MU: Niềm tự hào từ đào tạo trẻ
Lò đào tạo trẻ MU không hề xuống cấp như người ta tưởng.
Chuyện gì sẽ xảy ra vào cuối tuần này nếu một trong số những Ryan Giggs, Tom Cleverley, Danny Welbeck hoặc cầu thủ vừa bình phục chấn thương Jonny Evans ra sân trong trận MU tiếp đón Crystal Palace? Thoạt nghe, điều này có vẻ bình thường và không đáng để bàn. Nhưng nếu nó trở thành sự thật, các ngôi sao này sẽ tiếp tục viết nên kỷ lục chưa từng có ở xứ sương mù: 3.646 trận liên tiếp một đội bóng có cầu thủ mà họ tự đào tạo nằm trong danh sách thi đấu ở giải vô địch quốc gia.
MU có quyền tự hào về kỷ lục vẫn đang được đếm tiếp này. Thống kê cho thấy con số ấn tượng kể trên bắt đầu được gây dựng từ tháng 10/1937 đến nay. Tức là đã 76 năm liên tiếp MU có ít nhất 1 cầu thủ tham dự mỗi vòng đấu của giải vô địch quốc gia (kể cả hạng hai trong những năm mà họ bị xuống hạng). Đây là một thành tựu phi thường của Quỷ đỏ.
Welbeck và Cleverley đang được trọng dụng
Cần biết rằng, lịch sử MU có những giai đoạn vô cùng tồi tệ. Chẳng hạn, vụ rơi máy bay ở Munich năm 1958 đã cướp đi lứa cầu thủ thế hệ vàng đang tỏa sáng rực rỡ của Sir Matt Busby. Sau đó, đội bóng đã lao đao và gặp muôn vàn gian khó trước khi trở lại chinh phục đỉnh cao bằng chiến tích ở cả sân chơi trong nước lẫn cúp C1 danh giá. Thập niên 70 và 80 cũng là những lúc lận đận của đội chủ sân Old Trafford. Thậm chí, cả 4 năm đầu tiên dưới triều đại Sir Alex Ferguson là thời kỳ đầy ắp những nỗi buồn.
Sau tất cả, kỷ lục này có thể xem như thước đo đích thực cho hệ thống đào tạo trẻ của đội bóng số 1 Vương quốc Anh. Không phải những tấm huy chương ở giải trẻ FA Cup mà chính việc các măng non “cây nhà lá vườn” thường xuyên được trao cơ hội ra sân ở giải chuyên nghiệp mới là đáng kể. MU là đội bóng có truyền thống tin tưởng và sử dụng các tài năng trẻ do chính họ đào tạo. Đến thời điểm này, khi bóng đá chuyển sang giai đoạn bị đồng tiền thống trị với những phi vụ “bom tấn” vẫn diễn ra hàng năm, điều mà MU làm được càng đáng ca ngợi.
Khi Sir Matt Busby nắm quyền, ông từng 2 lần tạo nên những lứa cầu thủ vàng nhờ việc xây dựng thành công một lò đào tạo chất lượng với chế độ tuyển chọn và huấn luyện khắt khe, bài bản. Đó chính là nền tảng để MU gặt hái rất nhiều danh hiệu trong giai đoạn thập niên 50 và 60. Đến lượt mình, Sir Alex cũng đi theo con đường ấy khi ông luôn tin tưởng tuyệt đối vào các cầu thủ trẻ. Bằng chứng là thế hệ vàng của Scholes, Butt, Beckham, Neville thập niên 90.
Thế hệ vàng của Ferguson
Sau này, dù phải chịu áp lực lớn từ TTCN vốn ngày càng “điên rồ”, Ferguson vẫn tích cực trong việc tìm kiếm các tài năng và mạnh dạn cho họ thử sức. Cleverley, Evans và Welbeck có được chỗ đứng như lúc này là nhờ điều đó. Phía sau họ, Jesse Lingard, Tom Thorpe, Will, Jack Barmby, Ashley Fletcher và Michael Keane đang chờ đến lượt mình (Januzaj và Zaha được mua về). Họ đều đã vô địch FA Cup trẻ và đang khoác áo những đội U21 quốc gia.
Có thể đã lâu rồi người ta không còn thấy một thế hệ xuất sắc như Scholes và Beckham nhưng nên nhớ thành công đó là một ngoại lệ chứ không phải qui tắc bắt buộc. Trong thời buổi toàn cầu hóa, với hàng triệu những tài năng trẻ xuất hiện mỗi ngày từ khắp nơi trên thế giới, việc MU vẫn duy trì đều đặn quá trình đôn lên đội 1 những ngôi sao tự tay họ đào tạo đã được xem là thành công lớn. Cách làm đó tốt hơn nhiều so với việc bỏ tiền tấn để xây dựng đội hình bởi nó giống như một sự đảm bảo bền vững cho tương lai lâu dài.
Đầu thế kỷ trước, những người lãnh đạo MU khó có thể tưởng tượng ra con số 3.646 trận liên tiếp đội bóng sử dụng những cầu thủ tự mình đào tạo. Nhưng bây giờ, với cách làm đã được duy trì để trở thành truyền thống, 4.000 hay 5.000 trận là cái đích tiếp theo mà Quỷ đỏ hướng đến.
Số liệu 3.646 trận được tính từ thời điểm tháng 10/1937 do trang Bleacherreport cung cấp. Thành tích này được tính cho mỗi trận mà MU có cầu thủ trẻ do họ đào tạo nằm trong danh sách đăng ký thi đấu, không có nghĩa cầu thủ (hoặc nhóm cầu thủ đó) được đá chính hoặc vào sân từ ghế dự bị. |