MU - Man City: Cuộc chiến tiệm cận 1 tỷ bảng, thôn tính bóng đá Anh 10 năm
MU và Man City trong 2 năm qua đã chi gần 800 triệu bảng với mục tiêu thống trị bóng đá Anh trong 10 năm tới.
Xem video Lukaku tỏa sáng, MU hạ gục Chelsea:
Tính từ mùa hè 2016 khi Jose Mourinho và Pep Guardiola đồng loạt đặt chân xuống Manchester để dẫn dắt MU và Man City, hai CLB này đã chi tổng cộng 790,38 triệu bảng phí chuyển nhượng. Man City đã chi tới 475,92 triệu bảng trong khi MU đã nhả 314,46 triệu bảng (theo Transfermarkt). Hai đội chắc chắn sẽ không mất nhiều thời gian để cán mốc 1 tỷ bảng.
Mức phí phản ánh sức mạnh tài chính và tham vọng của hai CLB, họ đều có tài nguyên và đều dám đặt cược lớn để thống trị bóng đá Anh cũng như gây tiếng vang ở cúp châu Âu. Dàn cầu thủ họ mua về có không ít những hảo thủ hàng đầu thế giới với mức phí rất đắt đỏ, nhưng cả Man City và MU đều đang hướng đến mục tiêu 10 năm thống trị và mục tiêu đó không thể đạt được nếu tổng chi cho chuyển nhượng không lên tới gần 800 triệu bảng.
Mục tiêu 10 năm
Man City có lẽ là đội thể hiện rõ nhất sự trẻ hóa đội hình xuất phát của mình. Bộ ba tấn công Sane/Sterling/Jesus vẫn còn chưa đến giữa tuổi 20, người già nhất trong bộ ba này là Sterling (sang tuổi 23 vào tháng 12/2017). Họ sẽ còn phục vụ Man City trong một thời gian dài nếu giữ phong độ tốt. Bernardo Silva cũng mới 23 còn Kevin De Bruyne đang ở tuổi 26.
Các cầu thủ của hàng phòng ngự, từ Ederson, Mendy và Stones cho tới tân binh Laporte đều chỉ 23 tuổi, và đây sẽ là hàng thủ của Man City trong 10 năm nữa. Cách đây vài năm Man City vẫn còn mua đắt những cầu thủ mà tuổi tác tiệm cận 29-30, nhưng Pep Guardiola và giám đốc kỹ thuật Txiki Begiristain thay đổi chính sách một cách nhanh chóng.
Bên phía MU, họ mua lại Pogba khi anh ở tuổi 23 và Eric Bailly mới 22 tuổi khi gia nhập. Romelu Lukaku bắt đầu khoác áo MU ở tuổi 24 và nếu Victor Lindelof chơi tiến bộ, anh sẽ không hối tiếc quyết định về Old Trafford ở tuổi 22.
Tất nhiên số cầu thủ trẻ gia nhập MU không bằng so với Man City, và điều này có lý do của nó. Pep Guardiola ưa dùng cầu thủ trẻ bởi họ chưa có nhiều danh vọng gì nên sẽ dễ nghe lời ông hơn, nhất là khi Pep là một người không giỏi trong cách ứng xử với ngôi sao (ví dụ: Zlatan Ibrahimovic).
Pep tỏ ra tự tin rằng ông có thể dạy dỗ các cầu thủ trẻ về lâu dài, trong khi Jose Mourinho muốn thành công ngay. Do đó những cựu binh có tên tuổi cũng sẽ được mua nếu Mourinho cảm thấy họ là những người có trình độ, và quan trọng không kém là biết tuân lệnh.
Sức hút 1 tỷ bảng
Sức hút của hai HLV trưởng cũng có vai trò hết sức quan trọng dẫn tới các bước đi chuyển nhượng của CLB. Pep Guardiola có ảnh hưởng rõ rệt nhất cho Man City, trong khi Mourinho cũng khiến MU thành điểm đến hấp dẫn.
Đa số cầu thủ trên thế giới sẽ không từ chối cơ hội gia nhập một CLB mạnh nếu biết người cầm đầu là một HLV hàng đầu thế giới và có minh chứng cho thấy các tài năng luôn phát triển vượt bậc dưới tay HLV đó. Không có Pep, Man City sẽ không thu hút được nhiều ngôi sao trẻ đến như vậy.
Một trong những ví dụ là bản hợp đồng dành cho Gabriel Jesus. Tiền đạo này được mời chào khá hậu hĩnh bởi nhiều CLB, trong đó Bayern Munich là đội nhiệt tình nhất. Bayern đã suýt có được mục tiêu của mình, nhưng Pep tới Man City và Jesus cũng quyết định theo chân ông.
Điều tương tự cũng xảy ra ở MU, Paul Pogba có lẽ sẽ chẳng trở về nếu “Quỷ Đỏ” vẫn được Louis Van Gaal dẫn dắt. Lukaku, Mkhitaryan và Sanchez cũng đã tới MU, họ biết rõ lối chơi bóng thiên về phòng ngự của Mourinho nhưng bộ sưu tập danh hiệu của “Người đặc biệt” là minh chứng cho sự hiệu quả trong phong cách của ông.
Trong mùa hè tới Man City và MU hứa hẹn sẽ còn bổ sung nhân sự để hoàn chỉnh đội hình, và không chừng một cuộc đua vô địch khốc liệt hơn giữa hai đội sẽ là kịch bản chung trong tương lai gần. Họ đã đầu tư rất nhiều và căn cứ vào tuổi tác của nhiều tân binh, bóng đá Anh sẽ là cuộc so tài của thành Manchester trong 1 thập kỷ tới.
Theo luật Bosman, Robben có quyền tự do đàm phán với MU mà không cần Bayern đồng ý.