MU, những sai lầm chuyển nhượng và nguy cơ tái hiện "Spice Boys"
MU nếu không cẩn thận sẽ để tái hiện lại sai lầm "Spice Boys" của Liverpool.
Dù vào được top 4 hay không thì sau mùa giải này MU cũng sẽ có sự tái thiết đội hình dưới định hướng của Ralf Rangnick. Họ đã một thập kỷ qua không đến gần được chức vô địch Premier League và ban lãnh đạo MU sẽ không bổ nhiệm Rangnick nếu không tin vào danh tiếng chuyên xây dựng đội hình lâu dài ở bóng đá Đức của ông.
MU đã mắc quá nhiều sai lầm đắt giá trong chuyển nhượng từ khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu
MU vẫn là một đội bóng có sức hút với các cầu thủ nên họ không quá lo việc lựa chọn con người để tuyển mộ, nhưng thách thức lớn nhất là làm sao tìm ra những người tận tụy với màu cờ sắc áo CLB. Giai đoạn hiện tại MU đang có khá nhiều cầu thủ tài năng nhưng đây cũng lại chính là thời điểm hình ảnh của đội bóng không được đẹp trong mắt người hâm mộ, sau mỗi trận thua thái độ thi đấu của nhiều cầu thủ lại bị bàn tán.
Không phải dễ để chấn chỉnh được thái độ cầu thủ và MU không những cần loại những con người thiếu ý thức, họ phải làm tốt hơn khi ngay từ đầu phải chọn đúng người. MU cần nhiều hơn những Fred hay Cavani và ít đi những Martial hay Pogba, cần nhiều hơn những con người mê đá bóng và yêu MU và ít đi những kẻ lấy tiền làm ưu tiên và dùng MU làm bàn đạp cho những mục tiêu khác.
Đã từng có thời Liverpool ghen tỵ với MU, danh thủ John Barnes từng nói với HLV Roy Evans rằng các cầu thủ Liverpool quá lỏng lẻo trong tư tưởng trong khi ở Old Trafford đã có một đội quân kỷ luật sắt được xây dựng nên bởi Alex Ferguson. Đó là giữa thập niên 1990 và đúng vào cao điểm của kỷ nguyên “Spice Boys” tại Anfield.
Các cầu thủ Liverpool mặc vest Armani trên sân Wembley, trước khi thua chung kết FA Cup 1996 trước MU
Trong giai đoạn đó giới cầu thủ trở nên rất giàu và thích khoe cái sự giàu có, nhưng trong khi kỷ cương ở MU khiến Ryan Giggs và anh em nhà Neville phải kiềm chế, tại Liverpool một số ngôi sao bị tố thích làm mẫu ảnh hơn là đá bóng khiến họ bị so sánh với nhóm nhạc Spice Girls. Tai tiếng nhất là vụ các cầu thủ Liverpool mặc vest Armani diễu quanh sân trước trận chung kết FA Cup 1996, trận đấu mà họ để thua MU và sau đó bị fan Liverpool chửi bới dằn mặt bên ngoài một hộp đêm.
Đó là một sự đi ngược với chính những tôn chỉ tại Liverpool đã đặt ra từ thời HLV Bill Shankly những năm 1960. Shankly sau khi đến Liverpool đã chọn Geoff Twentyman làm trưởng bộ phận tuyển trạch, và trong hơn 20 năm tiếp theo Twentyman giới thiệu hàng loạt cầu thủ quan trọng biến Liverpool thành thế lực số 1 nước Anh.
Twentyman trong cuốn hồi ký của mình viết rằng ông chuyên đi tìm những cầu thủ giỏi mà Liverpool có thể mua được (chứ không phải giỏi nhất, vì quá đắt thì không mua), sau đó họ được đưa về đội dự bị Liverpool để làm quen lối chơi trước khi lên đá đội 1. Qua mỗi năm Liverpool nhìn lại đội hình của mình, nếu họ thấy một trụ cột có dấu hiệu già đi & xuống phong độ là lập tức mua cầu thủ trẻ để về đào tạo rồi chờ thế chỗ đàn anh.
3 thập kỷ thống trị bóng đá Anh của Liverpool có được nhờ tài săn người của Geoff Twentyman
Trong quá trình đó, Twentyman luôn xem kỹ các cầu thủ để đánh giá tính cách của họ. Trung thực, có kỷ luật, chăm chỉ và cầu tiến là những phẩm chất quan trọng nhất. Shankly còn nói: “Cầu thủ phải yêu nghề, và phải xem việc đá bóng cho khán giả là một ân huệ”.
Tiếc rằng khi bước vào nửa cuối những năm 1980 Twentyman khi đó không còn ở CLB, Liverpool bắt đầu bỏ quên việc tìm thế hệ kế cận các ngôi sao và khi mua sắm lại đón về nhiều kẻ thiếu tận tâm cho CLB như Julian Dicks, David James hay Stan Collymore.
Sai ở "săn đầu người"
Sir Alex Ferguson đặt lật đổ Liverpool làm mục tiêu của sự nghiệp tại MU nhưng có lẽ chính ông cũng sẽ thừa nhận rằng ông học hỏi được nhiều điều từ cách xây dựng đội hình của Liverpool thời “Boot Room”. MU của Fergie chưa từng lo về vấn đề tiền đạo: Sau Cantona có Cole & Yorke, Sheringham rồi Van Nistelrooy, Ronaldo – Rooney - Tevez, Berbatov rồi đến Van Persie, luôn luôn có sự kế thừa.
Và MU thời Fergie rất tránh để cho những tay cò môi giới được thao túng hoạt động ở CLB, bởi những cầu thủ dây vào họ sẽ tận dụng cơ hội để vòi tiền MU. Đó là lý do ông cho Paul Pogba ra đi, nhưng sau này Pogba trở lại cùng với sự xuất hiện của Lukaku. Hãy nhìn vào biên chế của Man City, Liverpool và Chelsea hiện tại: Cả 3 đội này không hề có một cầu thủ nào được Mino Raiola môi giới.
Thế hệ cầu thủ MU hiện tại không đến mức phô trương như Spice Boys trước đây nhưng qua những lời chỉ trích của Cristiano Ronaldo, có thể nói họ chưa có được sự cầu tiến mà MU đòi hỏi, nhất là các sao trẻ. Rangnick sẽ tái cấu trúc ban huấn luyện ở MU để áp đặt lối chơi lên cả đội 1, đội dự bị và đội trẻ, nhưng trách nhiệm tiến bộ bản thân vẫn nằm ở chính các cầu thủ chứ họ không thể nghĩ cứ được MU tuyển về là cơ hội ra sân sẽ tự đến.
Greenwood là một tài năng hứa hẹn MU đào tạo nên, nhưng giờ sắp thành một tội phạm
Tìm đúng người để xây dựng tập thể mạnh sẽ là một quá trình dài đòi hỏi sự kiên nhẫn, mà kiên nhẫn là điều các lãnh đạo MU đã không có trong những năm qua. Nhưng Man City & Liverpool làm được để tạo nên những đội hình vô địch, trong khi Barcelona và Juventus buông lỏng dẫn tới sự suy yếu.
MU sẽ nhìn vào bài học của Man City & Liverpool, hay sẽ đi vào vết xe đổ của Barca & Juventus? Shankly cũng phải đấu tranh tư tưởng với các lãnh đạo để xây dựng được đội hình Liverpool trước đây, và đó là sau khi ông đã có vài danh hiệu ban đầu. Rangnick được bổ nhiệm là một chuyện, chứ các lãnh đạo MU có hết lòng ủng hộ để Rangnick làm tới nơi tới chốn là câu hỏi vẫn phải để thời gian trả lời.
Sự trở lại của Ronaldo trong màu áo Manchester United đã không quá lung linh như nhiều người chờ đợi. Ngôi sao người Bồ...
Nguồn: [Link nguồn]