay dưới thời nhà Glazer.
Với cấp trên, Ferguson tiết lộ ông đã tạo ra mối quan hệ hài hòa với ông chủ của mình, một mặt không làm họ mếch lòng, một mặt luôn nhắc nhở họ rằng CLB không phải là ngân hàng, siêu thị hay cửa hàng bán lẻ. Ông hiếm khi bị chất vấn khi đặt vấn đề muốn mua cầu thủ nào. Đó là bài học mà Mourinho cần phải nhớ sau những đổ vỡ với các ông chủ trong quá khứ.
Nhiều chuyện chờ đợi Mourinho
Về mối quan hệ với cấp dưới, Ferguson đề cập đến sự cân đối giữa kiểm soát và tín nhiệm. “Thời trẻ tôi thường cố kiểm soát tất cả mọi thứ. Nhưng sau này, tôi nhận ra giữa quản lý và lãnh đạo khác nhau thế nào”, ông viết. Với Mourinho, “Người đặc biệt” có một cái tôi lớn và luôn thiên về kiểm soát, quản lý hơn là thực sự sắm vai một nhà lãnh đạo ở đội bóng của mình.
Đắc nhân tâm
Một nhà lãnh đạo giỏi không bao giờ cứng nhắc. Ferguson trước kia không ưa những cầu thủ để tóc dài. Khi nhìn thấy một mái tóc lòa xòa, ông liền đuổi khỏi sân tập.
Nhưng Ferguson đã cho phép một ngoại lệ là Adrian Doherty, một tài năng thiên bẩm cùng thời Ryan Giggs và được đánh giá là xuất sắc hơn cả Giggs. Mới 16 tuổi, Doherty đã được Ferguson đưa lên đội 1. Khi thấy mái tóc xoăn lòa xòa của Doherty, Ferguson không xua đuổi. Ông cho phép cậu bé để tóc dài.
Ferguson nhận biết được thiên tài của Doherty là đủ để cho phép một ngoại lệ. Và hơn nữa, Ferguson hiểu được chất nghệ sĩ trong con người Adrian - biệt danh “Bob Dylan trong chiếc áo số 7” - một cậu bé mê đọc thơ Dostoyevsky hơn cả chơi bóng và thường ôm đàn guitar hát cho khuây nhớ nhà. Thấy Adrian buồn bã, Ferguson cho phép anh về thăm gia đình và khi trở lại, anh nhận được bản thảo hợp đồng 5 năm. 5 năm cho cầu thủ U-17 là chưa từng có tiền lệ ở MU.
Cựu trợ lý Archie Knox từng tiết lộ rằng: “Với Ferguson, tài năng là quan trọng nhất”. Các tài năng lớn luôn được Ferguson đối xử đầy nhẫn nại. Ferguson đã phải lao tâm khổ tứ để thuyết phục Cantona và Ronaldo ở lại MU.
Kiên nhẫn là điều mà Mourinho không có được. Khi De Bruyne đòi rời Chelsea, Mourinho đã chấp thuận bán anh với giá 18 triệu bảng để rồi chỉ một năm rưỡi sau De Bruyne gia nhập Man City với giá đắt gấp ba.
Mourinho phải tự hoàn thiện mình để “sống sót” ở MU. Bằng không, sẽ chẳng ai đỡ đòn thay “Người đặc biệt”.
Không ai khác, kể cả là Sir Alex, kể cả Sir Bobby Charlton, hay là Ed Woodward.
Ở Old Trafford không có “ô dù”.