MU: Đừng mài vội mà hỏng ngọc thô
Những tín hiệu tốt về tương lai đầy hứa hẹn của lứa cầu thủ mới vừa chợt chớp lên, nhưng việc xây dựng “lứa 1992 mới” lại là nhiệm vụ hết sức khó khăn.
Giữa muôn trùng khó khăn và thất vọng, NHM Man United xem như được “an ủi” một chút vào niềm tin sau trận thắng Hull City ở vòng 37 Premier League. Chiến thắng không có gì quan trọng, nhưng trực tiếp giới thiệu 2 gương mặt trẻ Tom Lawrence và đặc biệt là chủ nhân của cú đúp James Wilson. Cộng thêm Adnan Januzaj chơi cực hay, người ta đã nhắc đến khái niệm “thế hệ 1992 mới”, mà Ryan Giggs và người sắp được bổ nhiệm Louis Van Gaal đang và sắp thừa hưởng.
Man United và cái dớp của “những Macheda”
Ngày 5-4 năm 2009, cầu thủ trẻ có tên Federico Macheda lần đầu tiên được ra sân trong đội hình một của Man United. Đó là lúc Quỷ đỏ đang bị Aston Villa dẫn 2-1. Macheda lập tức để lại ấn tượng khó phai bằng bàn thắng kỹ thuật giúp Man United ngược dòng thành công sau khi Ronaldo san bằng tỉ số.
Báo chí ca ngợi cầu thủ sinh ra tại Rome hết lời, nhiều chuyên gia dự đoán anh sẽ là ngôi sao lớn trong tương lai và một suất đá chính tại tuyển Ý đang chờ. Nhưng không. Suốt 5 năm kể từ ngày ấy, cầu thủ sinh năm 1991 bị đem cho mượn đến 6 lần và ghi được vỏn vẹn 13 bàn (riêng mùa này đã có 10 bàn cho Birmingham).
Macheda chính là hiện thân cho cái dớp u ám phủ lấy những ngôi sao trẻ tại sân Old Trafford kể từ sau thế hệ 1992 của cựu HLV Sir Alex Ferguson.
Macheda chỉ "vụt sáng" rồi "tắt ngấm"
Họ luôn được chú ý đặc biệt, luôn được tán dương lên tận mây xanh chỉ qua một vài màn thể hiện tốt, và sau đó số phận đi xuống như nhau.
Trước Macheda, Man United đã “phát nản” với Wes Brown, John O’Shea, Ben Foster, và sau này là Tom Cleverley – người từng được xem là “Paul Scholes” mới. Trong nhóm “ngọc thô” được Sir Alex mang về, từ Kleberson, Eric Djemba-Djemba đến Anderson, Nani, Chicharito, Nick Powell hay Alex Buttner, tất cả đều chỉ thể hiện tốt lúc đầu và mất tích sau đó.
Hôm nay, sau cú đúp ở ngày ra mắt, James Wilson cũng xuất hiện khắp các mặt báo. Goal.com phong ngay cho anh biệt danh “Luis Suarez mới”, còn Daily Mail giật cái tít đầy hàm ý cho rằng, Wilson hiện có khả năng khoác áo tuyển Anh đá World Cup! Liệu cầu thủ sinh ra tại Straffordshire có thoát khỏi cái dớp của đàn anh Macheda?
Trách nhiệm của Giggs và Van Gaal
Wilson và Lawrence là những sản phẩm đầu tay của HLV tạm quyền Ryan Giggs và tiền nhiệm David Moyes. Nhưng khi tất cả chuyển sang tay Louis Van Gaal, chuyện gì sẽ xảy ra?
Trang independent.ie dẫn nguồn cho biết Wilson sắp được ký hợp đồng mới để Man United “trói chân” bằng mức lương gấp… 30 lần những gì anh đang nhận: từ 1.000 bảng lên 30.000 bảng/tuần. Tuy nhiên, những tờ báo khác lại thiên về viễn cảnh Wilson sẽ bị trả lại đội dự bị.
Nếu không phải một người trẻ ở tuổi huấn luyện như Giggs, thì Wilson sẽ không thể “phất” nhanh được. Khi Louis Van Gaal nhận chiếc ghế nóng bỏng tại Old Trafford, ông chắc chắn sẽ gặp áp lực thành công. Trên mặt báo xuất hiện những khoảng tiền tấn được cho sẽ nằm trong kế hoạch chiêu mộ của HLV người Hà Lan. Đó là trở ngại đầu tiên của việc phải đặt niềm tin vào nhóm cầu thủ trẻ.
Điểm thứ hai, mài ngọc bao giờ cũng cần thời gian, nếu không muốn áp lực danh tiếng quá sớm sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp của một nhân tài.
Wilson (trái) và Lawrence liệu có cơ hội phát triển tài năng thực sự?
Sử dụng hạn chế để bớt áp lực, đó là cách David Moyes đã làm với Adnan Januzaj mùa giải này. Đấy cũng là phương pháp quen thuộc của “chuyên gia mài ngọc thô” Arsene Wenger, điển hình là việc đưa Jack Wilshere cho Bolton mượn, bắt cầu thủ này dự bị tích lũy kinh nghiệm.
Có thể Wilson hay Lawrence cũng sẽ phải chấp nhận đi “đánh thuê” ở mùa giải tới, sau khi họ nhận được hợp đồng thi đấu chuyên nghiệp. Đó là cách truyền thống, và cách tốt nhất để giữ đôi chân tất cả ở lại mặt đất, và cùng rèn luyện thêm để đối phó áp lực thi đấu đỉnh cao.
Tin ở Van Gaal hay không thì tùy, nhưng chắc chắn NHM Man United sẽ chưa được chứng kiến một “thế hệ 1992 mới” nào cả.