MU dính đòn knock-out: "Thảm họa" Munich!
Một ngày trước trận đại chiến lượt về, David Moyes đã đưa các cầu thủ tới thăm và đặt hoa ở đài tưởng niệm thảm họa Munich 1958.
Thảm họa rơi máy bay ở Munich đã cướp đi sinh mạng của 23 người, trong đó có 8 cầu thủ của thế hệ vàng MU, thường được gọi là "Busby Babes" (những cậu bé của Matt Busby). Đó là một góc bi tráng trong lịch sử đội bóng này. Duncan Edwards, được dự báo sẽ là một trong những tiền vệ hay nhất nước Anh chết trong bệnh viện.
Người sống sót còn lại, Bobby Charlton đã giương cao lá cờ truyền thống CLB với chức vô địch châu Âu đầu tiên 10 năm sau đó. Ở sân Old Trafford hiện nay có gắn tấm bảng lớn tưởng niệm thảm họa và ở khán đài Đông Nam còn treo “The Munich Clock”, chiếc đồng hồ chỉ 2h19’, thời điểm thảm họa xảy ra.
Sức mạnh tinh thần không đủ mang đến điều kỳ diệu
Bằng cách tưởng nhớ đến nó, Moyes muốn các cầu thủ được tiếp thêm sức mạnh tinh thần, sự quyết tâm và thắt chặt tình đoàn kết cho một trận đánh khó khăn sẽ quyết định vận mệnh mùa giải của Quỷ đỏ. Nhưng đã chẳng có câu chuyện thần kỳ nào xảy ra, ngoại trừ khoảnh khắc lóe sáng của Patrice Evra.
Sức mạnh tinh thần đã phần nào giúp MU cầm chân Bayern Munich trong hiệp 1, công bằng mà nói Bayern cũng đã chơi không tốt khi cố duy trì kiểu chuyền zig-zag theo phong cách Pep Guardiola. MU ghi được bàn thắng ở phút 58 nhờ nỗ lực cá nhân của Evra nhưng chỉ 60 giây sau, lưới của họ đã rung lên khi Bayern từ bỏ những đường chuyền rối rắm để trở lại với bóng đá trực diện và quyết liệt. Hàng thủ MU đơn giản là không kháng cự nổi trước sức công phá của đối thủ khi các ngôi sao Bayern chơi đúng phong độ của mình.
Thất bại này gợi nhớ đến lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa Munich vào tháng 2 năm 2008. Đội MU của Sir Alex Ferguson mặc những chiếc áo không đánh số và không ghi tên, mẫu áo đấu nửa thế kỷ trước đã thua Man City 1-2 ngay trên sân nhà Old Trafford, cũng trong bầu không khí tưởng niệm xúc động. Một hành động kích thích tinh thần đôi khi lại gây tác dụng ngược và khiến chính bản thân mình chịu sức ép.
MU năm 2008 đã vùng lên sau trận thua Man City và giành cú đúp vô địch Ngoại hạng Anh - Champions League. Mùa giải này thì họ đã chắc chắn trắng tay, vé Champions League đã ở ngoài tầm với, thậm chí có thể mất nốt Europa League. Và đó mới là thảm họa thực sự!
Như một lời chia tay
Điểm chung giữa hai lượt trận là MU đều cầm chân được đối thủ hùng mạnh và mở tỷ số trước ở đầu hiệp 2. Lượt đi là Nemanja Vidic với pha đánh đầu uy lực, và lượt về là Patrice Evra với cú đá xuất thần. Một người là đội trưởng, người kia là đội phó, và cả hai sẽ rời Old Trafford vào cuối mùa giải này.
Lời chia tay của Vidic và Evra
Như vậy, cả Vidic và Evra đều đã để lại dấu ấn trong những trận đấu cuối cùng cho Man United ở Champions League. Với Evra, bàn thắng là một điều kỳ diệu nếu biết rằng lần cuối cùng anh nổ súng ở sân chơi này là vào năm 2007, khi MU hủy diệt AS Roma 7-1 cũng tại tứ kết.
Vidic và Evra, họ là những que đóm sắp tàn đã cháy hết những gì đẹp đẽ nhất cho Quỷ đỏ. Thất bại bi tráng này là lời chào từ biệt cho sự ra đi trong thế ngẩng cao đầu của họ, hay rộng hơn là của thế hệ thành công cuối cùng của Alex Ferguson (Ryan Giggs, Rio Ferdinand… cũng có thể sẽ ra đi).
Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời
Như một lời chia tay
Những con số biết nói 12: Bayern đã 12 lần hòa 1-1 trên sân khách ở lượt đi vòng knock-out các Cúp châu Âu và họ đều giành được chiến thắng chung cuộc trong cả 12 lần ấy. 5: Pep Guardiola đã tối thiểu đi tới bán kết Champions League trong tất cả các mùa giải ông làm việc: với Barcelona (2008-09, 2009-10, 2010-11, 2011-12) và với Bayern Munich (2013-14). 7: Patrice Evra đã mất 7 năm mới ghi thêm một bàn ở Champions League. |