MU: Mất điểm... có cảm xúc
Đá ở St. James Park thì MU ghi bàn tưng bừng và thủng lưới cũng "thả cửa", nhưng ở Old Trafford lại là chuyện khác.
Sau khi trận Newcastle – MU kết thúc, nếu có ai muốn biết số bàn thắng được ghi tại Old Trafford so sánh thế nào với số bàn thắng được ghi khi MU đá sân khách, đây là kết quả: Bàn thắng ở Old Trafford – 32 bàn/17 trận; Bàn thắng ngoài Old Trafford – 45 bàn/15 trận.
Phải vậy, số trận diễn ra ở Old Trafford nhiều hơn nhưng ít bàn thắng hơn nhiều so với ở ngoài. Thậm chí nếu bỏ đi 3 trận diễn ra ở FA Cup và League Cup (MU đá trên sân nhà cả 3 trận) thì Old Trafford chứng kiến 24 bàn thắng/14 trận.
Phải chăng là cứ khi nào thi đấu ở sân khách thì MU mới hưng phấn mà chơi hết mình? Có thể, dường như phải đá ở Old Trafford nó khiến cho Louis Van Gaal và các học trò mang tâm lý sợ thua và do đó ít mạo hiểm. Đá ở St. James Park trước một Newcastle đang trong nhóm xuống hạng có khi lại dễ ghi bàn hơn vì họ cởi bỏ được chút sức ép.
Thưởng thức một trận đấu của MU ở Old Trafford mùa này khó bất thường
Cái tâm lý sợ thua của Louis Van Gaal có thể xem là một chủ đề tiêu điểm của MU mùa giải 2015/16 này. Khi họ lên ngôi đầu bảng Premier League hồi cuối tháng 11 năm ngoái, lúc đó lối chơi của “Quỷ Đỏ” đã khá tẻ nhạt nhưng dư luận vẫn bỏ qua cho vì hàng thủ thủng lưới rất ít. Nhưng rồi ngay sau đó là một chuỗi trận thảm hại, bàn thắng thì vẫn đến nhỏ giọt nhưng cầu môn thì bị chọc thủng đều đặn.
Tâm lý sợ thua ấy hiện diện trong mọi diện mạo chiến thuật mà MU thể hiện. Wayne Rooney dứt điểm cực ít và ghi bàn cũng ít hơn, Anthony Martial sau khởi đầu bùng nổ đã nguội dần và mới ghi có 3 bàn trong 8 trận gần nhất. Cả đội MU ghi được 27 bàn thắng, đuối hơn cả Everton đứng thứ 11.
Cái điều đáng sợ hơn cả là từ chỗ thông cảm, những người Manchester đến xem các trận bóng của đội nhà đã bắt đầu khó chịu. Họ hô “tấn công!” khi thấy đội nhà chần chừ lên bóng và bỏ về sớm khi trận MU – Sheffield cuối tuần qua vẫn đang có tỷ số 0-0. Mất điểm một trận đấu đôi khi còn không đáng sợ bằng mất tình cảm của khán giả.
Tháng trước, Liverpool có một trận đấu khá điên rồ kéo dài tới gần 100 phút, họ dẫn bàn, bị ngược dòng để rồi gỡ hòa 2-2 phút 90+6 tại Anfield trước West Brom. Chỉ là kết quả hòa, nhưng Jurgen Klopp và các cầu thủ sau trận vẫn cúi chào khán giả và được các CĐV nồng nhiệt vỗ tay đáp lại.
Vài người đã đàm tiếu rằng Liverpool “ăn mừng” một kết quả hòa, nhưng mấy ai hiểu ngày hôm đó các cầu thủ Liverpool đã không bỏ cuộc đến phút cuối, và các fan nhà vẫn nán lại trên sân khi hy vọng tưởng như đã tắt?
MU bị West Ham vượt lên trên BXH sau trận hòa Newcastle
Trận hòa ấy của Liverpool như một con tàu lượn siêu tốc của cảm xúc, trong khi trận đấu của MU với Sheffield chẳng khác gì một chuyến tàu đi thẳng, chậm và buồn ngủ khiến hành khách xuống tàu dù chưa đến nơi. Khán giả đến xem bóng đá không chỉ để xem một chiến thắng, mà còn để tận hưởng giá trị giải trí của trận đấu, dù thắng hòa hay thua.
Vậy nên trận hòa 3-3 của MU trước Newcastle có thể coi là một sự thay đổi tươi mới. “Quỷ Đỏ” không thắng, nhưng giá trị giải trí đã được mang đến. Paul Scholes bấy lâu nay luôn chỉ trích Van Gaal vì MU đá tẻ nhạt, nhưng đã không do dự ca tụng đội bóng dù trận hòa đã khiến họ đứng dưới cả West Ham trên BXH.
Dù vậy hãy khoan mừng vội về một trận đấu sân khách, hãy chờ đến 23/1 để xem liệu MU có mang đến cảm xúc bóng đá cho các CĐV Old Trafford hay không. Còn Chủ nhật này thì xin Louis Van Gaal, chỉ đạo học trò đá thế nào thì đá, nhưng đừng khiến khán giả Anfield hát “You’ll never walk alone” rồi… ngủ gật.