MU: Có một thứ gì đó đang chết đi
Manchester City tiếp Chelsea trong trận cầu đinh của ngày Chủ nhật, ngày vẫn thường gọi là Super Sunday. Nhưng có một trận đấu cũng không hề kém cạnh về sức hút, Man United gặp Leicester City.
Bất chấp vị trí lơ lửng ở giữa bảng xếp hạng, MU vẫn là một cái tên “hot” bởi tất cả khán giả đều muốn xem dàn siêu sao của họ trình diễn. Dàn siêu sao ấy được báo chí Anh bóng bẩy gọi là “Gaal-acticos”, nhái theo thuật ngữ “Galacticos” của Real Madrid.
Thường thì đây sẽ là dịp để cổ động viên Man United chê cười hai thế lực màu xanh mới nổi kia. “Lịch sử”, “truyền thống”, “đẳng cấp”... là những danh từ được các Manucian đưa ra để nhạo báng hai đội bóng trọc phú ấy. Lần này, chẳng còn fan MU nào dám cười nhạo đối thủ nữa. Đơn giản, anh không có quyền cười họ khi bản thân anh không khác họ là bao.
MU từng giành nhiều danh hiệu với đội hình gồm nhiều cầu thủ tự đào tạo
MU đã “đổi màu” chỉ sau một mùa Hè và quá trình “Galacticos hóa” của đội bóng giàu truyền thống ấy diễn ra còn nhanh và sốc hơn so với sự chuyển mình của Chelsea và Man City. Cả Chelsea và Man City đều phá kỷ lục chuyển nhượng của bóng đá Anh (với Torres và Robinho), cũng như phá kỷ lục chi tiêu trong một mùa mua sắm và bây giờ đến lượt MU. 150 triệu bảng được chi cho 6 tân binh, trong khi Angel Di Maria trị giá 60 triệu bảng là cầu thủ đắt nhất trong lịch sử Premier League.
Trong bóng đá, ý tưởng xây dựng đội bóng dựa trên những cầu thủ tự đào tạo luôn có sức cuốn hút mãnh liệt với khán giả, đặc biệt là những cổ động viên trung thành. Đó là lý do tại sao trong rất nhiều những nhà vô địch Cúp C1/Champions League, Celtic 1967 vẫn mãi được ca tụng. Thế hệ được gọi là “bầy sư tử Lisbon” năm ấy gồm toàn các cầu thủ được sinh ra trong bán kính 30 dặm tính từ thủ đô Glasgow. Hay như Barcelona của Pep Guardiola đã chiến thắng trong 2 trận chung kết Champions League mà 7 trên 11 cầu thủ đá chính đi lên từ La Masia.
Manchester United trong suốt lịch sử phát triển dài lâu của mình cũng luôn trân trọng những giá trị truyền thống. Từ “những đứa trẻ của Busby” (Busby Babes) thập niên 1950 cho tới “bầy chim non của Fergie” (Fergie's Fledglings) những năm 1990, những học viên của lò đào tạo MU đều đã nắm vai trò quan trọng trong đội hình. Và nếu không có thảm họa rơi máy bay ở Munich, Busby Babes sẽ viết được nhiều hơn những trang sử hào hùng cho CLB.
Đội hình MU hiện tại bóng bẩy hơn nhưng cũng kém bản sắc hơn
Những ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng Hè 2014 đánh dấu một sự kiện đặc biệt của MU, khi Louis Van Gaal mua Radamel Falcao và đẩy đi Danny Welbeck, cầu thủ được HLV người Hà Lan xem là “không cùng trình độ với Rooney và Van Persie”. Đó là một quyết định gây tranh cãi trong giới CĐV. Đội bóng đã chi tới 20 triệu bảng cho 12 tháng sử dụng một cầu thủ đã 28 tuổi, nhiều hơn 4 triệu bảng so với những gì Arsenal bỏ ra cho Welbeck, một người mới 23 tuổi, đã có 15 năm ở CLB và vẫn đang đà phát triển.
Một thống kê quan trọng từ tờ Daily Mail mà Van Gaal có thể phải quan tâm: MU đã luôn ra sân với ít nhất một cầu thủ tự đào tạo (homegrown player) kể từ năm 1937, qua 3.705 trận đấu liên tiếp. Trong trận gần nhất gặp QPR, MU vẫn xuất phát với 2 “gà nhà” (Tyler Blackett và Jonny Evans), nhưng chẳng có gì đảm bảo rằng 2 con người ấy vẫn sẽ đá chính khi Chris Smalling, Phil Jones và Luke Shaw trở lại. Chuỗi hơn 3.700 trận ấy hoàn toàn có thể đứt dưới thời đại “Gaal-acticos”.
Quyết định bán Welbeck cho Arsenal gây nhiều nuối tiếc cho fan MU
Mike Phelan, trợ lý lâu năm của Alex Ferguson nói rằng MU đã “đánh mất bản sắc” của mình sau khi bán Welbeck. Đi cùng với Welbeck là một loạt tài năng trẻ, là Tom Cleverley, là Tom Lawrence, Michael Keane và Nick Powell... Người được cho mượn, kẻ bị bán đứt.
5 năm trước, Sir Alex Ferguson từng điên tiết gọi Man City là “những gã hàng xóm ồn ào”, là “những kẻ đần độn và ngạo mạn”... Ấy là khi CĐV đội bóng này căng tấm poster hình Carlos Tevez dang tay ăn mừng bàn thắng, khi Tevez vừa “đào tẩu” sang Man City. Bây giờ, biết đâu chính những người Eastlands lại coi Man United mới là những gã hàng xóm ồn ào.
Ở Old Trafford, có một thứ gì đó đang chết đi sau khi đốt 150 triệu bảng trong một mùa Hè. Và những CĐV hoài cổ lại đặt câu hỏi, đâu rồi màu đỏ năm xưa?