MU chọn tân HLV: Những điều hoài nghi với Pochettino
Mục tiêu số 1 của Man Utd, HLV Pochettino liệu có phải là sự đảm bảo đưa “Quỷ Đỏ” trở lại với vinh quang?
Video 2 bàn thắng của MU trước Villarreal trong ngày ra mắt của HLV Carrick:
Câu hỏi đầu tiên đặt ra với Pochettino, đây là một HLV tiềm năng hay là một HLV xuất sắc? Trong bóng đá, khi một HLV hay CLB còn chưa giành được những danh hiệu lớn thì họ vẫn chưa thoát khỏi cái danh vị tiềm năng.
Như chính Tottenham thời Pochettino, dù có 5 mùa liên tiếp đứng trong Top 4 Ngoại hạng Anh, từng vào tới chung kết của Champions League, nhưng chưa giành danh hiệu nào trong 13 năm qua nên họ chỉ mới góp mặt trong nhóm “Big 6” chứ chưa phải là một CLB lớn.
Pochettino đang là ứng viên sáng giá được nhà Glazer lựa chọn thay Solskjaer
Còn bản thân Pochettino sau 12 năm cầm quân (bắt đầu từ 2009) cũng mới chỉ có danh hiệu duy nhất: Cúp QG Pháp. Poch đến với PSG giữa mùa năm ngoái khi PSG đứng thứ ba, chỉ kém 1 điểm so với đội dẫn đầu, nhưng cuối cùng chỉ về thứ hai.
Pochettino mùa này có thể sẽ giành được danh hiệu đáng kể hơn nếu như ông tiếp tục ở lại với PSG. Khoảng cách 11 điểm chỉ sau 1/3 mùa giải ở Ligue 1 là lợi thế rất lớn trong khi PSG có một lực lượng vượt trội so với phần còn lại. Còn Champions League là giải đấu thật khó nói trước điều gì vì ngoài thực lực còn cần phải có cả duyên số.
Đánh giá về Poch ở PSG không thể không nói tới câu chuyện ông có phải là người giỏi chịu sức ép hay không, bởi nó chính là thứ đang khiến ông cảm thấy không thuộc về nơi này dù đây đã là mùa thứ hai. PSG có mô hình khá giống với Chelsea, đó là CLB với Giám đốc thể thao quyết định tất cả về chuyển nhượng theo định hướng của ông chủ, còn HLV chỉ là người làm công tác huấn luyện và chỉ đạo chiến thuật thuần túy. Ở đó, họ được trao cho một đội hình với các mục tiêu vô địch.
Ưu điểm của Poch là gì?
Xưa nay nói về Poch, người ta vẫn bảo rằng đây là một HLV có triết lý, theo đuổi thứ bóng đá tấn công, sẵn sàng pressing tầm cao dựa trên một đội hình được xây dựng không dựa vào danh tiếng của các cầu thủ. Thành quả từ triết lý đó là luôn biến các đội bóng của mình từ chỗ không được đánh giá cao nhưng trở thành hiện tượng.
Đó là hiện tượng Espanyol ở Tây Ban Nha, hiện tượng Southampton của mùa 2013/2014, và như nói ở trên, hiện tượng Tottenham đã duy trì qua nhiều mùa bóng để là CLB cấu thành nên nhóm Big6 của Ngoại hạng Anh và thành viên của giải đấu chết yểu Super League của châu Âu.
Nhưng Man Utd cũng đã từng có nhiều hơn một HLV có triết lý kể từ thời hậu Sir Alex. Mourinho là HLV có triết lý thực dụng, đoạt cúp bằng mọi cách. Đặc biệt là Louis van Gaal (LVG), người xưa nay hiếm hoi hay quảng bá rằng “tôi là người có triết lý”, và triết lý bóng đá của LVG quả là có những thống kê thuyết phục.
Giữa 2 người tiềm nhiệm và là bậc tiền bối này, chúng ta hãy so sánh Pochettino với Louis van Gaal, vì họ có nhiều điểm tương đồng thông qua triết lý bóng đá.
LVG từng nói về triết lý của mình, đó là việc ông đã trao cho Pep Guardiola tấm băng đội trưởng của Barcelona “vì cậu 27 tuổi, không lớn nhất đội, nhưng không ai ở đội bóng này hiểu bóng đá của tôi hơn cậu”.
Đó là LVG đã đưa Xavi và Iniesta lên đội 1 của Barcelona để rồi sau này họ trở thành huyền thoại.
Đó là LVG đã đưa Thomas Muller trở thành ngôi sao, giúp Schweinsteiger thành tiền vệ trung tâm xuất sắc, đưa David Alaba từ tiền vệ thành hậu vệ cánh trái cừ khôi ở Bayern Munich.
Đó là lối đá tấn công tổng lực, kiểm soát bóng dựa trên nguyên tắc đảm bảo vị trí và cự ly đội hình là số 1 mà ông mang lại cho mọi CLB đã dẫn dắt trừ Man Utd.
Đó là số danh hiệu mà ông giành được với Ajax, Barcelona và Bayern Munich là 13 chiếc cúp ở các giải đấu quan trọng, trong đó có C1 và các giải VĐQG. Và chưa kể tới ngôi thứ ba World Cup 2014 cùng một thế hệ cầu thủ Hà Lan “rất ít người biết bay”.
Vậy mà LVG cũng thất bại ở Man Utd, chỉ giành được một danh hiệu là FA Cup rồi sau đó bị sa thải. Và thứ tệ nhất – nguyên nhân cốt lõi khiến LVG bị trảm là lối chơi buồn tẻ của Man Utd trong một thời gian rất dài.
Làm HLV ở Ngoại hạng Anh là thử thách khó khăn nhất đối với các chiến thuật gia. Và làm ở Man Utd là khó nhất trong số các khó khăn ở Ngoại hạng, dù đội bóng này không thiếu tiền, hiện đang là CLB trả lương cao nhất thế giới cho các cầu thủ, và trong 8 năm qua đã bỏ ra hơn 1 tỉ bảng để mua sắm cầu thủ.
Một cấu trúc chưa hoàn thiện của Man Utd cũng là lý do khác do nó có hơn 2 thập kỷ gặt hái thành công với mô hình “CLB bóng đá chịu trách nhiệm một mình Sir Alex”, nhưng giờ đây đã định hình với các chức danh cụ thể.
Những gì xảy ra với Ole nửa cuối mùa trước và giai đoạn đầu mùa này cho thấy thành tích trên sân cỏ của Man Utd hoàn toàn là bởi HLV và các cầu thủ.
Sức ép vượt trội từ truyền thông ở Anh dành cho Man Utd so với các CLB khác chính là vấn đề lớn nhất.
Nó đã và sẽ còn biến những việc nhỏ nhất thành việc to, rồi việc to thành điều tồi tệ, và cuối cùng là cuộc khủng hoảng.
Nó còn lớn hơn cả sức ép thành tích của các ông chủ Man Utd – những người quan tâm nhiều hơn tới các con số tài chính, và thực sự là mùa này cũng không đòi hỏi Man Utd phải thắng C1 hay vô địch Ngoại hạng Anh.
Để đương đầu với nó phải là một HLV tầm cỡ, đủ để Sir Alex yên tâm nghỉ hưu, đủ để làm câm lặng những tờ báo và chuyên gia hay chỉ trích về mặt chiến thuật mà không cần phải lấy những chiếc cúp ngày trước ra đối đáp, đủ để các cầu thủ tin tưởng tuyệt đối về những lựa chọn chiến thuật, đủ để các CĐV Man Utd – những người biểu tình nhiều nhất trong 2 năm qua ở Anh – tin tưởng.
Pochettino liệu có hợp với MU?
Poch có thể vực dậy Man Utd?
Vậy, nếu Pochettino về Man Utd, ông có thể thành công hay không, thứ triết lý của ông có thể giúp ông vượt lên so với những gì Louis van Gaal ở Man Utd hay không, có thể đưa “Quỷ đỏ” trở lại với bản sắc của nó được không (vừa thắng vừa đá đẹp)?
Một trong những điều khác biệt rõ rệt giữa Man Utd thời LVG và bây giờ nằm ở chất lượng đội hình.
Sáu năm trước Man Utd là đội bóng với những cầu thủ được mang về từ khắp nơi trong một thời gian ngắn (Di Maria, Herrera, Rojo, Romeo, Schweinsteiger, Martial, Blind, Darmian…) cùng với những cầu thủ bản địa người Anh (Rooney, Shaw, Jones, Carrick, Young, Lingard, Rashford…) mà nhiều trong số họ không thích ứng được hết triết lý bóng đá của LVG. Rooney từng nói LVG chính là người mà anh học được nhiều nhất về chiến thuật (hơn cả Sir Alex). Carrick cũng từng nói LVG là chiến thuật gia dạy cho anh nhiều nhất.
Man Utd hiện tại có một bộ khung cầu thủ chất lượng hơn, gắn kết hơn nhờ đã chơi với nhau nhiều năm trong khi 3 tân binh mùa này là Ronaldo, Varane và Sancho đều là những cầu thủ đẳng cấp. Ole Solskjaer ra đi vì khả năng huấn luyện (các trợ lý không giỏi), chỉ đạo chiến thuật yếu kém, và không đủ bản lĩnh khi sức ép gia tăng, nhưng thực tế là đã xây dựng nên một đội hình được coi là tốt nhất của Man Utd trong 8 năm qua.
Đội hình này có lẽ chỉ cần thêm vài sự bổ sung nữa để đạt được sự cân bằng và trở nên hoàn thiện.
Đây dường như là cơ sở lớn nhất để bớt đi những hoài nghi về Pochettino, để hy vọng rằng sự lựa chọn này (nếu diễn ra) mở ra cho Man Utd một con đường trở lại với vinh quang giữa sự cạnh tranh ghê gớm của Chelsea, Man City và Liverpool.
Nguồn: [Link nguồn]
(Trực tiếp bóng đá, Man City - PSG, 3h, 25/11, bảng A Champions League) Màn tái đấu giữa hai đội bóng giàu tham vọng này hứa...