MU loạn lạc ở Ngoại hạng Anh: Cần một vụ "giày bay" để thay đổi
Có lẽ Ten Hag cần ném giày vào cầu thủ MU nào đó để chấn chỉnh lại toàn đội vào thời điểm nhiều ngôi sao không còn là chính mình?
Vấn đề thái độ
Khởi đầu mùa giải này của Manchester United không tốt, khiến họ đứng thứ 14 tại Premier League và chưa thắng được trận nào ở Europa League. HLV Erik Ten Hag nhận nhiều chỉ trích từ dư luận, nhưng các cầu thủ cũng bị lên án vì thi đấu hời hợt.
Dalot ôm mặt sau khi Tottenham chọc thủng lưới MU, bàn thua mà Dalot để cho Brennan Johnson vọt lên trước
Gần đây một nhà báo tiết lộ rằng khi phân tích thể hiện của MU từ đầu mùa bóng, các chuyên gia được tập đoàn INEOS thuê để xem kỹ ngôn ngữ cơ thể của các cầu thủ. Họ thấy không ít tình huống cầu thủ MU tranh chấp hời hợt, đi bộ về khi bị phản công, mất bóng xong là không cố tranh lại, v.v...
Thái độ chểnh mảng trong tập luyện và thi đấu của các cầu thủ MU là vấn đề nổi cộm trong nhiều năm, khiến sau thời Sir Alex Ferguson không có HLV nào thực sự quản được phòng thay đồ ở Old Trafford. Sir Alex nổi tiếng với kỷ luật “sắt” ở MU và sẵn sàng động đến những cầu thủ trụ cột.
Sự cố “giày bay” với David Beckham vẫn hay được nhắc đến là một ví dụ về cách Fergie xử lý những cầu thủ có dấu hiệu mắc “bệnh sao”. Có lẽ MU hiện tại cần một vụ “giày bay” để chấn chỉnh cầu thủ?
Sự nhạy cảm của “nhà độc tài”
Sự thật bên trong phòng thay đồ MU sau trận thua Arsenal ở FA Cup 21 năm trước vẫn là một bí ẩn. Beckham và Ferguson kể lại câu chuyện với những tình tiết hoàn toàn trái ngược nhau: Beckham nói đó là tai nạn, nhưng Fergie khẳng định ông cố tình.
Beckham và vết cắt do bị Alex Ferguson đá giày vào mặt
Diego Forlan kể rằng Ferguson nổi đóa, sau một tình huống Robert Pires thoát xuống cánh phải MU, Gary Neville dâng quá cao trong khi Beckham không bọc lót kịp. Màn cãi cọ bắt đầu leo thang trước khi Ferguson thấy một chiếc giày dưới đất và đá nó về phía Beckham.
Fergie nhạy cảm với bất cứ cầu thủ nào có dấu hiệu thách thức quyền lực của mình, từ vụ Paul Ince tự gọi mình là “thống đốc” cho tới Jaap Stam xuất bản tự truyện. Ý định rời MU khiến Beckham trở thành một mục tiêu trong mắt Ferguson và cần được đưa ra làm gương cho tập thể.
Đó là ứng xử của một nhà độc tài, một ông bố gia trưởng coi con cái như "kẻ thù" một khi chúng muốn bứt ra đi theo con đường của riêng mình. Có thể tin lời Ferguson rằng ông cố ý, nhưng Beckham có “lười” thật không thì phải xem lại.
Ferguson coi Beckham là "mục tiêu" cần cảnh cáo một khi Beck bắt đầu có ý định rời MU
Lười thật thì Beckham đã không đá hơn 4.000 phút (chỉ kém Silvestre, Giggs và Van Nistelrooy), ghi 11 bàn & 14 kiến tạo trong 52 trận. Beckham lười đến mức mùa đó ăn số thẻ vàng cao thứ 3 của đội, chứ không đá bóng kiểu lãng tử không ăn thẻ nào như Giggs.
Beckham ra đi và MU 3 mùa kế tiếp nhìn Arsenal, rồi Chelsea ngự trị Premier League. Nếu không có lứa Rooney và Ronaldo trưởng thành để nối tiếp thành công của MU, đẩy Beckham đi sẽ là sai lầm lớn nhất của Ferguson.
"Hổ đói" mới dùng được
Nếu có cầu thủ nào hiện nay đáng bị ném giày, đó phải là Marcus Rashford. Ăn lương cao nhất đội nhưng Rashford cũng gây thất vọng nhất và không cho thấy ý chí cầu tiến.
Rashford tụt phong độ ngay sau khi ký gia hạn với MU
Nhưng Ferguson dám “sấy” các ngôi sao ở MU bởi ông có quyền lực tối thượng, điều không người kế tục nào có được. Quyền lực đó bao gồm việc trả lương thưởng. Trong kỷ nguyên nhà Glazer quản lý MU, quá nhiều cầu thủ đã được trả lương cao vô tội vạ.
Jadon Sancho chưa có công trạng gì đã nhận khoảng 250.000 bảng/tuần khi mới đến MU, trong khi Marcus Rashford đá mùa 2022/23 rất hay, được ký gia hạn và phong độ lập tức "đổ đèo". Anthony Martial được giữ 9 năm tại MU, trong đó hồi năm 2019 sắp hết hợp đồng thì "bỗng dưng" đá hay, được gia hạn và tiếp tục ăn hại MU cho đến hè năm nay.
Sancho và Martial, hai vụ "lừa tiền" thành công nhất những năm gần đây tại MU
Ten Hag có ném 10 chiếc giày vào mặt Rashford cũng sẽ không thôi thúc được động lực thi đấu của một người đã thỏa mãn nhu cầu tài chính, tương tự với các cầu thủ khác. Nếu họ dễ tự mãn khi tiền đã vào túi, họ cũng chỉ như những "con hổ no nê" không còn ý chí để thống trị rừng xanh, không có lý do để tiếp thu lời khuyên của HLV.
Trách nhiệm để tạo nên một "đàn hổ đói" quyết tranh các danh hiệu không phải của Ten Hag mà thuộc về các lãnh đạo MU, bởi fan MU hẳn đã thấy các đời HLV trước khó khăn ra sao trong việc khơi dậy động lực thi đấu của các cầu thủ. Ném giày như Ferguson sẽ chỉ càng làm mọi chuyện rối lên, mà Ten Hag chưa có quyền lực tuyệt đối như Fergie.
Huống hồ việc ném giày đó rốt cuộc mang lại điều gì cho MU của Ferguson, ngoài chắc chắn mất đi một trụ cột và trải qua 3 năm bị soán ngôi?
Quyết định cuối cùng của MU về tương lai HLV Erik Ten Hag có thể khiến bóng đá châu Âu sục sôi.
Nguồn: [Link nguồn]