MU hạng 7, Chelsea hạng 14 chưa "khổ" bằng Man City 2 lần rớt hạng trong 3 năm
Mùa giải tệ nhất của các đội bóng thuộc "Big 6" trong kỷ nguyên Ngoại hạng Anh diễn ra như thế nào?
Mùa giải 2023/24, MU và Chelsea đang thể hiện phong độ kém ấn tượng khi bị tốp dẫn đầu Ngoại hạng Anh bỏ xa (MU hạng 6, Chelsea hạng 11). Từ vị thế ứng viên vô địch, 2 câu lạc bộ phải chiến đấu chỉ để cạnh tranh tấm vé dự cúp châu Âu mùa tới.
Nhìn lại quá khứ, từ thời điểm kỷ nguyên Ngoại hạng Anh hình thành vào năm 1992, các đội bóng thuộc nhóm "Big 6" hiện tại (MU, Chelsea, Man City, Liverpool, Arsenal, Tottenham) cũng từng trải qua quãng thời gian khủng hoảng, thậm chí có đội ngụp lặn ở giải hạng dưới.
"Thảm họa" David Moyes khiến MU trượt dài
MU: Hạng 7 (2013/14)
2013/14 là mùa giải đầu tiên MU không có sự góp mặt của Sir Alex Ferguson trên băng ghế chỉ đạo sau 27 năm. "Người được chọn" David Moyes phải kế thừa đội hình già nua, no nê danh hiệu cùng áp lực khổng lồ. Để rồi, chiến lược gia này đã thất bại trong việc duy trì chu kì thành công cho đội chủ sân Old Trafford.
MU xếp thứ 12 sau 6 vòng đầu, trong đó có thất bại nhục nhã 1-4 trước đại kình địch Man City. Thậm chí, David Moyes còn bị sa thải vào tháng 4/2014 và nhường quyền chỉ đạo cho huyền thoại Ryan Giggs trong 4 vòng đấu cuối. Chung cuộc, "Quỷ đỏ" kết thúc mùa giải với vị trí thứ 7, xếp dưới cả đội bóng cũ của David Moyes là Everton (hạng 5).
Liverpool: Hạng 8 (1993/94, 2011/12, 2015/16)
Trong kỷ nguyên Ngoại hạng Anh, Liverpool có tới 3 lần đứng hạng 8 chung cuộc. Lần đầu tiên là mùa giải 1993/94 dưới thời HLV Roy Evans, sau đó đến mùa giải 2015/16 dưới thời HLV Jurgen Klopp (Klopp thực tế chỉ tiếp quản đội bóng từ tháng 10 thay Brendan Rodgers bị sa thải).
Tuy nhiên, ác mộng đến với "Lữ đoàn đỏ" vào mùa giải 2011/12 dưới thời Sir Kenny Dalglish. Thành tích 52 điểm/38 trận là số điểm thấp nhất của họ tại giải VĐQG kể từ năm 1954, kém nhóm dự Champions League 17 điểm. Dù sao đi nữa, "Lữ đoàn đỏ" vẫn được an ủi bằng chức vô địch League Cup (thắng Cardiff) để chấm dứt chuỗi 6 năm trắng tay.
Arsenal: Hạng 12 (1994/95)
Mùa 1988/89, Arsenal giành chức vô địch quốc gia Anh (First Division) nhưng chỉ 4 năm sau, "Pháo thủ" đã trải qua mùa giải tệ hại nhất kỷ nguyên Ngoại hạng Anh khi đứng thứ 12 chung cuộc, chỉ cách nhóm xuống hạng 6 điểm.
Không ít người ngỡ ngàng bởi Arsenal sở hữu dàn hảo thủ vừa giành chức vô địch European Cup Winners' Cup 1994 (tiền thân của Europa League) như Tony Adams, Ray Parlour, David Seaman.
Thành tích bết bát đến từ tình trạng quá phụ thuộc vào khả năng săn bàn của Ian Wright, chấn thương của các hậu vệ chủ chốt, chưa kể tiền vệ ngôi sao Paul Merson phải nghỉ thi đấu một thời gian vì vấn đề cờ bạc và ma túy.
Đỉnh điểm thất vọng đến vào tháng 2/1995, thời điểm HLV trưởng lâu năm George Graham (dẫn dắt Arsenal giai đoạn 1986-1995) từ chức sau khi bị kết tội nhận các khoản thanh toán chuyển nhượng bất hợp pháp.
Ian Wright bất lực nhìn Arsenal đua trụ hạng ở mùa 1994/95
Chelsea - Hạng 14 (1993/94)
Mùa 2022/23, Chelsea gây thất vọng lớn khi xếp thứ 12 Ngoại hạng Anh. Tuy nhiên người hâm mộ "The Blues" vẫn còn cảm thấy may mắn so với giai đoạn 30 năm trước, thời điểm họ chỉ là đội bóng hạng trung.
Từ năm 1992 đến 1996, Chelsea có 3 lần kết thúc mùa giải Ngoại hạng Anh ở vị trí 11, bên cạnh 1 lần xếp hạng 14 mùa giải 1993/94. Dưới sự dẫn dắt của HLV trưởng kiêm cầu thủ Glenn Hoddle, Chelsea từng trải qua chuỗi 11 trận không thắng ở mùa giải đó.
Thú vị hơn, họ vẫn giành suất dự cúp châu Âu vào cuối mùa nhờ thành tích lọt vào chung kết FA Cup (gặp MU, thua 0-4).
Tottenham - Hạng 15 (1993/94)
1993/94 là mùa giải đáng quên với các thành viên "Big 6" hiện tại. Bên cạnh Liverpool và Chelsea, Tottenham cũng có mùa giải tệ nhất kỷ nguyên Ngoại hạng Anh.
"Gà trống" khởi đầu không đến nỗi nào, xếp thứ 5 sau 10 vòng đầu nhờ phong độ xuất sắc của tiền đạo Teddy Sheringham (ghi 9 bàn). Tuy nhiên bước ngoặt xảy ra khi Sheringham dính chấn thương dài hạn, còn Tottenham trải qua chuỗi 9 trận không thắng liên tiếp.
Đầu năm 1994, "Gà trống" tiếp tục có chuỗi 7 trận thua liên tiếp và đối diện nguy cơ xuống hạng. Rất may, Sheringham kịp tái xuất vào tháng 4 để giúp đội bóng chủ quản về đích an toàn với thứ hạng 15 chung cuộc, hơn nhóm xuống hạng 3 điểm. Bản thân cựu tiền đạo này thậm chí đoạt danh hiệu Vua phá lưới (13 bàn).
Mùa giải đáng quên của Tottenham khép lại bằng án phạt 600.00 bảng từ Liên đoàn Bóng đá Anh, bị trừ 12 điểm ở mùa giải tiếp theo do những bất thường về tài chính trong thập niên 80.
Man City từng lên - xuống hạng "như cơm bữa"
Man City - hạng 3 Division 2 (1998/99)
Man City chính là thành viên Big 6 có xuất phát điểm "khiêm tốn" nhất kỷ nguyên Ngoại hạng Anh. Trước khi lột xác nhờ giới chủ Ả Rập, đại diện thành Manchester từng lên - xuống hạng "như cơm bữa" giữa Ngoại hạng Anh, Division 1 (tiền thân của Championship), Division 2 (tiền thân của League One), thậm chí 2 lần xuống hạng trong 3 năm giai đoạn 1995-1998.
Mùa 1998/99, sau khi rớt xuống Division 2, Man City phải thi đấu với những đội bóng vô danh như Macclesfield, Chesterfield, Northampton Town. Tuy nhiên họ cũng chỉ giành quyền lên chơi Division 1 với vị trí thứ 3 chung cuộc, sau đó mất thêm 1 mùa giải để trở lại Ngoại hạng Anh.
Theo tin tức từ báo giới Anh, giới chủ mới của MU tỏ ra không vừa ý với cách quản lý cầu thủ của chiến lược gia người Hà Lan.
Nguồn: [Link nguồn]