Phải chăng chu kỳ 10 năm là một thứ tồn tại trong lịch sử MU? Sir Alex Ferguson cách đây 9 năm đã từng nói về một “chu kỳ 4 năm”, cho rằng ông có thể tạo ra một đội bóng với chu kỳ thành công kéo dài trong từng đó thời gian. Bí quyết trường tồn của ông ở MU là cứ sau 4 năm lại chuẩn bị xây dựng cho một thế hệ mới.
Nhưng có vẻ lịch sử thành công của MU từ thời Ferguson tới nay nói lên rằng một chu kỳ 10 năm đang tồn tại, rằng cứ sau 10 năm họ lại đạt đến một điểm cực đại thành công nào đó . Năm 1999 là năm huy hoàng của cú ăn ba, năm 2009 là năm đoạt cú đúp trước khi Cristiano Ronaldo ra đi.
Với sự hồi sinh của MU gần đây dưới thời HLV Ole Gunnar Solskjaer, và mới đây nhất là màn ngược dòng kịch tính trước Paris Saint-Germain để đi tiếp ở Champions League, hẳn nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Điều gì sẽ chờ MU ở năm 2019? Phải chăng chu kỳ 10 năm sẽ được tiếp tục?
Khi MU đăng quang Champions League năm 1999 sau trận chung kết khó quên tại Nou Camp trước Bayern Munich, chức vô địch đánh dấu mùa giải thành công nhất trong lịch sử MU khi họ đoạt một cú ăn ba Premier League/FA Cup/Champions League.
Khi nhìn lại lịch sử, mùa giải ăn ba đó mới chỉ là sự khởi đầu cho một chu kỳ chiến thắng mới của MU. Một năm về trước họ đã trắng tay ở gần như mọi giải đấu, mất ngôi Premier League vào tay Arsenal và chỉ vào đến tứ kết ở Cúp C1. Mùa giải kết thúc là thời điểm MU chia tay những cựu binh như Brian McClair và Gary Pallister, nhưng đổi lại Sir Alex Ferguson xây dựng nên một tập thể MU mới thậm chí còn thành công hơn thế hệ của Eric Cantona.
Nhìn vào đội hình của MU mùa 1998/99, chỉ có Peter Schmeichel là sắp ra đi sau nhiều năm phụng sự, trong khi thế hệ ngôi sao trẻ 1992 đã trưởng thành và Sir Alex còn bổ sung thêm những Ronny Johnsen, Jaap Stam, Dwight Yorke. Những cầu thủ này còn tiếp tục thi đấu cho CLB thêm 3-4 năm nữa, vừa đúng một chu kỳ như Sir Alex đã nói đến.
Mùa 1998/99 mới chỉ là khởi đầu cho thêm một chu kỳ thành công của MU khi họ tiếp tục bảo vệ chức vô địch Premier League 2 mùa tiếp theo trước khi bị Arsenal lật đổ năm 2002. Nhưng đó vừa là điểm khởi đầu và cũng vừa là đỉnh cao, bởi MU của 3 năm sau đó không mấy thành công ở các mặt trận cúp dù họ vẫn rinh về Cúp Liên lục địa và Siêu cúp châu Âu.
Khi tiếng còi kết thúc trận chung kết Champions League 2008/09 vang lên, các fan MU buồn bã khi họ không thể vượt qua được một Barcelona hùng mạnh của những Pep Guardiola và Lionel Messi. Nhưng có lẽ với riêng Sir Alex Ferguson, ông còn đối mặt với một câu hỏi lớn hơn: Tiếp theo sẽ là gì?
Sau 3 chức vô địch Premier League liên tiếp và ngôi vương Champions League trở lại vào năm 2008, MU tưởng như sẽ tiếp tục không có đối thủ ở trong nước và cạnh tranh thường xuyên chức vô địch ở cấp độ châu Âu. Nhưng Fergie biết trước rằng Cristiano Ronaldo sẽ sang Real Madrid, Carlos Tevez sẽ không ở lại, và một loạt cầu thủ đã đến độ tuổi có thể thay thế: Giggs, Scholes, Neville, Evra, Vidic, Ferdinand, Carrick, Brown, O’Shea, Park Ji-Sung, thậm chí cả Rooney.
Ông đã có sự chuẩn bị trước, anh em nhà Da Silva (Rafael và Fabio) cùng với Dimitar Berbatov gia nhập trước mùa 2008/09. Năm 2009 cũng là năm Fergie bắt đầu áp đặt chính sách không mua đắt cầu thủ ở tuổi 26 trở lên, qua đó từ chối cơ hội mua Franck Ribery. Chính sách đó đến nay vẫn còn ảnh hưởng trong cách tuyển quân của MU.
Sự chuẩn bị trước của Ferguson có lý, bởi dù mùa 2009/10 MU mất ngôi Premier League vào tay Chelsea, nhưng họ đòi lại ngôi vương và vào chung kết C1 sau đó 1 năm, thậm chí với rất nhiều sao già được đề cập ở trên vẫn còn thi đấu ở CLB (Van der Sar & Scholes chỉ giải nghệ sau trận chung kết). MU thậm chí còn vô địch Ngoại hạng mùa 2012/2013 với những Tom Cleverley và Jonny Evans trong đội hình.
Sir Alex rất giỏi trong việc tái thiết, nhưng giây phút Ronaldo ra đi năm 2009 có thể nói là thời điểm một kỷ nguyên vàng nữa của MU kết thúc.
Khi Jose Mourinho bị sa thải, ít người dám tin Ole Gunnar Solskjaer có thể tái sinh MU khi mà những gì được biết đến nhiều nhất ở nghiệp cầm quân của HLV người Na Uy là nỗ lực trụ hạng bất thành của ông với Cardiff. Nhưng giờ mọi tiếng nói đều có chung sự nhất trí: Solskjaer xứng đáng trở thành HLV trưởng tiếp theo của MU.
Màn ngược dòng của MU trước PSG đưa chúng ta tới bức chân dung tuyệt nhất của “Quỷ Đỏ” thời Solskjaer: Không bao giờ vơi cạn niềm tin, không bao giờ chấp nhận thất bại. Nếu Jose Mourinho đưa MU đến Paris với 10 cầu thủ, Mourinho có lẽ sẽ nói những thứ như “thua là chuyện thường”, “MU đã quen với việc bị loại”, “tôi đã từng vô địch giải này”.
"Với kết quả này chúng tôi có thể đi một mạch tới chức vô địch Champions League"
Nhưng Solskjaer thì khác, những từ ông chọn là “đây không phải nhiệm vụ bất khả thi”, “chúng tôi sẽ thưởng thức trận đấu”, “chúng tôi muốn thắng trong 90 phút”. Tự tin không chỉ trong lời nói, Solskjaer còn đủ can đảm để mang 5 ngôi sao trẻ măng đi Paris để họ lần đầu thưởng thức không khí bóng đá châu Âu.
Sự tự tin của tướng cầm quân bao trùm lên tâm lý của các cầu thủ, và chúng ta được thấy lại hình ảnh MU bất khuất thưở nào. MU thời Sir Alex không chỉ nổi tiếng bởi các màn ngược dòng mà còn nổi tiếng bởi những chức vô địch trong thế bị đánh giá thấp hơn đối thủ (1995/96 và 2012/13 là ví dụ). Sức mạnh tâm lý mà người chỉ huy mang lại cho các binh lính dưới quyền có thể biến họ từ những cầu thủ trung bình thành vô địch thiên hạ.
Không chỉ Solskjaer đưa trở lại hình ảnh của MU thời Fergie, chúng ta giờ còn thấy trợ lý Mike Phelan trở lại và một Michael Carrick làm việc cho ban huấn luyện. Những nguyên tắc cũ của MU đã trở lại để làm nên một khởi đầu mới, sau rất nhiều năm lao đao với đủ mọi triết lý thời Moyes, Van Gaal và Mourinho.
Còn quá sớm để nghĩ lứa cầu thủ MU hiện tại sẽ lao một mạch tới chung kết Champions League năm nay để tạo ra thêm một chu kỳ 10 năm vào chung kết Cúp C1 mới. Nhưng lúc này MU đã tìm ra một thế hệ cầu thủ mới có thể đoạt lấy những vinh quang, và tìm ra một HLV mới lẫn những nguyên tắc mới (mà cũ) để đưa lứa cầu thủ đó tới chiến thắng.
MU vẫn còn rất nhiều vấn đề đội hình mà Solskjaer cần phải điều chỉnh, xét cho cùng thành công của Sir Alex Ferguson tại Old Trafford chỉ bắt đầu sau 6 năm tái thiết đầy khó nhọc và cũng không ít sai lầm từ bản thân ông. Nhưng khi nền tảng đã được xác định, sự tiến hóa đủ sức diễn ra thuận buồm xuôi gió.
Năm 2009, kỷ nguyên Ronaldo của MU đã chấm dứt và một sự chuyển giao lại bắt đầu. Năm 2019, kỷ nguyên Solskjaer phải chăng sẽ mang “Quỷ Đỏ” trở lại đỉnh bóng đá Anh?
X | ||||||
CN | T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 |