MU gặp rắc rối luật tài chính, lý do hụt Kim Min Jae và “lật kèo” De Gea
Vì sao MU mua sắm chậm chạp trong mùa hè và thậm chí xem xét "lật kèo" hợp đồng với De Gea? Vì họ không dư dả như nhiều người tưởng.
MU có khả năng chi tiêu trong mùa hè này, họ sắp hoàn tất vụ mua tiền vệ tấn công Mason Mount từ Chelsea với giá khoảng 60 triệu bảng. Nhưng mặt khác họ không thể tiêu tiền một cách dễ dàng, trung vệ Kim Min Jae đã quyết định không đến MU mà chọn Bayern Munich làm bến đỗ do tiền lương cao hơn trong khi vụ mua thủ môn Andre Onana của Inter Milan chưa có đột phá.
MU "lật kèo" hợp đồng với De Gea không phải vì thiếu tôn trọng anh, mà vì lý do tài chính
Trong tháng 6, “Quỷ Đỏ” thậm chí tính “lật kèo” hợp đồng với thủ môn David De Gea, chấp nhận để thủ môn người Tây Ban Nha này trở thành cầu thủ tự do bởi họ đã rút lại đề nghị gia hạn cũ, vốn sẽ giảm mức lương của De Gea, để thay bằng một đề nghị với tiền lương còn thấp hơn cả đề nghị vừa bị rút lại. Hành động đó giống của một CLB khó khăn tài chính chứ không xứng với một tổ chức có thể tự chủ chuyện tiền nong bởi sức hút thương mại to lớn của mình.
Mới đây học giả Kieran Maguire, người chuyên về lĩnh vực kế toán trong bóng đá, đã tiết lộ vì sao MU lại có những hành động như vậy và vì sao việc mua sắm lại chậm chạp so với các đối thủ Premier League khác.
Ông tiết lộ có người đã cung cấp cho ông các con số về tình hình tài chính năm qua của MU và CLB này thực ra đang đối mặt với rắc rối xoay quanh luật tài chính Premier League. Nó chưa nghiêm trọng tới mức có thể khiến MU bị phạt nhưng sẽ thành vấn đề nếu tiếp tục tái diễn.
Theo đó trong vòng 3 năm qua MU do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã có thời điểm thua lỗ 87 triệu bảng và phải sang năm tài chính vừa qua mới khôi phục lại đáng kể để giảm số tiền lỗ xuống còn 11 triệu bảng. Nhưng theo hạn ngạch Premier League ban hành, các CLB không được lỗ quá 15 triệu bảng và nếu họ thua lỗ, chủ sở hữu có thể đầu tư vốn tối đa 90 triệu bảng vào CLB để bù đắp.
MU đã phần nào hồi phục sau dịch Covid-19 nhưng vẫn lỗ 11 triệu bảng kinh phí hoạt động, gần mức 15 triệu bảng là mức tối đa theo luật của Premier League
Nhưng MU lại không nhận được một vốn đầu tư nào trong 3 năm qua từ chủ sở hữu, cụ thể ở đây là nhà Glazer. Và điều đó, vốn đã trở nên quen thuộc trong nhiều năm, sẽ còn tiếp tục chừng nào nhà Glazer chưa bán CLB bởi không ai đầu tư vào một doanh nghiệp trong lúc mình sắp bán thứ đó cho người khác và rút vốn hoàn toàn. Do vậy MU phải rất cẩn thận trong quản lý tài chính để không đối mặt với án phạt của Premier League.
Học giả Kieran Maguire cho biết thêm MU vốn được mua bằng tiền nên MU phải trả lãi suất cho bên cho vay, luật tài chính Premier League không cho mô hình này vào ngoại lệ nên đội bóng lại càng bị hạn chế trong chi tiêu.
Họ có thể bù đắp bằng việc bán cầu thủ, nhưng MU là đội bán cầu thủ được giá kém nhất của nhóm “Big Six” tại Premier League với chỉ 132,5 triệu bảng thu về trong giai đoạn 2013-2022, trong khi Arsenal “kém” thứ hai vẫn đút túi tới 317,9 triệu bảng.
Tất cả những điều trên khiến MU đang như người đi trên dây trong kỳ chuyển nhượng này, họ có thể sẽ có Mason Mount do ngôi sao người Anh đang sắp hết hợp đồng với Chelsea, buộc đội bóng này phải bán rẻ hơn so với mức giá họ có thể đòi từ một đối thủ Premier League. Nhưng hụt Kim Min Jae, tính chuyện “lật kèo” với De Gea là những hành động chẳng đặng đừng khi những ông chủ người Mỹ không chịu hỗ trợ dù chỉ 1 xu.
Nguồn: [Link nguồn]
Mason Mount sẽ trở thành một trong 10 hộ công đắt giá nhất trong lịch sử nếu về MU.